Anh Văn (VNTB)
Việc kỷ luật đảng viên để ép tư duy và ý chí của chủ thể này vào trong khuôn khổ lạc hậu không chỉ ảnh hưởng cho chính chủ thể đó, mà thực tế nó khiến cho hệ thống xã hội – chính trị – kinh tế…
***
Ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Theo đó, nếu đảng viên vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng tuỳ mức độ. Kỷ luật bằng hình thức khai trừ áp dụng với những vi phạm phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.
Như vậy, bằng cách ban hành quy định này, toàn bộ cái gọi là pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn liền việc kiểm soát quyền lực nhà nước từ khía cạnh thể chế hóa tam quyền phân lập, xã hội dân sự đã chấm dứt.
Bởi quy định đã cho thấy, đặc tính “chịu sự giám sát của Nhân dân” của ĐCSVN tại Khoản 2, Điều 4 đã bị vứt bỏ; Nhà nước phải chịu “chịu sự giám sát của Nhân dân” theo Khoản 2, Điều 8 cũng vứt bỏ; chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn cũng vứt nốt.
Khoản 3, Điều 2 – Điều mà các nhà làm luật tự hào diễn giải rằng, nó đã cho thấy một hướng tiếp cận tính pháp quyền (trong đó nhấn mạnh tam quyền phân lập nhằm giám sát quyền lực nhà nước) thông qua cụm từ “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” cũng bị vứt xó.
Hậu quả xảy ra?
Việc kỷ luật đảng viên để ép tư duy và ý chí của chủ thể này vào trong khuôn khổ lạc hậu không chỉ ảnh hưởng cho chính chủ thể đó, mà thực tế nó khiến cho hệ thống xã hội – chính trị – kinh tế quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Xuất phát từ việc, những đảng viên lại là đội ngũ nằm trong các cơ quan nhà nước – nơi đề ra các chủ trương, chính sách phát triển về các mặt.
Do vậy, về mặt chính trị tưởng chừng như quy định nhằm chống diễn biến, thoái hóa trong động ngũ Đảng viên, nhằm tạo tính tập trung thống nhất (tập trung dân chủ), nhưng Quyết định nêu trên đã đưa toàn bộ định hướng luật pháp quốc gia đi ngược chiều thời đại. Quy định làm suy yếu nghiêm trọng khả năng “tự kiểm soát” của quyền lực hệ thống, cũng như tiếp tục làm gắn chặt khả năng phân công nhiệm vụ giữa nhà nước và đảng về mặt quản trị quốc gia.
Kỷ luật đảng viên vì đòi thực hiện thể chế “xã hội dân sự”, Đảng tìm cách tự cô lập mình trong quyền lực mang tính độc tôn, khiến cho hệ thống chính trị bó hẹp tính dân chủ, pháp quyền lại. Bởi nguyên tắc cốt lõi của pháp quyền hay tính dân chủ trong đời sống nhà nước thì cần phải đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng lẫn thực hành quyền dân chủ của người dân, và thể chế xã hội dân sự cho phép người dân làm điều đó bên cạnh các tổ chức chính trị – xã hội mà Đảng lập ra.
Tính “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân” bị hủy hoại sau nhiều năm chuyện khó PR trên các phương tiện truyền thông truyền thống, bởi trước khi là một Đảng viên, thì anh phải có tư cách công dân để thực hiện quyền “giám sát” và “lắng nghe”.
Nhà nước sẽ “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” của Gs, TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam vào đầu năm 2017 sẽ như thế nào đây khi “pháp quyền, xã hội dân sự, phản bác” bị loại bỏ?
Quy định nêu trên xung đột nghiêm trọng với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ những nội dung sau: một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân.
Quy định trên cũng cổ vũ cho sự lộng hoành của quyền lực không được kiểm soát – vậy thì phục vụ nhân dân như thế nào? Gắn bó mật thiết với nhân dân ra sao? Quyền dân chủ của nhân dân sẽ được các vị “quan chức” tôn trọng như thế nào? Ý kiến của nhân dân sẽ được “các vị quyền lực nhà nước” lắng nghe ra sao?
Trong khi đó, loại bỏ tính giám sát, xã hội dân sự thì xã hội sẽ nảy sinh tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân sẽ ngày càng công khai và diễn biến với quy mô ngày một lớn hơn.
Cuối cùng, loại bỏ thiết chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập, ĐCSVN – lực lượng lãnh đạo Nhà nước sẽ trả lời như thế nào đối với các yêu cầu trong hiệp định thương mại với Âu Châu sắp tới đây? Nhất là khi nó sẽ được đưa ra thảo luận và đặt lên bàn hội nghị của Thượng viện Âu châu? Ngoài ra, Việt Nam sẽ làm thế nào để Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ với quy định nêu trên?
Rõ ràng, Quy định trên đã tiếp tục kéo lùi dân tộc thêm một bước dài, chỉ vì muốn đảm bảo sự ích kỷ, hẹp hòi về mặt “đảm bảo niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng”. Hay đúng hơn, sự kiện ông Trần Quốc Vượng ký ban hành quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nêu trên là hiện thực hóa quan điểm của ông TBT Nguyễn Phú Trọng liên quan đến: Hiến pháp quan trọng sau Cương lĩnh Đảng.
Xu hướng tập trung quyền lực tiếp tục diễn ra, đồng thời cũng khiến ĐCSVN tự cô lập mình, nhưng trên hết Đảng kéo cả dân tộc tự cô lập với xu hướng và trào lưu phát triển của xã hội, thời đại.
Cuộc CM 4.0 bắt đầu bị tròng kim cô mang tên “Quy định kỷ luật” nêu trên của Bộ Chính trị ĐCSVN./.
Leave a Comment