Quảng Cáo

Đặc khu kinh tế và vấn đề an ninh quốc gia

This image has been resized with Reshade. To find out more visit reshade.com

Quảng Cáo

Lê Anh Hùng BlogVOA

Thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam bàn luận khá nhiều về ba đặc khu kinh tế đang được đề xuất thành lập ở ba miền đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Thực ra, việc thành lập đặc khu kinh tế đã được các cơ quan hữu trách Việt Nam nêu ra từ lâu. Đặc khu kinh tế Vũng Tàu – Côn Đảo ra đời năm 1979, và tồn tại đến năm 1991 thì bị giải thể.

Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế sau đó được đưa vào Hiến pháp năm 1992, và được nhắc lại một số lần trong các văn kiện quan trọng của hệ thống chính trị, trước khi trở thành một chủ đề được dư luận quan tâm vài năm qua.

Tuy nhiên, tâm thế chung hiện nay là người ta chỉ còn bàn cãi xoay quanh những nội dung quan trọng của cơ chế vận hành đặc khu kinh tế. Mọi chuyện xem ra chỉ còn chờ Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trước khi Chính phủ chính thức đề xuất rồi Quốc hội bấm nút thông qua nữa là xong. Ngay cả vị trí của các đặc khu coi như cũng đã an bài – đó là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được đưa ra bàn thảo, và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 năm 2018.

Các vấn đề mang tính chất chuyên môn về cấu trúc tổ chức đặc khu cùng các thể chế thiết yếu kèm theo đã được nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật nêu lên. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về khía cạnh an ninh quốc gia của 3 đặc khu sắp sửa ra đời.

Đặc khu kinh tế: tính mở và nguy cơ

Đặc điểm nổi bật của đặc khu kinh tế là tính chất thông thoáng về mặt luật lệ và chính sách. Mục đích của sự thông thoáng là nhằm thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, song cũng chính vì thế mà các đặc khu lại trở thành đích nhắm và dễ để lọt những nhà đầu tư với toan tính mờ ám.

Do đó, vấn đề an ninh quốc gia cần phải được đặt ra một cách hết sức cẩn trọng trước khi quyết định thành lập một đặc khu kinh tế.

Vậy đối tượng mà chúng ta cần đề phòng là ai?

Việc Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên tiếp đón Tổng Bí thư Đảng CSVN tại Nhà Trắng tháng 7 năm 2015 là một sự kiện mang đầy tính biểu tượng. Nó thể hiện sự thừa nhận chính thức của cường quốc đứng đầu thế giới tự do đối với chính thể hiện nay tại Việt Nam, đồng thời là sự đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không tấn công quốc gia cựu thù cộng sản.

Trong bài “Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống”, chúng tôi cũng đã chỉ ra một thực tế là mặc dù mong muốn và thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia tự do – dân chủ, song bản thân Hoa Kỳ cũng không muốn CSVN sụp đổ trước khi bị thay thế, vì những hệ luỵ khó lường của nó.

Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã viết hàng loạt bài cảnh báo về việc người Trung Quốc núp bóng các dự án kinh tế để chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam. Đơn giản, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính quốc gia láng giềng phương Nam của họ.

Nếu các đặc khu kinh tế sắp thành lập của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược thì dĩ nhiên Bắc Kinh càng không thể bỏ qua, đặc biệt là khi thời hạn cho thuê đất có thể lên tới 99 năm như đề xuất của lãnh đạo Quảng Ninh và Kiên Giang.

Dưới đây, chúng ta sẽ đánh giá từng đặc khu sắp được thành lập.

Đặc khu Kinh tế Vân Đồn

Vân Đồn nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, án ngữ vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, và là trạm dừng chân đầu tiên trên tuyến hàng hải xuất phát từ Trung Quốc theo bờ biển Việt Nam xuống phía nam. Ngay từ năm 980, các triều đại phong kiến Việt Nam đã bố trí quân đội đồn trú tại đây để trấn giữ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Chừng đó đủ nói lên tầm quan trọng của Vân Đồn trong chiến lược phòng thủ quốc gia.

