Quảng Cáo

Đề nghị cải tiến chữ viết “Tiếq Việt”: Nhìn từ một góc khác

Quảng Cáo

JB. Nguyễn Hữu Vinh nguyenhuuvinh´s blog |

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội và báo chí một trận cuồng phong quét dữ dội lên một đề án cải tiến chữ viết Tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại Ngữ.

Đề xuất của vị PGS này về một bản chữ cái Tiếng Việt được cải tiến để kết quả là “Luật Giáo dục” trở thành “Luật záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ”…

Nhìn số lượng “đá” được ném vào đề xuất này, người ta thấy điều gì?

Chỉ là một đề xuất

Trước hết, cần nói luôn và ngay rằng ở đây không bàn đến việc đúng, sai, tốt, xấu của đề án cải tiến của ông Bùi Hiền. Bởi điều này sẽ được chứng minh trong thực tế. Điều gì đúng, tốt sẽ tồn tại, cái sai, cái bất tiện sẽ dần dần bị loại bỏ và không được hưởng ứng.

Cũng không phải vì cái danh hiệu Phó Giáo sư, tiến sĩ của ông Bùi Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ mà người viết bài này phải quá lụy vào danh tiếng đó để tin tưởng. Bởi nạn “ngáo đá” ở Việt Nam, người ta thấy rõ nhất lại là từ các quan chức cộng sản có bằng cấp đầy mình, danh hiệu kín danh thiếp, chức vụ nghe đã hoảng. Vì thế việc xưng danh là Giáo sư, tiến sĩ hoặc bất cứ điều gì ở Việt Nam đều đã không còn là giá trị mặc định cho những điều họ nói ra sẽ xứng đáng với danh hiệu. Điển hình là ông Tiến sĩ Xây dựng đảng Nguyễn Phú Trọng.

Ở Việt Nam, 24.000 tiến sĩ mà nói theo  ngôn ngữ dân gian là “nhiều hơn cả lợn con” mà những phát minh đơn giản nhất về cái máy cấy, máy gặt, máy thu hoạch nông sản… đều từ những bà con nông dân ít chữ mà ra, còn đám Giáo sư, tiến sĩ nhung nhúc kia thì chỉ suốt ngày ngồi để… đào tạo tiến sĩ.

Thế nhưng, chúng ta nhìn thấy gì qua mạng xã hội cũng như báo chí và những người dân Việt Nam qua sự kiện này?

Đây là một đề xuất cải cách rất nhạy cảm, bởi nó tác động vào thói quen, văn hóa và một sự mặc định bấy lâu nay được xã hội chấp nhận là Chữ quốc ngữ Tiếng Việt. Trong mỗi con người và cộng đồng, việc thay đổi một thói quen là điều hết sức khó khăn.

Nếu đây là một đề xuất tốt và hợp lý, thì thực tế sẽ chứng minh nó có tác dụng như thế nào và giá trị ra sao, được đánh giá bởi thực tiễn xã hội. Và hẳn nhiên qua đó, nó sẽ được xã hội chấp nhận và khi đó thì dù không được Bộ giáo dục hay cả Bộ Chính trị đồng ý, thậm chí là cấm đoán và tiêu diệt, thì nó vẫn đi vào đời sống xã hội Việt Nam không thể cưỡng lại, dù có thể là rất chậm chạp.

Đã bao nhiêu chục năm nay, tín ngưỡng và tôn giáo là điều mà đảng Cộng sản, hết bộ nọ, bộ kia và hàng hàng lớp lớp chính phủ, cơ quan… bằng mọi phương pháp, bằng mọi cách tận diệt trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là qua cuộc “Cách mạng tư tưởng và văn hóa” dai dẳng, khốc liệt và bất nhân nhưng đã không thể tiêu diệt được niềm tin của người dân.

Cũng từ khi người cộng sản cướp được chính quyền ở Việt Nam, chế độ tư hữu, tư nhân đã bị tìm mọi cách triệt tiêu từ trong tư tưởng cho đến hành động, thành các phong trào cách mạng”, bằng những cuộc cướp bóc tập thể không gớm tay, bằng nghị quyết, bằng nhiều biện pháp tàn bạo nhằm xây dựng một xã hội cộng sản “Ngày mai tất cả sẽ là chung. Tất cả sẽ là vui và ánh sáng” – Nhưng vẫn không thể dập tắt được tính tư hữu của con người. Để rồi cuối cùng, chính những người cộng sản lại dẫn đầu trở thành các nhà tư bản đỏ, sau khi cướp được một số lớn tài sản của người dân. Điều này, chính họ đã liếm bãi nước bọt họ nhổ ra trước đó.

