Cựu Bí thư thành ủy Sài Gòn ông Đinh La Thăng bị bắt với cáo buộc tội liên quan đến vụ án kinh tế dù đã qua mấy ngày nhưng dư luận Việt Nam vẫn còn tranh luận sôi nổi. Một trong những đề tài được tranh luận khá nhiều là liệu sau ông Thăng thì còn nhân vật tầm cỡ nào khác trong chính trường Việt Nam sẽ nối gót ông Thăng vào nhà giam,…
***
Có thể là Nguyễn Văn Bình hoặc Vũ Huy Hoàng…?
Giới quan tâm chính sự Việt Nam lâu nay có những tranh luận, mổ xẻ để đi đến kết luận rằng; chính trường Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai phe quyền lực đấu đá nhau. Một là phe của Tổng bí thư Đảng ông Nguyễn Phú Trọng và phe còn lại là của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tùy từng thời điểm mà phe của ông Dũng hay phe của ông Trọng thịnh suy khác nhau.
Dễ thấy nhất là vào thời điểm Đại hội Đảng XII (tháng 01/2016) trở về trước, nhạy bén trước tình hình biến động ở xã hội Việt Nam và cẳng thẳng giữa Việt – Trung trên vùng Biển Đông nên ông Dũng đã có những phát ngôn rất mạnh mẽ, thu phục được lòng dân. Cũng tại thời điểm này, ông Trọng với tinh thần bảo vệ tình nghĩa anh em giữa hai Đảng, rồi những bê bối của “đồng chí Đảng” khiến uy tín suy giảm. Rõ ràng thế cờ hưng thịnh tại thời điểm này ngả về phe của ông Dũng rõ rệt, bản thân ông Dũng vào thời điểm Đại hội Đảng XII được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế Tổng Bí thư Đảng thay cho ông Trọng.
Giới quan tâm chính sự cũng từng kỳ vọng ông Dũng là sẽ một Gorbachev của Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh đất nước Việt Nam ngay sau khi nắm quyền tại Đại hội Đảng XII, sẽ bắt tay vào cải cách đưa đất nước theo Phương Tây, thực hiện đường lối dân chủ tiến bộ. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã không xảy ra vì ông Dũng đã trở thành Cựu Thủ tướng ngay tại Đại hội Đảng XII, kéo theo hàng loạt Bộ trưởng, Thứ trưởng cấp dưới về hưu làm người tử tế. Trong khi đó, ông Trọng tiếp tục giữ cương vị người lãnh đạo tối cao của Đảng, tức là chức danh Tổng Bí thư.
Giờ đây ông Thăng đã bị bắt với caó buộc dính dáng đến vụ án kinh tế nghiêm trọng ở Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN). Giới quan tâm chính sự cho việc bắt người như thế này là đúng “quy trình”, bởi trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt Trịnh Xuân Thanh, khai thác Thanh để bắt Thăng. Bắt Thăng xong thì lo gì không khai thác được thông tin để bắt tiếp những đồng phạm khác.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa chia sẻ với Việt Nam Thời Báo rằng, mọi sự vẫn nằm ở dự đoán chứ chưa có cơ sở nào cũng như chưa nguồn nào để chứng minh. Bản thân nhà báo Tạo có quan điểm:
“Nhắc lại một chút, trên mạng hay nói về phe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phe cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo tôi hiện nay không còn cái phe đó. Trước khi ông Dũng trở thành cựu Thủ tướng ở Đại hội Đảng XII, tôi nhận định có phe phái thật nhưng mà khi ông Dũng về hưu thì không còn phe này nữa. Bởi những người tạm cho là thân tín với ông Dũng thấy tình hình ở ông Dũng nên tôi tin rằng họ cũng nhạy bén khi gió trở chiều là họ trở cờ ngay… một số người không đáng kể khác họ biết thân biết phận nên cố gắng giữ cái ghế của họ cho yên ổn, họ không dám đối đầu với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đâu.”
Vậy thì sau Đinh La Thăng sẽ còn nhân vật có chức vụ tầm cỡ nào nối gót vào nhà giam với tư cách đồng phạm? Nhà báo Tạo dựa theo dự đoán của dư luận:
“Giới thạo tin tức dự đoán sẽ là Cựu Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, hoặc là ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương hoặc cao hơn nữa là Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,…”
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Thăng bị khởi tố vì có những sai phạm trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch PVN giai đoạn 2009-2011. Một trong số đó là việc ông Thăng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank). Và tiếp nữa là vụ án liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong giai đoạn từ 2012-2015, PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho ban quản lý dự án để tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 52 tỉ đồng và 66.000 USD.
Những sai phạm của ông Đinh La Thăng tại PVN diễn ra dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiệm nhưng cho đến lúc những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui thì dư luận Việt Nam vẫn chưa thấy một tờ báo nào đá động đến. Phải chăng ông Thăng đang có một bàn tay đầy quyền lực nào đó che chở? Với cương vị ông Thăng, số người đủ khả năng che chở đếm ra chắc không quá đầu ngón tay, trong số đó tính luôn thành phần “tứ trụ” triều đình, và cũng trong số đó ai sẽ là người tiếp theo nối gót ông Thăng?./.
Leave a Comment