Câu trả lời cho…BOT…

- Quảng Cáo -

Gs. Hà Văn ThịnhFb. Văn Thịnh Hà|

Chuyện đóng – xả Trạm thu phí GTĐB (BOT) ở Cai Lậy trong mấy ngày qua đã làm nóng rực dư luận từ Nam ra Bắc, cho dù cả nước đã bắt đầu vào mùa Đông.
Sự bức xúc, phẫn nộ của người dân, trước hết là các tài xế, là câu chuyện tất nhiên của “lửa và khói”, nói theo cách diễn đạt của ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường vụ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì nhà nước đã sai và “…không thể bắt Dân gánh chịu cái sai của Nhà nước
Báo Tuổi Trẻ trong các số ra ngày 1, 2 và 3.12.2017 đã có một loạt bài viết phanh phui sự thật xung quanh BOT: Nào là đường tránh Cai Lậy trong dự án có 3 cái cầu, nay nay bị thay thành 3 cái…cống(!); nào là sai địa điểm không phải là chuyện “riêng” của Cai Lậy mà còn 8 cái BOT khác cũng sai chình ình tương tự…
Trong bài này không bàn về chuyện sai nữa (bởi nếu đúng thì đã không có phát ngôn chính thức của ĐBQH Trần Quang Chiểu) mà thử tìm xem cách tháo gỡ những bức xúc của người dân, dung hòa được lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm ổn định xã hội bằng các giải pháp GỐC chứ không phải là cò cưa phần ‘ngọn” như mấy lâu nay…

1. Vài con số…

Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có 48.824km đường quốc lộ. Các dự án BOT đã triển khai là 62, với tổng chiều dài mà BOT đã làm, nay tính để thu phí là 4.400km, tương đương với 9,01% tổng chiều dài quốc lộ(!) Rõ ràng, với một “đóng góp” nhỏ như thế nhưng tốn kém và phiền hà lại rất nhiều, tự nó đã phản ánh khá rõ về những bất cập.

- Quảng Cáo -

Theo một tính toán khá tỉ mỉ của Vnexpress, cập nhật cho đến tháng 8/2017 thì từ Bắc vào Nam có 38 trạm thu phí BOT với tổng số tiền phí mà một chiếc ô tô 4 chỗ phải trả là khoảng 1,3 triệu đồng.

Tất nhiên, với các loại xe vận tải hạng nặng như xe chở containner từ 20- 40 feet hoặc xe chở hàng từ 10-18 tấn hoặc từ 18 tấn trở lên thì số tiền phí phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Với các loại xe này, mức thu phí ở nhiều trạm dao động từ khoảng 120-200 ngàn đồng/lượt. Với 38 trạm thu phí, lấy mức phí trung bình khoảng 150.000 đồng/lượt đi thì mức phí mới là 5,7 triệu đồng và cả 2 chiều là khoảng 11,4 triệu đồng.(https://vnexpress.net/…/62-du-an-bot-dong-gop-cho-giao-thon…)

Còn theo con số của Tổng cục Đường bộ công bố hôm 11.9.2017, thì tổng số trạm thu phí BOT từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu là 29 trạm với tổng số phí cao nhất cho loại xe tải, container hạng nhất là 4,54 triệu đồng.

Một con số khác: Khảo sát của Đài truyền hình Việt Nam cho thấy, từ TP.HCM về miền Tây có tổng cộng 7 trạm thu phí. Các tài xế phải trả ít nhất 245.000 đồng để qua các trạm này. Một quãng đường không quá dài mà nhiều trạm thu phí và mức thu cao như vậy, làm sao doanh nghiệp có lãi?

Tại hội thảo về các dự án BOT giao thông tổ chức ở Hà Nội cuối tuần trước, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dẫn số liệu khảo sát của các tổ chức nghiên cứu kinh tế cho thấy, chi phí logistic (vận chuyển) ở Việt Nam hiện nay là trên 21%, thuộc loại cao nhất thế giới. Và chi phí này chủ yếu bị đẩy cao do phí BOT tăng liên tục trong mấy năm gần đây.

2. Những hệ lụy

Từ các thống kê trên, giả sử mỗi chiếc xe tải chở 10 tấn nông sản từ Nam ra Bắc để xuất qua Trung Quốc thì mỗi kg phải chịu, ít nhất, 5.700 đồng tiền BOT – với điều kiện xe tải có hàng chạy về. Ngược lại, nếu xe phải quay về không tải thì phí phải gánh là 11.400 đồng tiền BOT!

Đó là mức phí đắt không thể nào hình dung nổi và, tất nhiên, chẳng có người nông dân nào chịu nổi. Đây là một trong những ví dụ cụ thể nhất, trực tiếp nhất lý giải rõ ràng vì sao nông dân trồng ra nhiều trái cây, lương thực như thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo.
Không thể bàn về kinh tế nhưng lại như đang bay trong mây như một quan chức của Bộ Công thương khi cho rằng tăng giá điện thì tất cả mọi nhà đều hưởng lợi: Chi phí vận chuyển đắt thì mọi mặt hàng đều tăng giá. Đó là điều chắc chắn.

