Paulus Lê Sơn – Blog Bauxite Việt Nam |
Cuối tháng 11, hai bản án nặng nề dành cho Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 tù giam và Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam 3 năm quản chế. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao họ lại chấp nhận hi sinh? Họ đang chiến đấu cho cái gì và vì cái gì? Có phải chăng đó là một điều dại khờ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra của nhiều bạn trẻ gởi đến cho tôi sau khi các phiên tòa kết thúc.
Chẳng do dự, tôi đã trả lời với các bạn trẻ một cách khẳng khái và rõ ràng với họ rằng, họ đang chiến đấu cho sự tự do. Vậy thì tự do cho ai, cho cái gì, tự do đó như thế nào? Tự do đó cho chính cá nhân chúng tôi, cho con cái, gia đình và thân nhân của chúng tôi, xa hơn và rộng hơn trong sự liên đới thì sự tự do đó còn cho mọi người và toàn xã hội, cho sự hưng thịnh và độc lập thật sự của đất nước Việt Nam.
Tự do đó được cảm nhận và thực thi rất cụ thể, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong những quyền căn bản và phổ quát đó, chúng ta có được những quyền gì trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay?
Được sống ư? vậy cuộc sống mỗi người chúng ta hiện tại có đáng sống hay chỉ là tồn tại? Quyền tự do ư? Chúng ta được thụ hưởng quyền gì khi chúng ta lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, cho công bằng xã hội, bảo vệ đất nước khỏi hiểm họa xâm lăng của giặc thù Trung Cộng thì bị bắt, bị cầm tù? Chúng ta được hạnh phúc như thế nào khi nhu cầu tự nhiên của con người bị nhà cầm quyền đóng khung, trói buộc ngay cả trong tư tưởng, lời nói và hành động?
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình được trích từ Tuyên ngôn “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Ðó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thật trớ trêu thay, Hồ Chí Minh, cha đẻ chế độ cộng sản trên đất nước này đọc tuyên ngôn độc lập về sự tự do của con người thì chính chế độ đó lại chối cãi và chà đạp lên các quyền căn bản của con người.
Bản tính tự nhiên và quy luật phát triển của con người, cái gì không có thì ta đi tìm kiếm, để cái mất đi thì nay sẽ lấy lại được. Chúng ta không ngạc nhiên vì sao chúng ta chưa có sự tự do thật sự cho chính mỗi người và cho đất nước. Bởi lẽ, chính chúng ta không giữ gìn và chưa chiến đấu cho sự tự do ấy.
Bài liên quan:
– Đừng chờ đợi, hãy cùng đốt lửa cho quê hương!
– “Nếu bạn im lặng, rồi ai sẽ nói?”
– Tuổi 20 và quyền tự do phản kháng theo lương tâm
Khi bạn bị kẻ thù nắm đầu và nhấn bạn xuống, nếu bạn để yên thì nó sẽ nhấn bạn xuống tận bùn đen. Ngược lại khi bạn phản kháng, dù nó có khỏe như sức trâu thì cũng đến lúc mỏi tay, chùn ý mà thả tay khỏi cái đầu của bạn. Như vậy, chúng ta lấy lại được sự tự do vốn có của mình.
Ngày 30/11/2017, sự kiện tại BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã minh chứng cho thấy sự tự do của con người là do chính mỗi người phải lên tiếng để dành lấy chiến thắng cho mình. Một người, ngàn người rồi cả triệu người, từ trong Nam ra Bắc, tài xế nào cũng mạnh mẽ và đoàn kết với nhau thì hệ thống BOT sẽ không còn cơ để cướp tiền của dân.
Suy rộng ra, muốn Đất nước muốn phát triển, thì trước hết con người phải có được tự do. Sự thật không thể chối cãi được là Mẹ Nấm, Nguyễn Văn Hóa, hay giới tài xế đang chiến đấu những ngày vừa qua chính là họ đang chiến đấu cho tự do của người dân Việt Nam.
01.12.2017
Leave a Comment