Lê Anh Hùng Blog – VOA
Việc các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới thăm viếng nước này nước nọ là hoạt động bình thường trong bang giao quốc tế, mà mục đích chủ yếu là nhằm kết nối tình hữu nghị hoặc thắt chặt quan hệ giữa các quốc gia.
Việt, Trung xoành xoạch qua lại
Nhìn chung, giữa các quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, lâu lâu người ta lại chứng kiến một chuyến thăm của lãnh đạo nước này tới nước kia hay ngược lại. Chẳng hạn, mặc dù Hoa Kỳ và Hàn Quốc là hai quốc gia đồng minh gần gũi, nhưng chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Hàn Quốc ngày 7/11 vừa rồi là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến xứ sở kim chi trong suốt 25 năm qua. Còn chuyến công du Hoa Kỳ trung tuần tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Justin Trudeau thì cách chuyến thăm gần nhất của lãnh đạo Canada sang quốc gia láng giềng gần hai thập niên.
Tuy nhiên, thông lệ trên lại không đúng với mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lãnh đạo hai quốc gia cộng sản này thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, với tần suất có thể nói là “xoành xoạch”.
Động cơ quan trọng nhất ở đây thiếu cao cả nhưng lại thừa thiết thực: Bắc Kinh muốn thường xuyên giám sát để Hà Nội không đi ra ngoài quỹ đạo Đại Hán, còn Hà Nội thì vừa buộc phải “đáp lễ” vừa muốn bám vào Bắc Kinh để duy trì chế độ độc tài cộng sản tại Việt Nam.
Và sau mỗi cuộc thăm viếng như vậy, thứ “bảo bối” giúp thắt chặt “tình hữu nghị cộng sản” giữa hai nước chính là bản tuyên bố chung Việt – Trung cùng các thoả thuận hợp tác kèm theo.
Chuyến thăm thứ 2 của Tập Chủ tịch
“Đến hẹn lại lên”, sau chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng trung tuần tháng 1 và của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trung tuần tháng 5 năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-13/11/2017. Đây là lần thứ hai họ Tập đến Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc, sau chuyến thăm lần đầu hai năm trước.
Và kết quả – hay chính xác hơn là mục đích – của chuyến thăm này là bản Tuyên bố chung Việt – Trung cùng 19 văn kiện hợp tác giữa hai bên.
Trong bản Tuyên bố chung dài đến 7 trang A4 ấy, từ “tăng cường” được lặp đi lặp lại tới 24 lần. Chừng đó đủ nói lên tinh thần xuyên suốt của cái văn kiện đóng vai trò “kim chỉ nam” cho mối quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản: “Trói” chặt Hà Nội vào quỹ đạo Đại Hán!
Và đó là những nội dung mà bất kỳ người Việt nào quan tâm đến vận mệnh nước nhà cũng không khỏi âu lo: hết “tăng cường trao đổi chiến lược”, “tăng cường giao lưu kênh Đảng”, “tăng cường giao lưu hợp tác giữa các cơ quan trung ương hai Đảng và các tổ chức Đảng địa phương, đặc biệt là các tỉnh (khu) giáp biên”, lại đến “tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh” hay “tăng cường hơn nữa việc kết nối giữa doanh nghiệp hai nước”, v.v. và v.v.
Hợp tác đào tạo cán bộ “đặc sắc Trung Quốc”?
“Công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân.” Đó là điệp khúc mà người đứng đầu Đảng CSVN vẫn lặp đi lặp lại gần như mọi lúc mọi nơi.
Dĩ nhiên, trong các bản tuyên bố chung ký với lãnh đạo Trung Quốc, ngài TBT luôn đặc biệt chú trọng vấn đề cán bộ và hợp tác đào tạo cán bộ với phía “bạn”.
Trong bài “Ông Nguyễn Phú Trọng quyết tâm ‘Hán hoá’ đội ngũ lãnh đạo Việt Nam?” ngày 18/1/2017, tác giả đã chỉ ra rằng, dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng, việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã từng bước “tự diễn biến, tự chuyển hoá” từ những chỉ đạo chung chung, với mức độ ràng buộc thấp, đến các văn kiện hợp tác cụ thể, mang tính ràng buộc cao.