Ảnh: HỮU THUẬN

Sự bức xúc (nếu không muốn nói là phẫn nộ) của người tham gia giao thông về “ám ảnh BOT” là có thật trong mọi người dân chứ không hề chỉ có ở “một vài phần tử quá khích” như ai đó đã lạm dụng sự chỉ trích mơ hồ. Lý do có nhiều nhưng chung quy lại là 3 vấn đề cốt lõi: Đặt không đúng vị trí, mức phí quá cao và người dân không có quyền chọn một con đường khác nếu không đủ tiền mua phí BOT.

Thông tin cho biết, mức phí BOT cao nhất ở Mỹ là 1,2-1,5 USD, tức là chỉ khoảng từ 30 đến 40.000 đồng. Ở ta nhiều hơn gấp 3-4 lần, phản ứng là đương nhiên.
Việc đặt sai vị trí kéo theo rất nhiều hậu quả: Người Dân không tin vào mức phí áp đặt bởi ngay cả địa điểm đúng và sai còn mập mờ huống hồ gì là chi phí làm đường?
Điều trớ trêu nhất là cứ làm BOT trên đường độc đạo, bắt người nghèo cũng phải đi, cho dù anh ta chỉ chở vài chục nải chuối đi bán. Số tiền thu được từ bán chuối chưa đủ chi phí BOT.

3. Các giải pháp

Thứ nhất, với các BOT thì tương lai, kể từ nay Bộ GTVT phải tìm giải pháp “có lựa chọn” cho người tham gia giao thông: Chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới làm BOT trên đường độc đạo.

Thứ hai, tất cả các dự án BOT đều phải mời các đơn vị khảo sát độc lập để tính xem lưu lượng xe trung bình hiện tại trong một tháng là bao nhiêu, ước tính mức tăng qua từng năm để có con số chính xác nhất có thể, công khai các số liệu đó cùng với công khai chi phí cho mỗi km đường rồi tổ chức đấu thầu…; chắc chắn người dân sẽ hài lòng, tham nhũng sẽ giảm, xã hội sẽ lành mạnh, thu nhập của người lao động sẽ tăng…

Thứ ba, phải làm rõ lý do tại sao vừa thu phí đường bộ lại vừa bắt người dân trả phí BOT mặc dù chỉ nâng cấp, sửa chữa đường cũ? Trường hợp Cai Lậy là điển hình: Con đường cũ đã có phí đường bộ chi trả, người Dân chỉ phải trả tiền cho con đường mới. Không thể nhập “hai khoản thu cho một khoản chi” bởi đó là cách tốt nhất mở đường cho tham nhũng, hành Dân.

Thứ tư, để ổn định lòng Dân, phục vụ thiết thực cho chiến lược minh bạch hóa chống tham nhũng, cần phải Tổng rà soát lại tất cả các BOT hiện có.
Nếu đặt sai chỗ, phải kiên quyết di dời, bất kể tốn kém.
Phải rà soát để kiểm tra cân đối lại mức thu chi, thời gian thu vì với mức giá cao và thời gian dài như hiện nay, sẽ tạo ra không ít kẽ hở cho các nhóm lợi ích chia chác…

Thứ năm, 9 Trạm thu phí BOT (kể cả Cai Lậy) nhất thiết phải di dời, thậm chí, nếu vướng mắc các điều kiện hợp đồng, Nhà nước phải đứng ra mua lại. Lý do thiếu tiền chỉ là bao biện: Nếu cần, kêu gọi người Dân đóng góp 1 lần, mỗi đầu xe vài trăm ngàn, một lần, để yên ổn bền lâu, là điều ai cũng đồng tình…

Thứ sáu, tất cả các sai phạm xung quanh BOT từ trước đến nay, nhất thiết phải có những người chịu trách nhiệm. Nếu cho qua là tạo tiền lệ cho BOT sai tiếp, hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế, không thể có chuyện sai cứ sai, vô can cứ mãi hoài vô can…

Chuyện BOT không hề là chuyện của con thỏ và ngọn cỏ. Cổ nhân dạy “Khói nhiều, nóng lắm”. Không phải ngẫu nhiên mà từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng nhìn nhận BOT thiếu thân thiện. Nhà nước có thể dùng chế tài mạnh để tái lập trật tự ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đó là đoản pháp. Một khi lòng Dân chưa yên, tâm tư chưa phục thì tháo gỡ từ ngọn luôn tạo thêm những bất ổn mới.

BOT không chỉ là trạm thu phí mà còn là “bộ mặt” dễ thấy nhất của một cách thức quản lý đúng của sự vận hành cả bộ máy. BOT đang hủy hoại mục tiêu xây dựng nhà nước “của dân, do dân, vì dân” của Đảng ta!

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

  1. Truoc mat Nha nuoc nhu Tong bi thu va Thu tuong Chinh phu can giai quyet mot cach minh bach khong tuyen bo mo ho ma yeu cau Tram nay duoc doi ve Dung vi tri cong trinh Duong tranh va phai co su van minh trong van de thu phi khong gay ach tac va can tro giao thong nhu dung he thong dien toan de thu phi tranh su gian lan va tron thue va khong gay un tac giao thong lam mat thoi gian cua nguoi Dan di lai

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here