Từ năm 2015, tập đoàn Sun Group đã khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, và dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2018. Đây là sân bay dân sự (theo tiêu chuẩn cấp 4E của ICAO) kết hợp với quân sự (sân bay cấp II). Vân Đồn vì thế lại càng trở nên lợi hại về mặt quân sự, bởi ai làm chủ sân bay này sẽ kiểm soát được cả vùng trời lẫn vùng biển Đông Bắc Việt Nam.

Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong

Đây là đặc khu kinh tế nằm bao quanh vịnh Vân Phong, và là một vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng, vì những lý do sau.

Vân Phong là điểm cực đông của Việt Nam, nghĩa là nơi rất gần với các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa.

Với địa thế một bên là núi, một bên là biển và quốc lộ 1A là tuyến độc đạo nối liền giao thông Bắc – Nam, chỉ cần một lực lượng quân sự vừa phải là đủ sức chia cắt Việt Nam thành hai phần tại đây.

Từ Bắc Vân Phong chạy theo quốc lộ 26 chừng 130km là đã tới Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương.

Vịnh Vân Phong là vùng biển có độ sâu trung bình từ 20-27m, đủ sức đón mọi loại tàu. Đặc biệt, nhờ sự che chắn của các đảo và bán đảo, nên đây là một vịnh kín, có giá trị không thua kém mấy so với vịnh Cam Ranh.

Kiểm soát được vịnh Vân Phong, đối phương có thể uy hiếp được tàu bè ra vào vịnh Cam Ranh (“lá bài” quan trọng nhất của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Biển Đông và chỉ cách đấy khoảng 65km), đồng thời đe doạ các cơ sở quân sự tại Cam Ranh.

Đặc khu Kinh tế Phú Quốc

Tuy cách xa biên giới Việt – Trung hàng ngàn km, nhưng Phú Quốc lại là một trong những nơi đầu tiên đứng trước nguy cơ phải hứng đòn tấn công của Trung Quốc một khi chiến sự giữa hai nước nổ ra.

Hòn đảo rộng xấp xỉ diện tích Singapore này nằm cách bờ biển tỉnh Kiên Giang 46km, nhưng lại chỉ cách bờ biển Campuchia 26km, nơi mà từ năm 2016 Phnom Penh đã cho Trung Quốc thuê 90km (tức 20%) chiều dài bờ biển để xây dựng một cảng nước sâu chiến lược, với tổng mức đầu tư lên tới 3,8 tỷ USD, nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh.

Ngày 19/4/1975, hải quân Khmer Đỏ tấn công đảo Phú Quốc và đánh nhau với quân đội Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975. Ngày 4/5/1975, quân Khmer Đỏ lại đổ bộ lên Phú Quốc, nhưng đã bị QĐND Việt Nam đánh đuổi. Từ đó đến nay, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia vẫn nung nấu giấc mơ lấy lại Phú Quốc cũng như cả Nam Bộ, vùng đất mà họ cho là thuộc về Campuchia trong lịch sử.

Nếu kiểm soát được sân bay Phú Quốc, kết hợp với các sân bay trên đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và đảo Gạc Ma (Trường Sa), không quân Trung Quốc có thể khống chế gần như toàn bộ vùng trời và vùng biển Việt Nam.

Phnom Penh nay đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Vậy nên những “phần thưởng” mà nằm mơ họ cũng không thấy như Phú Quốc hay thậm chí là cả Nam Bộ sẽ càng khiến họ sẵn sàng sát cánh cùng Trung Quốc lao lên phía trước khi hữu sự.

Nhà chức trách Việt Nam đang kỳ vọng các đặc khu kinh tế sẽ là những cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng.

Tuy nhiên, với những gì nêu trên, e rằng cả ba đặc khu kinh tế nằm ở những vị trí đặc biệt xung yếu của Việt Nam chưa kịp thấy phượng hoàng thì đã đứng trước nguy cơ trở thành “đất lành” cho hàng đàn diều hâu đến từ phương Bắc.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux