Quảng Cáo

Cuộc chiến mới: Từ đánh tham nhũng đến khai trừ đảng

Trần Quốc Vượng (trái) và Phạm Minh Chính.

Quảng Cáo

Phạm Nhật Bình |

Ngày 6 Tháng 12 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng đã ký ban hành Quy định số 102-QĐ về việc “xử lý” kỷ luật đảng viên vi phạm. Với Quy định này từ nay đảng tròng thêm nhiều vòng kim cô lên đầu đảng viên các cấp. Họ có thể bị trừng phạt bằng những hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và nặng nhất là “khai trừ đảng” với biết bao thứ tội được đảng kê ra mà họ chưa bao giờ ngờ tới.

Theo Quy định 102, tập trung hầu hết trong lãnh vực tư tưởng “nói và viết”, hoặc tán thành bất cứ điều gì đi ngược lại chủ trương, đường lối đảng đều là tội nặng sẽ bị khai trừ. Có thể đơn cử như tội đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng” hoặc phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh…

Trong 5 chương 37 điều trên giấy trắng mực đen đảng cũng không quên cấm đảng viên cái gọi là “hạ thấp uy tín đảng, bôi nhọ lãnh đạo” mà lâu nay thường chỉ quy cho thế lực thù địch.

Đúng là ông Trọng và đệ tử Trần Quốc Vượng đang rơi vào vòng lẩn quẩn đầy bế tắc trong việc chống tham nhũng sao cho mọi người “tâm phục khẩu phục”, theo kiểu phim Tàu nhiều tập. Vì vậy nên họ bày ra trò mới là khai trừ những đảng viên ủng hộ hoạt động xã hội dân sự hoặc tán thành thể chế tam quyền phân lập, chống diễn biến nội bộ hay nói khác đi là chống tan rã nội bộ.

Không phải bây giờ mà đã từ rất lâu, xã hội dân sự tự nó là nhu cầu kết hợp giữa những người cùng nghề nghiệp trong ước muốn một xã hội công bằng, trên nền tảng công lý áp dụng đồng đều. Nó cũng hình thành từ ý tưởng một xã hội công dân mà mọi người cùng tồn tại với những thành phần khác trong xã hội.

Sự tồn tại này không lệ thuộc lẫn nhau hay bị chỉ đạo từ ai đó hoặc từ cơ quan nào. Bản chất căn bản của xã hội dân sự cũng không hề là một tổ chức chính trị mà chỉ là gạch nối giữa người dân và chính quyền. Đây là lý tưởng sống của hầu hết người Việt Nam trước những cái bánh vẽ công lý, bình đẳng của xã hội chủ nghĩa mà đến hết thế kỷ này chưa biết đã có hay chưa. Chính vì vậy mà những người cộng sản đã có một nhìn nhận sai lầm là xã hội dân sự có thể dẫn dắt người dân làm hại đến quyền thống trị của mình nên chủ trương triệt hạ hình thức sinh hoạt này trong dân.


Cùng chủ đề:
– Xung khắc nội bộ về ‘thể chế xã hội dân sự’


Với những vụ án đầu voi đuôi chuột, ông Trọng dựng lò đốt củi nhằm thiêu đốt tham nhũng đã không thành, lò của ông ngày càng thiếu củi trở nên nguội lạnh trước sự dè bỉu ngay chính trong đảng. Lần này việc ông kết tội và lôi những đảng viên yêu xã hội dân sự ra khỏi đảng cũng là công việc không kém phần gian nan và chắc chắn rồi sẽ thất bại khi chạm phải lực phản ứng ngược chiều.

Vì thế, khi ông Trọng và ông Vượng dùng xã hội dân sự mà cụ thể là quy kết cho những đảng viên dám tán thành đa nguyên, đa đảng để làm lý cớ đuổi họ ra khỏi đảng cho thấy là lãnh đạo CSVN đang đi vào con đường cùng. Đó là phương cách thô bạo nhất để bịt miệng đảng viên sau những đợt học tập chống diễn biến hòa bình, chống tự diễn biến, chống phi chính trị hóa quân đội liên tục bất thành. Họ cũng thật sự tuyên chiến với xu thế thời đại hiện nay, đó là sự mở ra cho xã hội Việt Nam đang ngột ngạt một chân trời mới của sự hợp tác, quây quần và thay đổi.

Trang đầu của Quy định 102.

Nếu đọc hết những liệt kê các biện pháp kỷ luật áp dụng đối với các vi phạm trong Quy định 102, người ta dễ dàng kết luận đây là thời kỳ mà lãnh đạo đảng CSVN đi vào cuối con đường của sự tự hủy hoại. Từ việc loan truyền những bài viết có quan điểm khác với đường lối đảng, phê phán sự sai lầm của chủ thuyết Mác-Lê, đòi tam quyền phân lập đều đưa đến biện pháp là cảnh cáo, nặng nhất là khai trừ đảng.

Những hình thức kỷ luật ấy rõ ràng đã trắng trợn xúc phạm đến trí thông minh và hiểu biết của con người. Đồng thời Quy định 102 cũng đưa ra những lời đe dọa nặng nề đối với mọi thành phần đảng viên, buộc họ trung thành vô điều kiện với đảng nếu không muốn mất tất cả. Nó đưa ra một bộ mặt thật của đảng cộng sản trong thời kỳ suy yếu nhất của nó khi phải xử dụng những biện pháp phản động đối với đảng viên, bỏ qua “dân chủ nội bộ” mà đảng hằng rao giảng.

Ở một khía cạnh khác, Quy định 102 còn là thứ vũ khí sắc bén dùng để đưa ra khỏi đảng phe nhóm của ông Dũng còn sót lại trong chính quyền. Sau đó ông Trọng sẽ dễ dàng cùng Ủy ban Kiểm tra Trung ương triệt hạ họ bằng ngón đòn chống tham nhũng sở trường. Nhưng tham vọng của ông Trọng trước mắt làm cho tất cả đảng viên thấy mình lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân trong mẻ lưới ông Trọng quăng ra. Do đó nó tạo một làn sóng bất mãn từ ngấm ngầm đến công khai, đến lúc nào đó đưa đến những phản ứng không lường trước được như công khai bỏ đảng hàng loạt.

Rốt cuộc, cuộc chiến chống xã hội dân sự đi ngược lại trào lưu tiến hóa xã hội của ông Trọng rồi cũng sẽ thất bại như cuộc chiến chống tham nhũng. Khi treo một lưỡi gươm bén lên đầu đảng viên, ông Trọng đồng thời cũng treo nó trên sự tồn tại của đảng và của chính bản thân ông.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux