Bauxite Việt Nam: Đây gọi là sự lừa bịp “có quy trình” và đã tới mức thượng thừa. Từ sự cố “điểm chỉ lăn tay của Nguyễn Đức Chung 22/4/2017” đến sự cố “kết luận của Thanh tra Hà Nội 25/72017” là cả một chặng đường nung nấu trăm mưu ngàn kế hòng lật lại một keo thua trắng tay trước người dân Đồng Tâm vốn hoàn toàn nắm chắc chính nghĩa. Qua chuyện này, quan hệ giữa kẻ cầm quyền và người dân giờ đây phải định danh bằng gì nhỉ? Một cuộc kéo co giữa tên cướp với chủ nhà – chủ nhà đã thấy rõ món đồ của mình trong tay tên cướp, cố sức giằng ra, nhưng vẫn không muốn tin đó là cướp. Còn kẻ cướp thì vẫn cố đóng cái vai đường bệ trước khi nó lộ mặt, trong khi đó, tay lại vẫn quyết lôi món đồ cướp được lên chiếc xe đậu sẵn vì biết nó quá béo bở. Đó phải chăng đúng là hiện tượng “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” trong giai đoạn “kinh tế thị trường định hướng XHCN”?
***
Nguyễn Đăng Quang
Biến cố Đồng Tâm đã để lại nhiều bài học đau xót. Một trong các bài học này chính là công tác thanh tra. Những bức xúc, bất bình và khiếu nại của người dân chất chứa trong nhiều năm về những sai phạm trong việc sử dụng, quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm và sân bay Miếu Môn không hề được các cấp chính quyền Hà Nội xem xét, giải quyết! Ngày 20/4/2017, UBND Hà Nội thông báo mới quyết định lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn diện vấn đề đất đai ở Đồng Tâm và cam kết sẽ phán xử công minh! Nhưng rồi sau đó, kết luận phũ phàng của Thanh tra Hà Nội làm người dân Đồng Tâm từ chỗ chưa kịp lóe lên niềm HY VỌNG đã sớm tắt ngấm LÒNG TIN vào chính quyền! Đúng như KTS Trần Thanh Vân, trong “Thư gửi ông Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung”, đã thẳng thắn đánh giá bản kết luận của Thanh tra Hà Nội là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá”! Còn nhà báo Nguyễn Đình Ấm viết trong “Thư ngỏ gửi Thanh tra và Công an Hà Nội về vụ Đồng Tâm”, đưa ra nhận định rất xác đáng: Các vị đã cố tình làm “rối trí người đọc” để “phức tạp hóa” tình hình một sự việc vốn rất đơn giản!
Như tất cả mọi người đều đã biết, ngày 22/4/2017, trong bản “Cam kết 3 điểm” với người dân Đồng Tâm, ngay tại điều cam kết đầu tiên, ông Chủ tịch Hà Nội đã viết rất rõ ràng : “Trực tiếp kiểm tra Đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật khu vực đất Đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, bằng giấy trắng, mực đen (cho dù không đóng dấu, nhưng đã có chữ ký và lăn tay điểm chỉ trước sự chứng kiến và chứng thực của nhiều người có trách nhiệm), Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã mặc nhiên ghi nhận là trên cánh Đồng Sênh của xã Đồng Tâm có 2 loại đất: loại đất thứ nhất là “đất nông nghiệp”, loại đất thứ hai là “đất quốc phòng”! Vấn đề chủ chốt, theo như lời cam kết, chỉ là việc Chủ tịch Thành phố giao nhiệm vụ và chỉ đạo Thanh tra Hà Nội xác định rõ ranh giới cho mọi bên – quân đội cũng như người dân – rạch ròi và rõ ràng đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng để các cấp chính quyền “không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật”!
Người dân Đồng Tâm coi cánh Đồng Sênh và Cổng Đồn rộng 106ha là “mảnh đất bờ xôi ruộng mật” do cha ông để lại, và họ đã sử dụng liên tục và ổn định, không tranh chấp với ai trong ít nhất hơn nửa thế kỷ qua (kể từ sau ngày hòa bình lập lại năm 1954)! Năm 1980, Chính phủ có Quyết định 113/TTg thu hồi 208ha đất của huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức (trong đó có 47,36ha của xã Đồng Tâm) để giao Bộ Quốc phòng làm sân bay Miếu Môn. Chấp hành quyết định trên, người dân Đồng Tâm đã bàn giao 47,36ha trên cánh đồng Cổng Đồn cho quân đội, và người dân đã nhận 150.312 VNĐ (1980) tiền bồi thường hoa màu. Người dân Đồng Tâm không thắc mắc, đòi hỏi gì thêm, và luôn tôn trọng 47,36ha đất đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng! Đối với số diện tích 59ha còn lại trên cánh Đồng Sênh, người dân vẫn canh tác ổn định từ đó (1980) đến nay.
Nhưng bỗng nhiên gần đây, Huyện ủy và UBND Mỹ Đức tuyên bố đây là đất quốc phòng, lệnh cho Đài truyền thanh huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm ngày đêm ra rả tuyên truyền là toàn bộ cánh Đồng Sênh là đất quốc phòng, đồng thời ép các đảng viên và cán bộ xã Đồng Tâm phải ký xác nhận đấy là đất quốc phòng! Rất nhiều người cực lực phản đối và kiên quyết không ký. Từ đó, việc tranh chấp mảnh đất này bắt đầu, và ngày càng gay gắt! Cụ Lê Đình Kình và rất nhiều đảng viên lão thành khác khẳng khái tuyên bố: “Cho dù có bị chặt đầu, họ vẫn khẳng định 59ha đất trên cánh Đồng Sênh là đất nông nghiệp!”
