Ngô Đồng – Web Việt Tân
Theo báo điện tử Một Thế Giới thì Tổng cục Môi trường Việt Nam đang soạn thảo bản quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới (QCVN 51: 2017/BTNMT) về khí thải công nghiệp sản xuất thép, thay thế quy chuẩn của năm 2013. Theo dự thảo mới, cơ bản vẫn giữ nguyên các thông số kỹ thuật về khí thải công nghiệp trong sản xuất thép, chỉ thay đổi hàm lượng oxy tham chiếu từ 7% (QCVN 51;2013) lên 15% (QCVN 51:2017). Đồng thời dự thảo còn viết là đến ngày 1 tháng 1, 2020, tất cả các cơ sở sẽ áp dụng lại giá trị 7%.
Về nguyên tắc, hàm lượng oxy tham chiếu càng thấp thì mức độ ô nhiễm càng nhỏ, và ngược lại. Việc hạ chuẩn xả khí thải bằng cách nâng hàm lượng tham chiếu oxy từ 7% lên 15%, rõ ràng Bộ Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) làm lợi cho Formosa hơn là coi trọng việc bảo vệ môi trường.
Cơ sở của việc nghi ngờ này là vào ngày 16 tháng 8 vừa qua, Formosa Hà Tĩnh đã có công văn số 1708049, gửi Bộ TNMT báo cáo về việc lắp đặt bổ sung hệ thống khử lưu huỳnh, Nitơ, Dioxin tại xưởng thiêu kết. Theo đó, phải đến năm 2020 tập đoàn này mới hoàn thành hệ thống thứ nhất và hệ thống thứ hai vào năm 2021. Với mốc thời gian hoàn tất việc lắp đặt của công ty Formosa và thời gian áp dụng Quy Chuẩn Kỹ Thuật của Bộ Tài nguyên môi trường đã có sự toa rập?
Một chuyên gia trong ngành thép cho biết, với hệ thống xử lý khí thải hiện nay của Formosa không thể đáp ứng yêu cầu của QCVN 51 (2013), chiếu theo luật thì điều đó sẽ đồng nghĩa với việc Tập đoàn này phải đóng cửa cho đến năm 2020, khi mà việc lắp đặt hệ thống bảo vệ môi trường bổ sung chưa hoàn thành. Còn bắt Formosa áp dụng theo QCVN 51 (2013), thì chắc chắn Formosa vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Rõ ràng Tổng cục môi trường đang du di lỗi cốt tử nhất của Formosa là lỗi thứ 53 chưa hoàn thành. Theo đó, công nghệ Formosa cam kết ban đầu là dập cốc khô ít ô nhiễm môi trường. Sau thảm họa gây ra cho 4 tỉnh miền Trung, người ta phát hiện rằng công nghệ cam kết từ đầu đã bị phá bỏ. Formosa tự ý chuyển từ công nghệ cốc khô sang ướt, đúng ra phải bị xử lý vì vi phạm pháp luật, nhưng Bộ Tài nguyên môi trường lại cho phép Formosa từ từ chuyển lại từ ướt sang khô và phải mất ít nhất 3 năm nữa mới hoàn thiện.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên nhà cầm quyền Việt Nam dành ưu ái cá biệt cho Formosa. Trước đó, ngày 9 tháng 1 năm 2014, ông Bùi Cách Tuyến, nguyên thứ trưởng Bộ TNMT đã ký công văn số 68, đặc cách cho Formosa xả khí thải vượt quy chuẩn áp dụng hàm lượng ôxy tham chiếu ở mức 15% thay vì 7 % trong quy định. Tuy nhiên, hiện nay đứng trước áp lực sẽ bị các nhà sản xuất thép khác khởi kiện vì xé rào pháp luật, ưu ái Formosa, đồng thời nếu lộ ra sẽ vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận. Vì vậy, Bộ Tài nguyên môi trường chọn cách sửa luật để phù hợp với lợi ích của Formosa, tiếp tục tìm cách che đậy những mối nguy hại gây ô nhiễm môi trường.
Hành động xả thải của Formosa đã gây ra thảm họa môi trường biển tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam, hủy diệt sinh thái và môi trường biển, làm tê liệt các hoạt động kinh doanh, du lịch, đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân Bắc Trung bộ. Sau thảm họa này, người ta mới phát hiện ra Formosa đã nhập 45 loại hóa chất, với 296 tấn. Không ai biết Formosa đổ ra biển qua đường ống chôn ngầm được Bộ Tài nguyên môi trường cấp phép những chất thải gì? Nhưng rõ ràng, Bộ này đã trở thành đồng phạm tiếp tay giúp Formosa thực hiện, từ việc vội vã cấp phép, cung cấp những ưu đãi kịch khung chưa từng có trong tiền lệ, yếu kém trong công tác quản lý, cho đến những hành vi mị dân, vô trách nhiệm, bao che cho Formosa khi xảy ra thảm họa.
Sau những áp lực to lớn của người dân từ các cuộc biểu tình phản đối Formosa, Cộng sản Việt Nam đã mang một số nhân vật ra quy trách nhiệm với những hình thức cảnh cáo, cách chức… để rút kinh nghiệm.
Nhưng những gì mà CSVN đang làm chỉ là động thái mị dân, vì đàng sau những biện pháp kỷ luật, đặc biệt là đối với hai nhân vật chịu trách nhiệm vụ thảm họa Formosa là ông Võ Kim Cự lại được trở thành Phó Trưởng ban chỉ đạo Hợp tác xã. Còn ông Lương Duy Hanh, bị cách chức Cục trưởng, nhưng sau đó lại được bổ nhiệm làm Phó đoàn kiểm tra Formosa với tư cách là một chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tay ông Trọng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên môi trường đã dính chàm nên buộc họ phải bảo vệ Formosa, quay lưng trước những thống khổ của bà con ngư dân miền Trung. Không những thế nhà cầm quyền còn đàn áp, đánh đập những người dân khởi kiện Formosa, thậm chí còn truy nã hay kết những án tù nặng nề chỉ vì họ yêu cầu đuổi Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Kết tội những người lên tiếng phản đối công ty này, đảng cộng sản đã chọn chỗ đứng về phía Formosa, thủ phạm cũng như kẻ thù của nhân dân Việt Nam.
Leave a Comment