Thanh Hồ – Dân Luận|
Đôi lúc nghĩ rằng, thôi thì cứ im lặng mà sống, quan tâm đến những tiêu cực, bất công của xã hội làm gì cho mệt. Có nói, có lên án cũng chẳng thay đổi được gì. Nhưng im lặng đồng nghĩa với việc chấp nhận mặc cho lũ sâu mọt phá nước, hại dân. Thật không cam tâm. Chẳng dẫn chứng đâu xa, chỉ trong vòng một tuần nay đã có vô số chuyện khó hiểu đến mức không ai tin nổi dù sự thật sờ sờ trước mắt.
Bắt đầu từ chuyện nhỏ (thực ra không nhỏ): Chuyện cái vỉa hè ở Hà Nội, năm ngoái Sở Xây dựng Hà Nội tuyên bố vỉa hè lát bằng đá tự nhiên, kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm thì năm nay nó đã xuống cấp nghiêm trọng (mặt đá bong tróc, vỡ vụn). Lý giải nguyên nhân, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết do dưới lớp đá là bê tông, và lớp bê tông liên quan đến trạm điện, gốc cây trên vỉa hè nên đã ảnh hưởng đến chất lượng lớp đá.
Không biết mọi người nghe có thấu không, chứ tôi thì thấy chướng quá. Dự án cả ngàn tỷ đồng sai sót lớn như thế mà vẫn nói tỉnh bơ như không có gì. Quả là hơn cả mặt dày, đúng như câu ví von “mặt đường càng mỏng thì mặt quan càng dày”.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao dự án lớn như thế, nhiều tiền như thế (Chi phí khoảng 500.000 đồng/m2, dự kiến đến năm 2020, vỉa hè của hơn 930 tuyến đường tại Hà Nội sẽ được thay thế bằng đá tự nhiên) mà lỗi kỹ thuật lại sơ đẳng đến như vậy?
Hãy tưởng tượng, chỉ ba năm (từ 2011 -2013), chỉ riêng 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã chi gần 1.000 tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa vỉa hè thì cả thành phố Hà Nội biết bao nhiêu ngàn tỷ mà nói. Đó là chưa kể các tỉnh thành khác.
Sự việc tiếp theo cũng liên quan đến chất lượng công trình là trong cơn bão số 12 (Damrey) vừa qua, tỉnh Khánh Hoà có gần 1.900 trụ điện bị quật gãy. Theo đó những hình ảnh tại hiện trường cho thấy các trụ điện gãy đổ đã lộ rõ ở trụ lõi thép thép ít và nhỏ. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Cao Ký, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện lực Khánh Hòa, cho rằng bão số 12 là cơn bão rất mạnh mấy chục năm nay mới thấy ở Khánh Hòa. Sức gió rất lớn, xoáy trong khi đường dây điện vướng vào vật cản như tôn bay, cây đè… là nguyên nhân gây ra hiện tượng trụ điện gãy, nghiêng trụ điện: “Nếu nằm trong đường đi tâm bão thì nói thật khó mà chịu nổi”.
Tôi thực sự sốc khi nhìn những hình ảnh đó các bạn ạ. Nhưng còn sốc hơn khi nghe ông Ký khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Khi mua hàng thì ai cũng muốn mua hàng đúng chất lượng. Chúng tôi đã kiểm tra theo hướng dẫn và theo TCVN quy định. Đồng thời bốc ngẫu nhiên một số cột đập nát ra để kiểm tra kết cấu bên trong”.
Đã có kiểm tra cả trong lẫn ngoài, vậy tại sao hàng ngàn cây cột điện lõi chỉ vài ba cọng thép như chiếc đũa không bảo đảm chất lượng vẫn được đưa vào sử dụng?
Một câu hỏi thật khó để trả lời. Trong vụ việc này dù lý giải thế nào cũng không thoả đáng.