Hai bản tuyên bố chung Việt – Trung ngày 15/10/2011 và ngày 9/4/2015 chỉ nêu nội dung hợp tác đào tạo cán bộ một cách chung chung. Đến bản Tuyên bố chung ngày 5/11/2015, nội dung này đã trở thành “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng CSVN và Đảng CSTQ giai đoạn 2016-2020”. Và cuối cùng là “Thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao” trong bản Tuyên bố chung Việt – Trung ngày 14/1/2017 nhân chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 chỉ trong vòng 6 năm của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Việt Nam thì đơn giản là không thể nào “đào tạo” cán bộ cho “bạn” được. Vậy nên, tuy gọi là “hợp tác” nhưng trên thực tế, thông qua những thoả thuận như thế, nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã trao vô số đồng chí của mình cho Trung Quốc “đào tạo” theo kiểu “giao trứng cho ác” hay “đem con bỏ chợ”. Về mặt con người, hành động đẩy người khác vào chỗ (buộc phải) phạm tội, dù với bất kỳ lý do gì đi nữa thì cũng là độc ác, bất nhân.
Và “chiến công” mới nhất của ngài TBT
Trong bản Tuyên bố chung do mà TBT Nguyễn Phú Trọng ký với Tập Cận Bình ngày 13/11 vừa qua, từ “cán bộ” xuất hiện 4 lần. Ba lần đầu là trong những chỉ đạo chung chung (“làm sâu sắc […] hợp tác đào tạo cán bộ kênh Đảng”; “thực hiện tốt kế hoạch đào tạo cán bộ” giữa hai Bộ Ngoại giao và “tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ” giữa hai Bộ Quốc phòng), thiếu sự ràng buộc cụ thể, nên người ta khó hình dung ra mức độ tai hại của chúng.
Vậy nhưng, khi từ “cán bộ” xuất hiện trong một văn kiện mang tính ràng buộc cao là “Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Khu ủy khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây” thì có lẽ bất kỳ người Việt nào chỉ với đôi chút hiểu biết về cái gọi là “hợp tác đào tạo cán bộ Việt – Trung” thôi là đã phải giật mình thon thót.
Không giật mình sao được khi vấn đề “then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân” của một loạt tỉnh biên giới được ngài Tổng Bí thư điềm nhiên trao vào tay những kẻ vẫn đang luôn lăm le nuốt chửng Việt Nam.
Không giật mình sao được khi, với tư cách đứng đầu “kênh đảng”, ông ta có thể trực tiếp chỉ đạo từng tỉnh uỷ nói trên để triển khai thực hiện thoả thuận hợp tác. (Trong các thoả thuận về hợp tác kinh tế, nếu không bị Bắc Kinh thao túng, người đứng đầu chính phủ Việt Nam vẫn có thể trì hoãn, thực hiện chiếu lệ, hoặc thậm chí là viện lý do hợp lý để không triển khai thực hiện thoả thuận đã ký với Trung Quốc.)
Trong số 7 tỉnh biên giới phía bắc, 5 tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng nhất là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lào Cai. Vậy nên hẳn sẽ có người “thắc mắc”: Vì sao Lào Cai không nằm trong danh sách “hợp tác đào tạo cán bộ” nói trên? Xin thưa, trong bài “Lào Cai: ‘Tử huyệt’ của phòng tuyến biên giới phía bắc?” ngày 18/3/2014, chúng tôi đã cung cấp đầy đủ dữ liệu để độc giả thấy Lào Cai gần như đã trở thành một tỉnh Trung Quốc trên đất Việt Nam.
Hết “hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao” với Trung Quốc lại đến bắt tay với họ để “đào tạo cán bộ” cho một loạt tỉnh biên giới – chỉ riêng chừng đó thôi có lẽ cũng đã khiến ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng đảng” khó tìm ra “đối thủ xứng tầm” về những “chiến công” mà ngài lập được cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
Leave a Comment