Quảng Cáo

Chống lại sự can thiệp chính trị nội bộ của Trung Quốc

Quảng Cáo

Nguồn: Anne-Marie Brady, “Resisting China’s magic weapon”, Lowy Institute, 27/09/2017 – Biên dịch: Dương Trường Phúc |Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong bộ phim kinh điển thời Chiến tranh Lạnh Invasion of the Body Snatchers, người ngoài hành tinh lặng lẽ xâm lăng trái đất bằng cách nhân bản thân thể của mỗi người mà họ gặp phải. Kết quả là “những bản sao” (pod people) hình thành đặc điểm thân thể, trí nhớ và tính cách của những con người mà họ thay thế. Vào thời đó, bộ phim được ngầm hiểu như câu chuyện ngụ ngôn cho các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị. Điều này phản ánh nỗi lo sợ hiện hữu lúc ấy về tính dễ bị tổn thương của các xã hội dân chủ, cởi mở trước các ảnh hưởng nước ngoài vốn làm suy yếu chủ quyền và nền chính trị của họ.

Các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của truyền thông ở cả Australia và bây giờ là New Zealand, nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ có ở hai quốc gia này. Những nỗ lực của Trung Quốc để có được ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài đang lan rộng và phổ biến. Đây là một phần của chiến lược toàn cầu vốn được phụ trách bởi một cơ quan nhà nước theo một cách tiếp cận lâu dài được điều chỉnh cho phù hợp với các chính sách hiện hành của chính phủ. Các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài là nhiệm vụ cốt lõi của Mặt trận Thống nhất Trung Quốc (统一战线 工作 – Thống nhất chiến tuyến công tác), một trong những “vũ khí ma thuật” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thứ đã giúp đảng này giành được quyền lực.

Dưới thời Tổng bí thư Tập Cận Bình, các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài đã được thúc đẩy mạnh. Các lãnh đạo của Mặt trận Thống nhất và đại diện của họ tuân theo chính sách dài hạn trong việc phát triển các mối quan hệ với người nước ngoài và cả những nhân vật người Trung Quốc ở hải ngoại (những người càng nổi bật càng tốt) để gây ảnh hưởng, lật đổ, và nếu cần thiết, bỏ qua các chính sách của chính quyền địa phương và thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ.

Tập cũng muốn kiểm soát hơn nữa môi trường thông tin ở Trung Quốc. Để đạt được sự kiểm soát này trong một môi trường thông tin toàn cầu nhiều lỗ hỏng, ông cần phải kiểm soát các cuộc tranh luận về Trung Quốc ở hải ngoại. Trung Quốc chính thức chấp nhận lý thuyết quyền lực mềm của Joseph Nye, sử dụng nó vừa như một cách biện hộ vừa là một mỹ từ cho việc chính phủ Trung Quốc mở rộng và sửa đổi sách lược quản lý người Trung Quốc ở hải ngoại và người nước ngoài cũng như các chiến dịch tuyên truyền. Thông qua các cơ quan của đảng và các tổ chức của chúng, Trung Quốc đã chấp nhận một cách tiếp cận rộng hơn để tăng cường sức mạnh mềm của mình.

Những nỗ lực miệt mài của Mặt trận Thống nhất Trung Quốc trong những năm gần đây đã mang lại lợi ích: ĐCSTQ ngày càng có thể sử dụng vũ khí ma thuật dựa trên sức mạnh mềm của mình để gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của các chính phủ và các xã hội nước ngoài. Australia và New Zealand, cũng giống như nhiều quốc gia khác, đã trở nên ngập tràn các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của ĐCSTQ.

Tất cả các nhà nước đều chống lại sự can thiệp chính trị của những quốc gia khác vào công việc của họ. ĐCSTQ thường xuyên chỉ trích Hoa Kỳ và các quốc gia khác can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Quốc, và khuyến khích việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau như là một nguyên tắc quan trọng của chính sách đối ngoại của nước này (不干 涉 内政).

