Paulus Lê Sơn
Chiều 18/11, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố trước Quốc hội “ Không cho phép ‘chìm xuồng’ các vụ án tham nhũng, Không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng”.
Các đời lãnh đạo cộng sản đã nhiều lần tuyên bố phải quyết liệt chống tham nhũng, không trừ một ai và không có “vùng cấm” nhưng hiện thực thì tất cả chỉ là lời nói suông.
Tại sao không chống được tham nhũng ?
Chúng ta còn nhớ ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội cộng sản Việt Nam từng nói “Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc”. Một sự thật được khẳng định, tính chất tham nhũng của lãnh đạo cộng sản là có hệ thống từ Trung ương đến địa phương.
Ông Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, từng giữ cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc phải nói rằng: “Tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm, cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường, người ta cũng đếm được số người tham nhũng, nhưng xử lý thì ít quá”.
Trong khi đó, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nói: “Tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, có thủ đoạn và quan hệ khiến công tác đấu tranh còn hạn chế, chưa như mong muốn. Tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, có thủ đoạn, có quan hệ, có chuyên môn để che giấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, hành vi được che đậy, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định”.
Ngày 28/07/2013, ông Lê Truyền – nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – nhận định rằng cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam còn thiếu hiệu quả là do tổng hòa của “sự thiếu quyết tâm, thiếu cơ chế, thiếu minh bạch và cả các quan hệ rắc rối khi định xử lý tham nhũng với ông A, nhưng lại có liên quan đến bà B là cháu của ông C”.
Những ông tai to mặt lớn đã thừa nhận một thực trạng tham nhũng không thể thay đổi được đó là do cơ chế đưa lại hậu quả như ngày hôm nay.
Ai là người chống quan tham nhũng ?
Hầu như 10 vụ án tham nhũng thì đến 9 vụ được người dân hoặc báo chí khui ra, trong đó có những vụ án tham nhũng mang động cơ chính trị, thanh trừng nội bộ, tranh quyền đoạt ghế.
Người dân không còn lạ lẫm với những luận điệu bao che, ngụy biện khi quan lại bị phát hiện tham nhũng với những biệt phủ nguy nga, tài sản kếch sù. Nay còn biến tướng theo kiểu bồ nhí vợ bé để quản lý gia sản kếch sù đó. Điển hình như trường hợp ông Bí thư tỉnh Thanh Hóa hay Phạm Sỹ Quý tại Yên Bái.
Khi người dân tố giác tội phạm tham nhũng thì họ không được tôn trọng và bảo vệ, ngược lại có thể trở thành nạn nhân và đối mặt với việc tù tội, đã không có ít người phải vướng vào lao lý vì đi tìm công lý cho mình và cho xã hội. Như vậy còn ai sẵn sàng đứng ra tố cáo kẻ cầm quyền tham nhũng ?
Như vậy, cả hai nhân tố để chống tham nhũng hoặc bị triệt tiêu hoặc được lợi dụng để thanh trừng lẫn nhau. Chống tham nhũng chỉ là từ được phát ra từ những kẻ tham nhũng mà thôi.
Loại giặc nội xâm đến từ chính cơ chế do hệ thống lãnh đạo độc tài toàn trị thì việc chiến đấu với nó chỉ là chém gió tấu hài trên nghị trường hay qua các văn bản. Từ tinh thần đến hiện thực quả là một hố sâu không san lấp được. Tham nhũng trở nên quốc nạn, dân tình oán than dậy trời, bất công giăng ngập lối, trong khi bọn lại tặc thì sống trong nhung lụa sa hoa, tài sản chất núi phủ sông.
Tham nhũng thực sự đã và đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước và dân tộc này. Tham nhũng chỉ chấm dứt thật sự khi và chỉ khi cộng sản không còn cai trị trên quê hương này.
Hà Nội 20.11.2017
Leave a Comment