Quảng Cáo

Ông Thủ tướng mời ông Tổng bí thư dự họp Chính phủ để làm gì?

Quảng Cáo
Trần Thành (VNTB)
Ông Thủ tướng điều hành Chính phủ bằng thực quyền do Quốc hội trao cho, chứ không phải từ các lệnh đưa ra của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là quy định của Luật Tổ chức Chính phủ 2015.
***
Vì ông Nguyễn Phú Trọng là người kiệt xuất?
Báo chí đưa tin ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng được mời tham dự và “phát biểu chỉ đạo” với lý do: “Chính phủ rất mong muốn nhận được những chỉ đạo của Tổng Bí thư để tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong các cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đó là việc hết sức ý nghĩa”, người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.
Tuy nhiên nếu căn cứ theo Luật Tổ chức Chính phủ 2015, thì việc “mời chỉ đạo” này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hành vi vi phạm vào “Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ”, vì theo luật định, ông Thủ tướng không chịu bất kỳ sự chỉ đạo nào khác khi đang điều hành bộ máy quản trị quốc gia. Ông Thủ tướng chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên quan như đã nêu tại Luật Tổ chức Chính phủ 2015.
Như vậy, câu hỏi đặt ra: ông Tổng bí thư ĐCSVN căn cứ vào đâu để “phát biểu chỉ đạo” Chính phủ? Nếu Chính phủ răm rắp làm theo những “chỉ đạo” này, đưa đến hệ lụy nền kinh tế tiếp tục tuột dốc, dân tình tiếp tục mất lòng tin vào chế độ, thì Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phải sẽ quy trách nhiệm “đổ thừa” là do làm “theo lệnh” Tổng bí thư?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quyết định số 90-QĐ/TW ngày 04 tháng 8 năm 2017, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo đó, riêng vị trí Tổng bí thư buộc phải có những tiêu chuẩn cụ thể sau đây (trích điều 2.3 của Quyết định 90-QĐ/TW): “Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định)”.
Như vậy, mặc dù để có được những tiêu chuẩn trên thì đã trở thành người kiệt xuất, một “đấng minh quân”, song nhiệm vụ của Tổng bí thư lại được quy định chỉ là làm tốt việc “điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Ông Tổng bí thư không có bất kỳ quyền hạn nào được pháp luật của Nhà nước Việt Nam, cũng như ở ngay chính Quyết định số 90-QĐ/TW ngày 04 tháng 8 năm 2017 mà ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, trao cho Tổng bí thư ĐCSVN cái quyền công khai “chỉ đạo Chính phủ”.
Có ai dám “kết tội” đảng viên Nguyễn Phú Trọng?
Từ những căn cứ pháp luật nói trên, việc ông Tổng bí thư sẽ đăng đàn “phát biểu chỉ đạo” tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 12 này, cho thấy đảng viên Nguyễn Phú Trọng có dấu hiệu vi phạm Quyết định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, do ông Trần Quốc Vượng – quyền Thường trực Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN ký ban hành ngày 15-11-2017.
Theo đó, tại Điều 30.1.a quy định đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Làm những việc tuy pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, cơ quan, đơn vị, của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật nội bộ cơ quan.
Cụ thể, nếu khi đảng viên Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng bí thư “phát biểu chỉ đạo Chính phủ” tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, mặc dù không có điều luật cấm, nhưng đây là hành vi không gương mẫu của một đảng viên khi đã tự cho mình cái quyền đứng trên Thủ tướng trong bộ máy Chính phủ đương nhiệm.
Tuy nhiên ngay khi điều đó xảy ra thì pháp luật của nhà nước Việt Nam hiện tại, lẫn các điều luật của ĐCSVN vẫn không thể cáo buộc ông Tổng bí thư bất kỳ điều gì.
Lý do: Hiến pháp năm 2013, Điều 2 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Vì vậy, pháp quyền trong định nghĩa của nhà nước Việt Nam không chỉ đơn giản là “pháp quyền” – rule of law, mà nó là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” – socialist rule of law.
Năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu rằng, Hiến pháp là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” [https://goo.gl/ji3oFY]
Vai trò của các thẩm phán trong hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa nằm trong sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Và vì thế, tòa án không hề độc lập. Trước pháp luật, người dân và chính quyền vốn không phải là hai thực thể bình đẳng. Các thẩm phán vẫn đưa ra những phán quyết có lợi cho chính quyền, chứ không áp dụng luật pháp một cách công bình.
Và như vậy, coi như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cứ việc đường hoàng “phát biểu chỉ đạo” ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà không ngại chi búa rìu chuyện Việt Nam là quốc gia của độc tài toàn trị./.
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux