Cách đây không lâu, chính ông Chánh án toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình còn nhận định rằng, nếu không đủ chứng cứ thì phải tuyên vô tội khi ông đứng trước nghị trường quốc hội.
Tuy nhiên, khi hỏi về vụ án đối với tử tù Hồ Duy Hải, ông đã nói: Vụ án đã hết thủ tục theo luật định. Và mặc dù có một số sai sót nhưng không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án.
Đây là tư duy nguy hiểm và gây ra những hệ luỵ pháp lý khôn lường trong một nền tư pháp.
Một chu trình tố tụng được vận hành trước hết ở việc xuất hiện sự việc có dấu hiệu phạm tội (luật nội dung, tức được điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự). Từ đây, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện một loạt cách hành vi tố tụng dựa trên Bộ luật Tố tụng hình sự (tức luật thủ tục, trước đây gọi là luật hình thức) để truy tìm sự thật và giải quyết sự việc một cách toàn diện. Và việc chứng minh tội phạm phải tuân thủ cả hai điều kiện đồng thời cùng lúc: đảm bảo việc truy trách nhiệm đúng chủ thể và tội danh (mặt nội dung) và đảm bảo đúng chu trình kết tội theo luật định (luật tố tụng).
Trong việc tuân thủ luật tố tụng thì đặc biệt quan trọng đên việc xác lập chứng cứ, nó phải đảm bảo 3 điều kiện cùng lúc: tính khách quan (có thật), tính liên quan (tính chứng minh) và tính hợp pháp (tính pháp lý). Nếu chỉ cần vi phạm một trong ba đặc tính trên của chứng cứ thì những gì thu thập được sẽ trở nên vô giá trị và không được sử dụng trong vụ án làm chứng cứ.
Và dựa trên nguyên tắc Hiến định và luật định: không ai bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực của toà án thông qua chứng minh bằng các chứng cứ hợp pháp. Và mọi quy trình tố tụng phải tuân thủ các điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu không thì mọi công việc tiến hành tố tụng sẽ đều là những hành động “bất hợp pháp”.
Vậy nếu một vụ án mà ở đó có vi phạm các quy định về tố tụng, đặc biệt liên quan đến việc xác minh, thu thập và thiết lập chứng cứ thì đương nhiên và là tất yếu, việc chứng minh tội phạm không có giá trị (tức vô giá trị).
Cho nên, nếu vị chánh án toà án tối cao, người đứng đầu ngành tư pháp và là người đứng đầu một thiết chế quan trọng nhất trong tố tụng lại có tư dy cho rằng mặc dù có một số vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến vụ án là một tư duy sai lầm nghiêm trọng của một người với vai trò thực thi luật pháp. Đó chính là tư duy dung túng và làm nảy nở thái độ xem thường luật pháp và công lý. Vì lẽ, luật pháp không dựa trên sự đúng đắn toàn thể mà được kết thúc bằng sự hợp pháp của một phần hai quá trình kết tội, nghĩa là xem nhẹ luật tố tụng, mà thực chất luật tố tụng chính là luật quan trọng nhất để đảm bảo sự vận hành tính chính xác và thượng tôn luật pháp của một đất nước.
Bởi thế, tất cả những lập luận kiểu như: mặc dù có một số vi phạm tố tụng (nhất là trong thu thập chứng cứ) nhưng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là những lập luận vừa là nguỵ biện vừa là hành vi coi thường pháp luật một cách ngang nhiên.
Xin nói thêm rằng, ở một xã hội mà người ta không xem trọng vị thế của luật sư trong nền tư pháp, mà hầu hết người dân vốn đã không hiểu biết gì về luật pháp nhưng khi nhắc đến luật sư nhiều khi lại là với thái độ khinh thị, giễu cợt, chế nhạo họ, thì đó là một xã hội ở một tình trạng nguyên thuỷ, mông muội và sơ cấp. Ở đó luật pháp không được thi hành chuẩn tắc cũng như công lý dường như chỉ là một món hàng quý hiếm.
Leave a Comment