Còn nếu như đây là một đề xuất thuộc hàng “tối kiến” nó sẽ nhanh chóng bị xã hội lãng quên. Khi đó, dù là “Cha già dân tộc” có phát động thì vẫn không hề mảy may được xã hội coi trọng và bị vứt vào sọt rác không hề thương tiếc.

Điển hình là chính Hồ Chí Minh đã dẫn đầu cái việc “Ngáo đá” mà ông PGS.TS Bùi Hiền đang làm và bị cả xã hội ném đá. Hãy nhìn một văn bản “Tuyệt đối bí mật” hết sức quan trọng là di chúc, ở đó HCM đã dùng chữ “z” thay cho chữ “d” hoặc thay chữ “ph thành chữ “f”, bỏ âm “h” trong từ “nghị” thành “ngị”. Trước đó, ông đã dùng rất nhiều trong các văn bản, báo chí khác như “Đường Kách mệnh” cũng như nhiều văn bản viết tay khác. Thậm chí, ông còn yêu cầu các cấp dưới của ông dùng chữ thuần Việt thay chữ gốc Hán như “Ngữ pháp tiếng Việt”, Bác nói: “Đã “tiếng Việt” lại còn “ngữ pháp”! Sao không gọi là “Mẹo tiếng Việt?”.

Quả thật, đọc những văn bản, bút lục của Hồ Chí Minh do nhà nước công bố, chúng ta phải thấy rằng ông ta là bậc thầy của ông PGS.TS “ngáo đá” Bùi Hiền này.

Thế rồi, cũng có một thời, các địa danh, danh nhân đọc theo phiên âm Hán Việt phổ biến trên báo chí và xã hội, khi đó các địa danh được phiên âm: Washington – Hoa Thịnh Đốn, Roma – La Mã, Paris – Ba Lê, Moskva – Mạc Tư Khoa, Praha – Bố Lạp Cách, New York – Nữu Ước, Los Angeles – Lạc San Cơ, Tokyo – Đông Kinh, Bangkok – Mạn Cốc, Campuchia – Giản Phố Trại, Pakistan – Ba Cơ Tư Thản, hoặc Lê Nin thành Liệt Ninh… thì dần dần xã hội cũng thay đổi và không chấp nhận nó.

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội và tiến bộ khoa học Kỹ thuật, người ta dần dần loại bỏ chúng.

Sự phản ứng dữ dội của nạn bầy đàn

Sau khi đề xuất của ông PGS.Ts Bùi Hiền được đưa ra, báo chí và mạng xã hội trong cũng như ngoài nước đã dồn dập bàn tán, chê bai và thậm chí là chửi rủa.

Điều khá ngạc nhiên, là người ta sẵn sàng ném đá, ném tới tấp vào một đề xuất mà không có nhiều phân tích chí lý việc đúng, sai, hay, dở, thuận tiện hay bất tiện của đề xuất này.

Trái lại, người ta mỉa mai rằng đây là một sự phá hoại, là ngáo đá, là sự ngu muội… thôi thì đủ cả. Người ta nại ra đủ lý do để từ chối, ném đá nó một cách rất… cảm tính. Rằng thì là chữ quốc ngữ đã là máu thịt, là thói quen, là văn hóa và là nhiều thứ.

Thậm chí, điều buồn cười là ông Gs Nguyễn Lân Dũng còn lo sợ rằng nếu cải tiến chữ viết Tiếng Việt thì 94 triệu người Việt Nam phải đi học lại mẫu giáo. Thực ra, nếu nó có tác dụng tốt thật sự có ích cho xã hội, thì việc đi học lại mẫu giáo cũng đâu có sao. Chẳng phải là Hồ Chí Minh đã từng thề “đốt cả dãy Trường Sơn cũng giành cho được độc lập” đó sao? Chẳng phải là đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm mọi cách để “Xây dựng con người mới XHCN” và “Nền văn hóa mới XHCN” đó sao.

Hoặc PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH và NVQG, ĐHQG Hà Nội cho rằng đề xuất này không phải “cải tiến” mà là “cải lùi”. “Bởi vì nếu cải tiến như vậy thì tiếng Việt không còn có vẻ đẹp như nó vốn có”. Rằng “Chữ quốc ngữ được sáng tạo trên cơ sở lấy hệ chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Trong đó, các bậc tiền bối đã tính toán khá kỹ đến cả đường nét (giá trị thẩm mỹ) của ký tự lẫn giá trị biểu nghĩa (giá trị phân biệt ý nghĩa) của từng con chữ”.

Thực ra, ý kiến này cũng hết sức cảm tính. Vẻ đẹp nó vốn có là vẻ đẹp nào? Ngày xưa khi chưa có chữ Quốc Ngữ thì Tiếng Việt có vẻ đẹp vốn có hay không? Và trên hết, ở đây vẫn chỉ là tư duy “học tập và làm theo” mà bỏ đi tính sáng tạo và cải tiến cho hợp lý.

