Trong hai ngày 21 và 22/11 vừa qua, theo lời mời của các tổ chức ONG tại Pháp như Amnesty International (Ân Xá quốc tế), Secours Catholique (Công giáo Cứu trợ), Artisan du Monde (Tổ chức Bênh vực cho các nước nghèo) ACAT (Tổ chức Công giáo chống tra tấn), Ligue des Droits de l’Homme (Liên đoàn Nhân quyền), v.v… tôi đã có dịp đến thị xã Saint Lô và Caen (cách Paris 200 km về phía Tây Bắc) để tham dự tuần lễ Festival Solidarités (tạm dịch là Ngày hội Kết đoàn thế giới) và địa điểm là hai trường trung học Marie Curie và Le Verrier.
Sở dĩ Ban Tổ chức chọn các trường trung học để tiếp xúc là vì nước Pháp cũng như nhiều nuớc trên thế giới đã cho các học sinh tiếp cận đến Quyền Con Người ngay từ cấp tiểu học. Dĩ nhiên các em sẽ được giảng dạy tùy vào lứa tuổi và khả năng tiếp thu. Chủ đề tôi trình bày là về quyền tự do ngôn luận.
Trong phần giới thiệu, Ban tổ chức đã giành những lời lẽ hết sức tốt đẹp cho cá nhận tôi và những người tranh đấu cho Quyền Con Người ở Việt Nam. Phần tôi, cho dù đã đứng trên bục giảng trong vòng 10 năm, nhưng trước một cử tọa khoảng 120 em học sinh cấp 3, tôi cảm thấy cũng có phần lúng túng. Tuy nhìên chỉ sau phần giới thiệu vài nét về lịch sử kể từ ngày người Pháp bước chân tới VN cho đến ngày 30/4/75 thì tôi đã lấy lại “phong độ thuở xưa”.
Các thầy và Ban tổ chức quan sát thì đánh giá rằng ít khi các em ngồi nghiêm túc như thế, và chính tôi củng cảm nhận rằng các em hầu như bị thôi miên bởi những gì tôi nói thực sự đã vượt qua ngoài sức tưởng tượng của chúng. Các em hầu như chết lặng khi thấy cảnh tôi bị còng tay trong phiên toà tháng 8/2011 cũng như bức hình gia đình tối chụp trước ngày bị ly tán. Các em cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng những người đang đấu tranh tại VN.
Sau 2 tiếng trình bày, các em giải tán trong im lặng, và theo cô giáo chủ nhiệm thì đây cũng là một sự “ngoại lệ”. Tôi không lạ gì cái “lũ” học sinh bên Pháp, chúng hiếu động và phá phách – nhưng lần này tôi thấy chúng lẳng lặng thu dọn đồ đạc rồi đi ra, mấy đứa còn lại sắp xếp lại bàn ghế. Chừng mọi việc xong xuôi, một nam sinh đã đến gần và nói : “Je vous félicite, vous avez fait la force de culture contre la culture des forces”, tạm dịch là “Chúc mừng thầy, thầy đã dùng sức mạnh của văn hóa để chống lại văn hóa của sức mạnh”. Tiếc là em đi nhanh quá không có dịp chụp cùng em tấm hình.
Sau buổi diễn thuyết tại trường Le Verrier, tôi đã tiếp xúc với báo Ouest-France, một nhật báo có ấn bản khá lớn, với cộng đồng các Hội Từ thiện địa phương cũng lên thu âm phỏng vấn của đài RFC tại thành phố Caen. Đi đến đâu tôi cũng để lại cho người nghe một cảm giác bàng hoàng lẫn xúc động. Cho dù trước mỗi lần trình bày tôi đều lặp đi lặp lại câu: “Sẽ không bao giờ các bạn có thể tưởng tượng được những gì đang xảy đến cho người VN”, nhưng sau khi chấm dứt, họ đã đến nắm tay tôi để bày tỏ sự ấn tượng cũng chia sẻ cảm xúc đang trào dâng trong họ.
Tôi nghĩ mình đã “hoàn thành tốt công tác ngoại vận”, nói theo “ngôn ngữ Việt Tân”, và điều đó làm tôi rất vui. Nhưng cái vui lớn lao hơn cả là thấy cử tọa từ già đến trẻ đều thực sự xúc động và ấn tượng về những gì mình nói.
Đơn thuần chỉ vì đó là sự thật.
Leave a Comment