Việc thanh tra diện tích 59ha đất nông nghiệp tại cánh Đồng Sênh, nếu làm công tâm, đúng pháp luật (như cam kết của Chủ tịch UBND Thành phố hứa với người dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017), tôi nghĩ sẽ chẳng có trở ngại hoặc khó khăn gì lớn, vì chỉ cần từ 2 đến 3 ngày làm việc, Thanh tra Hà Nội hoàn toàn có thể chỉ rõ ranh giới phần đất nào là đất nông nghiệp của dân, phần nào là đất quốc phòng của Viettel (nếu có)! Nhưng như một tiếng xét đánh và quá bất ngờ, sau 3 tháng thực thi công vụ, Thanh tra Hà Nội chính thức đưa ra kết luận 59ha đất nói trên là đất quốc phòng, phủ nhận hoàn toàn cánh Đồng Sênh có một phần rất lớn là đất nông nghiệp!? Quả đúng như KTS Trần Thanh Vân nói, bản kết luận của TTHN là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá”!
Đọc bản Kết luận dài 20 trang của Thanh tra Hà Nội, ngay cả luật sư cũng bị rối trí, chứ đừng nói đến người dân bình thường! Đây hẳn là điều chủ ý của Thanh tra Hà Nội, họ cố tình làm rối trí người đọc, bố cục thì tù mù, nội dung thì khó hiểu, câu văn thì lủng củng, diễn giải thì vòng vo, thậm chí còn đưa ra những khái niệm lạ hoắc nhằm mục đích lẩn tránh sự thực khách quan và cốt lõi là Thành phố Hà Nội cũng như Bộ Quốc phòng không hề có quyết định thu hồi đất và quyết định được giao 59ha đất trên cánh Đồng Sênh nói trên! Thanh tra Hà Nội không thể chứng minh bằng văn bản pháp lý đất cánh Đồng Sênh là đất quốc phòng, vì nếu có, thì không những họ đã trưng văn bản đó ngay từ đầu mà họ còn có thể kiến nghị xử lý bằng pháp luật, thậm chí khởi tố hình sự cụ Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm khác đã dám cản bước họ!
Ngay khi TTHN công bố văn bản Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP, người dân Đồng Tâm kịch liệt phản đối và đã gửi nhiều văn bản khiếu nại. Nhưng 4 tháng qua, người dân không nhận được một ý kiến phản hồi nào có thể gọi là thỏa đáng của TTHN! Do vậy, thay mặt những người khiếu nại, cụ Lê Đình Kình nói với người viết bài này là người dân Đồng Tâm có nguyện vọng được đối thoại trực tiếp với Lãnh đạo Thành phố và Thanh tra Thành phố. Địa điểm tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm, thời gian do TTHN quyết định, song càng sớm càng tốt! Thành phần tham dự: Về phía Đồng Tâm: gồm có cụ Kình, các thành viên Tổ Đồng Thuận, 2 luật sư hỗ trợ pháp lý. Về phía TTHN gồm Chánh, 2 Phó và 6-8 chuyên viên cùng các Trưởng, Phó phòng của Thanh tra Thành phố, đồng thời mời đại diện Viettel là bên có quyền lợi và trách nhiệm liên quan. Hình thức: Đây là buổi đối thoại công khai, mời các cơ quan báo chí, đài VOV, đài VTV về đưa tin và truyền hình trực tiếp buổi đối thoại này. Chi phí sẽ chia đều cho các bên! Vì Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là người viết bản “Cam kết 3 điểm” với người dân trưa hôm 22/4/2017, nên người dân Đồng Tâm sẽ rất vui mừng nếu ông Chủ tịch Thành phố bố trí thời gian về tham dự buổi đối thoại này với bà con Đồng Tâm!
Viết đến đây, tôi vừa nhận được tin của cụ Lê Đình Kình thông báo cho biết: Tối hôm qua, cụ nhận được giấy của TTHN mời cụ 9 giờ sáng hôm nay (24/11/2017) có mặt tại trụ sở TTHN tại 62 phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để “Làm rõ nội dung công dân không đồng ý với Kết luận của Thanh tra Hà Nội”. Cụ ngao ngán nói: “Thật chẳng khác nào họ làm khó cho tôi! Ngay cả nếu có khỏe mạnh, tôi cũng khó có thể đi kịp! Chắc họ cũng thừa biết tôi không thể đi được, nên đã ghi chú thêm là: “Trong trường hợp ông Lê Đình Kình không đến làm việc được, đề nghị ông cử đại diện đến làm việc với Thanh tra Thành phố.”!
Qua bài viết này, tôi xin được chuyển đến độc giả gần xa những thông tin và diễn biến mới nhất xung quanh kết quả thanh tra và tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của TTHN liên quan đến những bất bình và kêu cứu của bà con nông dân ở một vùng ô, cách trung tâm Hà Nội 50km sau một sự kiện mang tên biến cố Đồng Tâm hôm 15/4/2017, với mục đích để mọi người biết rõ bản chất sự việc và cũng rộng đường cho dư luận nhận định, đánh giá, đồng thời để các bên thấy được thiện chí của mình cũng như của các bên liên quan./.
Hà Nội, ngày 24/11/2017
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN
Leave a Comment