Bởi lẽ, cũng như con người, chữ viết và ngay cả Tiếng Việt cũng chưa phải là hoàn toàn hoàn thiện đến mức không thể cải tiến hoặc sửa đổi.

Cùng với sự phát triển của xã hội và đà tiến của nhân loại, con người càng tiến bộ hơn thì mọi vấn đề của xã hội đều cần được cải tiến và thay đổi cho phù hợp.

Nếu Tiếng Việt ngày xưa không thể có từ Máy tính, Computer, điện thoại, Smart phone, wifi, bluetooth… thì ngày nay vốn ngôn ngữ sẽ bổ sung cho nó phong phú hơn.

Nếu ngày xưa người dân chưa biết một chữ Tiếng Anh, tiếng Pháp thì người ta chấp nhận các phiên âm như từ Hán Việt nêu trên, còn ngày nay người ta không thể chấp nhận cách phiên âm tên Thủ tướng Thái Lan là “Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn” ghi chềnh ễnh trền tờ báo đảng mạo danh Nhân Dân nữa.

Điều đáng nói hơn, là ngay không chỉ những người mang danh, mang hàm GS.TS hoặc những người hiểu biết phê phán, mà cả những người viết chưa rành câu chính tả, dấu hỏi, dấu ngã trong Tiếng Việt cũng chưa biết sử dụng vẫn cứ vào chửi như thật.

Đó là thói bầy đàn nguy hiểm.

Bởi vì, ngay trên các văn bản của nhà nước, của các Bộ hẳn hoi, viết câu Tiếng Việt còn chưa thông, chính tả còn chưa sạch thì làm sao có thể đòi hỏi sự phê phán đúng sai.

Ngay ngày hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải “rút kinh nghiệm về diễn đạt ghi tên trong sổ đỏ”. Cũng ngay ngày hôm nay, Cục Hàng không đã phải đính chính về một thông tư mới ban hành được báo chí nhắc đến ngày hôm qua do “lỗi đánh máy” về việc những giấy tờ được dùng khi làm thủ tục lên máy bay và Bộ GTVT đã thừa nhận có sai sót. Cần phải nói rõ: Ở đây là sự tắc trách, coi thường người dân hay do trình độ sử dụng ngôn ngữ?

Đó là ở cơ quan Bộ, còn chưa nói ở cấp Tỉnh, Thành phố và cấp dưới nữa, việc sử dụng Tiếng Việt cứ như một trò hài hước.

Hãy nhìn cái “vẻ đẹp như nó vốn có” của Tiếng Việt mà Bộ Công An đang sử dụng. Trong các “Giấy mời” của mình gửi công dân, được bắt đầu bằng “Kính mời ông, bà” và kết thúc bằng “Yêu cầu ông, bà… có mặt đúng thời gian và địa điểm trên” thì đủ hiểu rằng việc sử dụng Tiếng Việt trong chế độ Cộng sản là một thảm họa. Bởi ở đó, ngôn ngữ đã bị bóp méo và đánh tráo về ý nghĩa và khái niệm. Và cũng bởi ở đó, nạn bằng giả, học giả, nạn con ông cháu cha đã lan tràn đến mức bất chấp tất cả mọi quy chuẩn cần thiết của một người  làm công việc nhà nước.

Có sao đâu, đám đầy tớ nhân dân chỉ có thế.

Thế nhưng, như trên đã nói, lẽ ra cần xem đây là một đề xuất, đơn thuần là như vậy để xem xét đúng sai, lợi hại… và đưa ra nhận xét. Thì trái lại nạn bầy đàn được thể hiện rất rõ bằng những màn ném đá.

Cần phải nói rằng: Một đề xuất, một ý tưởng có thể đúng hoặc sai. Nhưng việc đưa ra ý tưởng là cần thiết và việc truyền bá ý tưởng của mình là quyền tự do của mỗi người.

Nếu không có việc đưa ra những ý tưởng, dù là cái mà người đời cho là “ngáo đá”, là “Cải lùi”, thì mãi mãi cả dân tộc tự nhấn chìm mình trong cái gọi là “Học tập và làm theo” ngay cả những điều ngu dốt nhất, không bao giờ có thể tiến bộ được.

