Quảng Cáo

Chỗ xả của bức bách xã hội và vai trò của nhà báo độc lập

Quảng Cáo
Kiều Phong (VNTB) – Người trong khối công an, quân đội hay nhà nước không phải là không biết tiêu cực. Hơn ai hết, họ hiểu bầu không khí bức bối, nhận ra cái sai không chữa được, nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Nhiều người dân cũng có trí thức, học hành đàng hoàng, nhưng gặp phải chuyện tiêu cực, họ lại nghĩ mình không phải là nhà báo nên không có nghĩa vụ (hoặc không có động lực) để nói ra. Với cách suy nghĩ như vậy, cả trí thức, nhân viên nhà nước đã bỏ lỡ để góp tiếng nói thay đổi xã hội.

***
Có một anh nhân viên nhà nước coi ga tàu ở Đà Nẵng, cũng biết tự trọng, cũng thấy phần nào nhục khi biết cả phân ngành (xin không nói là phân ngành nào) đang bị toàn dân lời ra tiếng vào. Anh cũng nhận thấy sự bất ổn, ở chỗ bạn bè thân quen, anh cũng bảo là xã hội hư hỏng gì đó, nhưng anh nghĩ là không thay đổi được đâu, tại ban đầu đã không đồng bộ. Từ một trường hợp này, có thể nhận thấy, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã rất “thành công” khi tiêm vào đầu óc con người não trạng muốn thỏa thuận với thực tại. Họ thử tạo ra vài bộ não bảo gì nghe nấy, không chịu đi tìm giải pháp một cách tự thân, sau khi đã thí nghiệm thành công, họ liền nhân bản ra thành hàng triệu, hàng thế hệ. Do đó, không có ngành nào mà nhân viên nhà nước , một cách có tổ chức, viết bài tố cáo tiêu cực trong ngành mình. Nhiều khi không phải là họ không dám hay họ nhát gan, mà là họ đã được đào tạo để từ chối giải pháp.
Mỗi một tiếng nói tưởng chừng như không thay đổi được gì, thực chất lại gia tăng vào cái nồi áp suất yêu cầu tất cả phải thay đổi. Chỉ cần một dòng chữ tố cáo tiêu cực, được lặp đi lặp lại nhiều ngày trong xã hội, được nhiều người biết và bình luận, thì đã như một lời tố cáo tại tòa rồi. Do đó, mọi chính phủ độc tài nhưng bất tài đều tìm cách trấn áp những cây viết, dù họ chỉ cố gắng trình bày một sự thật. Những người nói rằng một ba bài báo không thay đổi được xã hội đâu, thì cũng có phần đúng, trong tương lai gần thì báo chí không làm được gì. Nhưng báo chí có thể giúp định hướng tương lai, hay gần gũi như vậy.
Tôi đã gặp những người có trí thức, những nhân viên nhà nước, những người có ăn học và trình độ. Đa số họ đều kể được một hai chuyện, những sự thối nát, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực mà mình đang công tác (kể cả công an hay bộ đội, nhiều anh ở chỗ riêng tư cũng chửi cơ cấu thối nát). Trong ngành của mình, mỗi người đều thấy tiêu cực, kể chuyện thì hay, nhưng lại không có khả năng, hoặc là lười, nên không viết ra thành bài, chứ không hẳn là do sợ hãi. Những lúc ấy, cần có những phóng viên, không nhất thiết phải hoàn hảo về kỹ năng, giúp mỗi người dân ghi lại câu chuyện của mình, một cách dễ hiểu, phổ thông. Bằng cách này, mọi ngành nghề trong hệ thống đều bị áp lực dư luận phải thay đổi. Vai trò của người phóng viên, đã qua đào tạo ít nhiều, là một vai trò thầm lặng, âm thầm giúp đỡ tất cả những người trong cộng đồng trở thành nhà báo công dân.
Bực bội trong xã hội cần phải có chỗ xả, ai cũng biết như vậy. Khi không có chỗ xả bực bội, cô giáo trường mầm non sẽ hành hung trẻ, thầy giáo sẽ bạt tai học sinh, người ta sẽ trút giận lên người dưới quyền. Còn khi tất cả mọi người đều là nhà báo công dân thì tòa soạn của các nhà báo độc lập sẽ là chỗ xả bực bội. Báo chí quốc doanh thì dối trá quá rồi, người dân Việt Nam đang có xu hướng liên lạc với tòa soạn báo độc lập để được giữ bí mật danh tính và được chia sẻ suy nghĩ của mình. Khi tất cả bực bội đều được xả lên trang báo, một cách văn minh, trên một tinh thần thông cảm lẫn nhau, thì cuộc sống của tất cả mọi người đều sẽ dễ chịu hơn rất nhiều./.
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux