Ngô Đồng – Web Việt Tân |
Một vấn đề đang thu hút sự chú ý của dư luận là Bộ Giáo Dục và Đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam lấy ý kiến cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục giai đoạn 2018-2015, tầm nhìn 2030. Trong đó, trọng tâm của đề án là chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ đang khiến dư luận nảy sinh nhiều ý kiến phản đối.
Việc xã hội lo ngại về chất lượng cũng như tính khả thi của đề án này không phải là không có cơ sở. Bởi trong thời gian qua, các câu chuyện về những “lò” đào tạo tiến sĩ siêu tốc không còn xa lạ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều đề tài luận án tiến sĩ còn bị đánh giá quá nhỏ bé, chưa xứng tầm như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”, hay mới đây là “Nghệ thuật chữ trên bìa sách”… Không những thế, nhiều người học tiến sĩ chỉ như là một cách hợp thức hoá các chức vụ đã được “qui hoạch”, chứ không phải vì muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng. Cho nên, không phải cứ có bằng cấp cao là thì nền khoa học, giáo dục sẽ đổi khác.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho mỗi quốc gia là điều rất cần thiết, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là tại sao phải chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ trong khi những tranh luận về “lạm phát” tiến sĩ vẫn chưa ngã ngũ?
Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trong thời gian 10 năm (từ 1996-2005), các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác đào tạo và trọng dụng nhân tài tại Việt Nam đang tồn tại quá nhiều bất cập. Với những tiến sĩ được đào tạo trong nước thì chất lượng rất thấp, do các cơ sở đào tạo trong nước thường dễ dãi, chạy theo số lượng, đào tạo qua loa.
Trong khi đó, nếu gửi tiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài thì rất nhiều người không chịu trở về sau khi tiêu tốn của ngân sách số tiền lớn. Còn với những giảng viên trẻ chấp nhận về thì lại hay bị chèn ép bởi những giảng viên khác có địa vị, quyền lực hành chính lớn hơn quyền lực học thuật. Chán chường khi chuyên môn, học thuật không được sử dụng và đãi ngộ tương xứng, rất nhiều trường hợp đã phải ra đi.
Đào tạo tiến sĩ là một công việc không thể vội vàng. Đây là bậc học đòi hỏi những tiêu chí, tiêu chuẩn khá cao về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyên môn. Hơn nữa, đất nước cần một đội ngũ tinh hoa cho đổi mới chứ không phải người thầy có nhiều bằng cấp nhưng lại không làm được gì.
Điều này đòi hỏi cả người đi học và đơn vị đào tạo phải hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm chứ không thể đào tạo một cách ồ ạt. Trước kia, Bộ GD&ĐT từng đưa ra đề án 911 với mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ vào năm 2020. Tuy nhiên, đề án 911 đã phải ngưng hoạt động nửa chừng vì không đạt được mục tiêu theo kế hoạch.
Điều đáng bàn ở đây là Bộ GD-ĐT chưa một lần tổ chức tổng kết, đánh giá thất bại của đề án 911 đã vội vàng xây dựng đề án mới có mục tiêu tương tự. Sự kiện này làm cho không ít người phê phán Bộ Giáo dục. Với chức năng “đào tạo con người” nhưng cứ tư duy theo kiểu nhiệm kỳ, “vẽ” đề này án nọ để chia chác thì tiền thuế của dân đóng bao nhiêu cho đủ.
Có lẽ vào thời điểm hiện tại, chẳng có một quốc gia nào, ngoại trừ Việt Nam lại có kế hoạch tài chính để đào tạo tiến sĩ giống như doanh nghiệp sản xuất một sản phẩm để tung ra thị trường.
Gần 500 triệu USD là một số tiền không hề nhỏ, và đó cũng là tiền thuế của dân. Sẽ thiết thực hơn nếu để tiền đó đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục vùng cao. Thật bất hợp lý khi mà nhiều nơi còn thiếu trường thiếu lớp, trẻ em không được đến trường mà lại đầu tư số tiền khổng lồ vào dự án không ai chắc chắn sẽ thành công
Bài liên quan:
– Khi tiến sĩ giả bày trò đào tạo tiến sĩ thật
– Một nền giáo dục lạc đường?
– Sự lãng phí của một quốc gia
Chạy theo bằng cấp sẽ chỉ hao tổn nguồn lực cho quốc gia. Về lâu dài thay vì đào tạo mới tràn lan, Bộ GD-ĐT nên tận dụng nguồn lực từ những người có trình độ tiến sĩ đang làm việc tại các Viện nghiên cứu để kiêm nhiệm việc giảng dạy. Ngoài ra, cũng có thể xây dựng cơ chế kéo dài thời gian làm việc của các giảng viên có trình độ đã đến tuổi nghỉ hưu, để tận dụng chất xám, kinh nghiệm của nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, một câu hỏi lớn khác được đặt ra là có cần thiết phải có nhiều tiến sĩ như vậy không? Vấn đề của đổi mới giáo dục không phải là có thật nhiều tiến sĩ trong ngành, một đất nước giỏi cũng không nhất thiết phải có nhiều tiến sĩ.
Việt Nam đang có những nông dân rất sáng tạo, nhiều sáng kiến nhưng lại không được quan tâm. Vì sao những người nông dân chân đất chế tạo, cải tiến đủ thứ máy móc lại không được mời nói chuyện với sinh viên? Những người như họ có giá hơn tiến sĩ rởm rất nhiều. Hãy hỗ trợ họ thay vì đào tạo ra những tiến sĩ không có năng lực, không giúp được gì cho đất nước.
Leave a Comment