Khi Edison đưa ra ý tưởng khi phát minh ra bóng đèn điện đầu tiên trong lịch sử nhân loại nhiều người cũng cho là “ngáo đá”. Thậm chí năm 1878, Ủy ban Nghị viện Anh đã nhận xét rằng phát minh của Edison “cũng khá tốt đối với những người bạn phía bên kia đại dương, nhưng lại chưa đủ để gây sự chú ý của những người có đầu óc thực tế hay giới khoa học”. Còn kỹ sư trưởng Tổng cục Bưu điện Anh cho rằng ánh sáng tỏa ra từ đèn điện chính là những đốm sáng lập lòe giữa bãi tha ma. Nếu khi đó ý tưởng của Edison bị dập tắt bằng những cuộc ném đá, thì ngày nay, nhân loại vẫn chìm trong sự tăm tối của ánh sáng đèn dầu hỏa?

Nếu như Nguyễn Trường Tộ về thuật lại cho vua Tự Đức về “cây đèn treo ngược” và những đề nghị canh tân đất nước nhưng Tự Đức đã không chịu nghe, thì ngày nay, những bóng điện vẫn treo ngược và sáng bừng cả đất nước.

Nếu người ta có thể ném đá một ý tưởng “ngáo đá” về cải tiến chữ Quốc ngữ cách hăng say, miệt mài theo đám đông mà không ngần ngại, thì người ta đã câm như hến trước không chỉ là ý tưởng và việc làm của Hồ Chí Minh. Chính HCM đã đi trước về sự “ngáo đá” này. Ngay từ rất lâu ông đã dùng những từ ngữ “Đường kách mệnh”, “ngiên kứu”, “zữ vững”, “fục tùng” “Chính fủ”, “zân chủ”, “hữu ngị”… Thậm chí ông được đảng và nhà nước tự phong là “Danh nhân văn hóa thế giới” và theo “GS” Hoàng Chí Bảo thì ông “thành thạo 29 ngoại ngữ”… nhưng điều đáng tiếc là chữ và Tiếng Việt của ông không thạo. Bằng chứng là người xứ Nghệ, nhưng dấu hỏi ông cứ dùng sai chính tả thành dấu ngã như thường.

Vậy nhưng không hề có một tờ báo, rất ít người dám phê phán một câu. Trái lại luôn tung hô tận trời xanh và đua nhau “Học tập và làm theo miệt mài”.

Đó là biểu hiện của thói bầy đàn nguy hiểm.

Tạm kết

Như đầu bài viết đã nói, chúng tôi không đánh giá ý tưởng cải tiến chữ viết Tiếng Việt của ông Bùi Hiển là đúng hay sai, tốt hay xấu. Những điều này dành cho các nhà ngôn ngữ học chân chính và có hiểu biết, có khả năng.

Nhưng chúng tôi tán thành việc có ý tưởng cải tiến của ông. Điều này cũng thể hiện được một điều là sự tâm huyết và trăn trở đối với Tiếng Việt. Tốt hay xấu, xã hội và thực tế sẽ đánh giá và kiểm nghiệm.

Chúng tôi cũng tán thành việc truyền bá ý tưởng và những đề xuất của ông, bởi đó là sự tự do vốn minh nhiên được công nhận là quyền của mỗi người.

Bởi trong lịch sử chữ Quốc ngữ, ngay từ khi ra đời đã không hề được xuôi chèo mát mái, đã gặp biết bao gian nan. Thoạt đầu các nhà nho Việt Nam rất phản đối thứ chữ của “bọn mắt xanh mũi lõ” này, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ quốc ngữ trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước. Chính vì vậy, chữ Quốc ngữ đã được dùng trong xã hội, đất nước Việt Nam cho đến ngày nay đem lại một nét riêng cho văn hóa dân tộc này với biết bao nhiêu tác dụng trong đời sống xã hội.

Cùng ngày xưa, khi các giáo sĩ và linh mục Alexandre de Rhodes lập nên chữ Quốc Ngữ đầu tiên, hẳn các vị cũng không bao giờ cho rằng đó là “trí tuệ, là văn minh, đạo đức” duy nhất hoặc tuyệt đối hoàn hảo. Mọi sự cải tiến cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống là rất cần thiết.

Và hẳn là khi những người cộng sản trên đất nước này muốn thể hiện sự vong ân bội nghĩa đối với người bạn lớn của nền văn hóa Việt Nam bằng cách xóa bỏ mọi di sản, dấu tích về các vị ấy, hẳn các vị cũng chẳng lấy làm phiền lòng.

Bởi cuộc sống, xã hội luôn cần phát triển đi lên mà không nhất thiết phải sợ đụng cái trần đạo đức hoặc trí tuệ như đảng cộng sản đang cố gắng dựng lên trong cái gọi là “Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh” hiện nay.

Bởi như một nữ nhà văn người Anh đã nói: “Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói ra điều đó” – Evelyn Beatrice Hall bút danh Stephen G. Tallentyre.

Ngày 1/12/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux