Trần Anh Kim – một nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam đang trở bệnh nặng trong tù. Cũng giống như một số nhà bất đồng chính kiến thời kỳ đầu, ông đi ra từ ĐCSVN – một cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
***
Trong một lý thuyết về sự sụp đổ hay thay đổi của chế độ, người ta nhìn nhận, tự diễn biến – tự chuyển hóa nội bộ là yếu tố tối quan trọng, kết hợp với những diễn biến thuận lợi về thời cuộc – xã hội.
Từ bỏ Đảng hay nói lên tiếng nói phản biện trong Đảng luôn là một hành trình đầy khó khăn của những Đảng viên, những người từng giơ nắm đấm thề nguyện đứng dưới lá cờ lãnh đạo của ĐCSVN và thực thi XHCN.
Tính đến thời điểm này, trong nhóm những nhà bất đồng chính kiến, ngoài tuổi trẻ ra, thì lực lượng cựu đảng viên, hay đảng viên là một lực lượng chính yếu mang tính nòng cốt, bởi họ nắm rõ quy trình và bản chất bên trong của Đảng. Và một tổ chức, tự bản thân nó sẽ bị thay đổi nếu những yếu tố về thành viên thay đổi về chất…
Vừa qua, Bộ Chính trị ĐCSVN ban hành Quyết định 102, trong đó khai trừ Đảng viên nào bàn và cổ vũ thể chế tam quyền phân lập, thể chế xã hội dân sự – gây ra nhiều tranh cãi.
Với nhà văn Lưu Trọng Văn, ông bày tỏ: ủng hộ.
Lý do đơn giản, vì quyết định này thể hiện tính chất nhất quán về tư tưởng Mác – Lênin và tính tổ chức cao của một đảng chính trị đang cầm quyền. Đồng thời, nó cho thấy, ai có lòng trung thực, tự trọng, thì sẽ rút ra khỏi Đảng để ủng hộ Tam quyền phân lập và Xã hội dân sự. Đúng theo ý nghĩa, chọn lựa đường đi để phụng sự dân tộc,…
Quan điểm khá hay này cho thấy, Quyết định 102 trở thành bài kiểm tra về sự dũng cảm, trung thực và cả sự dấn thân. Rõ ràng, quyền lợi mà Đảng đang chu cấp cho đội ngũ thành viên của mình là rất lớn, và đối với chức vị càng cao thì quyền lợi lại càng nhiều.
Nhưng đúng, phong trào đấu tranh cho một xã hội văn minh, dân chủ và tiến bộ cũng cần Quyết định này. Ít nhất nó đảm bảo cho thấy, những người rời Đảng sẽ là những người đấu tranh kiên quyết nhất, nhiệt tình nhất. Nói cách khác, Quyết định 102 là quyết định “vô sản hóa” về mặt tư tưởng lẫn quyền lợi của đội ngũ nhóm đảng viên.
Nếu số lượng khai trừ nhiều lên thì đó là một dấu hiệu thúc đẩy tích cực của xã hội, nó cũng tương đương với việc, ngày càng có nhiều người lên tiếng và bị kết án vì Điều 258, Điều 88, Điều 79 vậy.
Tính hai mặt của một vấn đề liên quan đến Quyết định đã biến toàn bộ nhóm hệ thống chính trị – xã hội Việt Nam trở thành một guồng máy mà nơi đó sự lựa chọn đau đớn nhất sẽ tạo ra những con người can trường nhất cho một xã hội dân chủ trong tương lai.
Hãy nhớ lại, những người cộng sản đời đầu, những người với sự chu cấp ít ỏi về tài chính lẫn sự ủng hộ của dân chúng đã phải trải qua nhiều đợt bị thanh tẩy, những khó khăn vì bị lùng bắt và tước bỏ quyền tự do bởi chính quyền thực dân lúc đó. Từ phong trào rải truyền đơn đến vô sản hóa, từ bãi khóa hòa bình đến những đội Cứu quốc quân trên cánh rừng Tây Bắc – người chết, kẻ bị cầm tù,… và giờ đây – cái tổ chức mà họ đã theo đuổi, thúc đẩy, góp sức năm đó đã trở thành Đảng cầm quyền tuyệt đối trong xã hội Việt Nam.
Đó là vì họ đã xác định một mất một còn với lý tưởng, đó là họ bị lột hết quyền lợi và không còn gì để mất. Họ không thỏa hiệp vì đã không còn gì để thỏa hiệp, họ lao vào sống chết vì biết con đường đó là mình chọn, và nó đã chọn mình.
Tính kiên trung của người cộng sản làm nên sự nắm quyền của ĐCSVN. Và giờ đây, giới dân chủ cần những con người kiên trung, hiểu về bản chất ĐCSVN ấy. Như cách mà Trung tướng Trần Độ, cán bộ cấp cao, lão thành cách mạng từng bày tỏ: Nó chỉ thích nghe những điều xuôi chiều và xu nịnh, Nó không thể chịu được những cái độc đáo và không dung tha sự độc lập.
Quyết định 102 như đã nói trên, vô tình đưa ĐCSVN vào một sự phân hóa trong tương lai, nơi mà lương tri con người liên tục được nhắc đến, và những người ở lại sẽ còn là “những tên mọt sách hay những kẻ khoác lác về chủ nghĩa cộng sản”, và tất nhiên, là những kẻ vun vén quyền lực – đục khoét quyền lực.
ĐCSVN sẽ tự thân bị vận động xoay quanh Quyết định 102, biến ĐCSVN trở thành một trại “nô dịch của một nhóm tinh hoa trí thức khao khát quyền lực bằng cái lạt trói quan liêu”, biến cả ĐCSVN trở nên Đông cứng, một cái máy do “Uỷ ban Trung ương điều khiển” – và guồng máy đó khi bị đục khoét, quyền lực đấu đá, nội bộ lên cao, cũng là lúc nó tự tan rã.
Một nhóm người Cộng sản còn lương tri con người, nhận thức thực tế xã hội, đủ trình độ chính trị sẽ là nhóm người hỗ trợ, thúc đẩy phong trào dân chủ; bổ khuyết những điều yếu kém của phong trào,… Và đó là khi cả phong trào ý thức về trách nhiệm chính trị và tự tin vào chính mình.
Sẽ có nhiều Trần Độ ra đời, và nhiều những người như Trần Anh Kim đòi hỏi sự tự do vốn có.
Và đó, là thế hệ những người đấu tranh mang bí danh “102-QĐ/TW”.
Leave a Comment