Còn nhớ vào tháng 7 năm ngoái, cơn bão số 1 đổ bộ vào Miền Bắc, một số cột điện thuộc đường dây 22kV Lý Nhân – Hòa Hậu bị gãy đổ, lộ ra vấn đề lõi cột điện bê tông không có thép. Thế nhưng tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vẫn khẳng định tất cả các cột điện bị đổ trong cơn bão đều đạt chuẩn theo quy định. Bởi đây là công nghệ các cột bê tông được áp dụng công nghệ bê tông dự ứng lực.
Chưa hết, vào tháng 4 năm nay, ở Ninh Thuận khi các công nhân kỹ thuật đến tu sửa trụ điện trung thế, bất ngờ gãy đổ đè chết một người, bị thương một người. Tại hiện trường, trụ điện trung thế bị gãy lìa phần gốc, trơ vài cọng sắt nhỏ (theo Dân Việt)
Sau sự việc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói, sự cố xảy ra trong điều kiện thời tiết không quá khác thường, nhưng cột điện đường dây 500 KV bị đổ là sự việc khác thường. Nhưng rồi sự việc cũng rơi vào im lặng.
Thế đây, chẳng ai lên tiếng đi tìm nguyên nhân, truy trách nhiệm cả, ngay cả những người có trách nhiệm.
Còn gì chối bỏ trách nhiệm tuyệt vời hơn là đổ lỗi cho tự nhiên.
Chuyện không kém phần động trời khác là sau khi rà soát lại, chi phí làm mỗi km đường sắt Hà Nội giảm 1.000 tỷ đồng. Theo đó tuyến đường sắt số 2 Hà Nội đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình có tổng chiều dài 5,9km, tổng kinh phí dự án là 34.743 tỷ đồng. Sau khi rà soát còn 28.918 tỷ đồng (giảm hơn 5.800 tỷ đồng).
Chỉ có thể nói một từ “khiếp”, ăn gì mà kinh. Giả sử nếu không rà soát thì 5.800 tỷ ấy sẽ đi đâu về đâu? Và liệu con số 28.918 tỷ đồng đã là đáp án cuối cùng chưa?
Cho nên đừng thắc mắc chuyện cán bộ xây biệt phủ.
Nhưng đừng quá bi quan, chúng ta vẫn còn những cán bộ vì nước thương dân. Đó là những cán bộ ở Sơn La, họ bị truy tố vì… thương dân.
Liên quan đến việc 17 cán bộ của tỉnh Sơn La bị khởi tố hình sự về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Bà Tráng Thị Xuân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La, đồng thời cũng là Đại biểu Quốc hôi – cho biết: “không phải do các cán bộ làm không tốt mà chính vì anh em làm có lợi cho người dân”.
“Ví dụ, một số hồ sơ để giải quyết việc bồi thường, đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ nhưng anh em vì thương dân nên vẫn làm hoàn thiện sớm hồ sơ giúp dân nên người dân được lợi. Nhưng chính vì thế giờ cán bộ giải quyết lại phải chịu trách nhiệm chứ họ không tư túi gì, không đút một xu nào vào túi cá nhân” .
Hơn 26.000 tỷ đồng cho dự án tái định cư thủy điện Sơn La, miếng bánh thơm ngon đến thế mà lũ chuột không tơ tưởng thì chẳng thể tin nổi. Cứ cho là bà Xuân nói đúng thì trường hợp của ông Đèo Văn Ban – nguyên cán bộ UBND huyện Mường La (1 trong 17 cán bộ của tỉnh đã bị khởi tố) khai khống diện tích đất từ khoảng 4,5 ha lên thành hơn 17 ha để nhận tiền đền bù phải giải thích sao đây? Đó không là tư túi thì là gì?
Tất cả những vụ việc nêu trên chỉ là những vụ rất vụn vặt trong vô vàn những sai phạm, tiêu cực diễn ra hàng ngày ở xứ sở này. Nhưng không thể vì nó vụn vặt mà bỏ qua vì nhiều cái như thế góp lại sẽ rất lớn. Một con đê không chỉ bị phá bởi tổ mối lớn mà còn bởi những tổ mối nhỏ. Mối chúa bây giờ không chỉ một con mà cả bầy, phân tầng lớp và phá mọi lúc mọi nơi.
Thanh Hồ
Leave a Comment