Đối với các quốc gia như New Zealand và Australia, đây có thể là một thách thức đối với việc chống lại sự can thiệp chính trị của nước ngoài. Trừ khi những sự can thiệp này dẫn đến việc phản bội tổ quốc, hối lộ, hoặc một số hình thức tham nhũng khác, thì hầu hết các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị không phải là bất hợp pháp. Thay vào đó, đây là những vấn đề về tuân thủ các chuẩn mực và an ninh quốc gia, những thứ được nhìn nhận một cách chủ quan nhiều hơn. Nhưng các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài (của bất kỳ nhà nước nào) chỉ có thể phát triển nếu như ý kiến ​​công chúng tại nước chịu ảnh hưởng chấp thuận chúng.

Bộ phim Invasions of the Body Snatchers năm 1956 có hai kết cục, một bi quan, một lạc quan. Hầu hết các phiên bản tiếp theo của bộ phim đều có kết thúc bi quan – tất cả nhân loại đều trở thành những bản sao. Còn trong cuốn tiểu thuyết, những người ngoài hành tinh tự nguyện ra đi do sự phản kháng từ nhân loại.

Trong cuộc sống thực, kết cục tùy thuộc vào chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các vũ khí kỳ diệu của nền dân chủ để bảo vệ nhà nước chống lại các hoạt động ảnh hưởng của nước ngoài? Chúng ta có nhiều lựa chọn theo ý muốn của chúng ta. Chúng ta có quyền lựa chọn chính phủ của mình; kiểm soát và cân bằng quyền lực thông qua tòa án; các cơ quan quản lý điều hành các phương tiện truyền thông và các khía cạnh khác của xã hội; vai trò được pháp luật hậu thuẫn của giới học giả trong việc phản biện và nói lên của tiếng nói của lương tri; tự do ngôn luận và lập hội; và các phương tiện truyền thông trong vai trò quyền lực thứ tư của chúng ta.

Là những thuộc địa cũ của Vương quốc Anh và là các đối tác gần gũi với Mỹ, cả New Zealand và Australia đều hãnh diện nuôi dưỡng một chính sách đối ngoại độc lập. Một chính sách đối ngoại độc lập không cho phép chúng ta rơi vào vòng tay của một cường quốc thống trị khác. Bây giờ là lúc để chúng ta sử dụng thứ vũ khí kỳ diệu của nền dân chủ để bảo vệ xã hội của mình chống lại ảnh hưởng của nước ngoài và sự can thiệp vào chính trị nội bộ của chúng ta. Australia đang thắt chặt các luật lệ của mình xung quanh vấn đề này và đã tiến hành nhiều cuộc điều tra sâu rộng về phạm vi các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc. New Zealand và các quốc gia khác cũng nên làm như thế.

Anne-Marie Brady là Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học Canterbury, New Zealand. Cuốn sách mới nhất của bà là “China as a Polar Great Power” (NXB Đại học Cambridge, 2017).

***

Thượng Nghị sỹ Australia từ chức vì liên hệ với Trung Quốc – Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

(PLO) – Chính trị gia thuộc đảng Lao động Australia Sam Dastyari ngày 12/12 đã thông báo rời khỏi Quốc hội vì những mối liên hệ với Trung Quốc.

Sam Dastyari

Theo AFP, ông Dastyari thời gian qua đã vấp phải nhiều chỉ trích vì mối liên hệ với tỉ phú Trung Quốc Huang Xiangmo. Ông này được cho là đã nhận các khoản quyên góp từ ông Huang. Khi xuất hiện cùng vị tỉ phú tại một cuộc họp báo do truyền thông Trung Quốc tổ chức, ông Dastyari cũng đã đưa ra quan điểm trái ngược với quan điểm lâu nay của đảng Lao động trong vấn đề Biển Đông.

“Hôm nay, tôi quyết định rằng việc tốt nhất mà tôi có thể làm cho đảng Lao động là không tham gia Thượng viện năm 2018”, ông này nói.

Vụ bê bối của ông Dastyari bị phanh phui cùng thời điểm Canberra đang đề xuất luật cấm can thiệp chính trị từ nước ngoài tại nước này./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux