Quảng Cáo

Đức có thỏa hiệp cho Việt Nam ‘tế dê’?

Quảng Cáo

Phạm Chí Dũng – Blog VOA

Nếu “đảng và nhà nước ta” chịu đưa một vài “con dê” nào đó ra “tế thần”, liệu động tác mơn trớn này có xoa dịu tâm trạng phẫn nộ của Chính phủ Đức về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”?

Gần đây đã xuất hiện thêm một quan điểm mới và có thể gần với thực tế xung quanh câu hỏi trên.

EVFTA sẽ tiếp tục nếu có “dê tế thần”?

Trang Thoibao.de ở Đức dẫn lại Nhật báo New York Time số ra ngày 02/11/2017 với bài viết của ký giả Mike Ives mang tựa đề “Một người mất tích ở Berlin gây giông tố cho Hiệp định Thương mại với Việt Nam”. Nội dung bài báo chủ yếu nói về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể ảnh hưởng đến việc hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam như thế nào.

Trịnh Xuân Thanh

Theo bài báo trên, kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi về hành động mà phía Đức cực lực lên án là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Và việc tiếp tục giam giữ ông Thanh đang làm phức tạp thêm triển vọng hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vốn được chờ đợi từ rất lâu rồi.

Bộ ngoại giao Đức nói rõ, Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam cần sự chấp thuận của cả Quốc hội Đức và Nghị viện châu Âu, và các thành viên của hai cơ quan này đều biết rõ các hậu quả chính trị trong việc bắt cóc ông Thanh. Như vậy, chỉ cần Quốc hội Đức không đồng ý thông qua thì Hiệp định không thể hình thành. Nói cách khác, Đức có quyền phủ quyết Hiệp định này.

Tuy nhiên để đạt được Hiệp định Thương mại, Việt Nam có thể đưa ra lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động. Một số quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết trong các cuộc phỏng vấn họ tin rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, ngay cả khi chính họ cũng không chắc chắn làm thế nào.

Bà Alicia Garcia-Herrero, một nhà kinh tế học tại Hong Kong, người tham vấn cho các quan chức châu Âu về hiệp định thương mại này, cho biết bà tin rằng hiệp định sẽ vẫn được tiếp tục miễn là chính quyền Hà Nội tìm được “một con dê tế thần” để chịu trách nhiệm, ví dụ như vị đại sứ Việt Nam tại Đức chẳng hạn.

Bà cho biết thêm, Đức sẽ không thể lờ đi những lợi ích tiềm năng đối với các nhà sản xuất trong nước hay đòn bẩy giúp các nhà đám phán ở EU có thể tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc. “Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư? Trung Quốc sẽ cười vào mặt cho mà xem”.

Việt Nam muốn “xử lý nội bộ”?

Trong một mớ hỗn tương lạm phát phi mã không chỉ hàng chục ngàn quan chức cấp trung mà cả hàng ngàn quan chức bậc cao, chẳng có gì phải quá trăn trở để những nhân vật cao nhất trong bộ máy cầm quyền Việt Nam đưa ra một, thậm chí vài ba “dê tế thần”, miễn là động tác xin lỗi mang chỉ thuần túy gián tiếp này được phía Đức thỏa thuận giữ kín mà không để cho giới truyền thông tọc mạch, đặc biệt là báo chí thế giới, biết được và “làm loạn lên”.

Trong lịch sử các cuộc đấu đá nội bộ triền miên ở Việt Nam, “dê tế thần” không chỉ là một thủ đoạn chính trị mà còn là một loại não trạng đặc thù của giới quan chức Việt – y hệt bài học tương tự từ “quan thày Trung Quốc”.

Đã xảy ra không ít vụ án tham nhũng liên quan đến quan chức cấp trung cao, nhưng khi thành án thì lại chỉ có những quan chức cấp thấp phải “hy sinh”. Trong dân gian đương đại, người ta mỉa mai rằng đó là hành động “Lê Lai cứu chúa”, hoặc thỉnh thoảng cũng dùng đến cụm từ “dê tế thần”.

Trong những cuộc xung đột nội bộ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với những nhóm quyền lực – lợi ích cũ, từ ngữ thông dụng hơn hẳn được dùng là “xử lý sân sau”. Những vụ án tham nhũng ghê gớm tại Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Á châu, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu Khí toàn Cầu… đều có những dấu hiệu là một thứ “sân sau” của những quan chức cao cấp nào đó, nhưng rốt cuộc chỉ có những kẻ thi hành phải lãnh án.

Với “truyền thống tế dê” như thế, rất có thể trong một số lần đàm phán với phía Đức từ tháng Tám – khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt bắt đầu nổ ra – cho đến gần đây, phía Việt Nam đã gợi ý đưa vấn đề “xử lý nội bộ”, tuy không nêu tên quan chức cụ thể nào, với hy vọng làm người Đức hài lòng.

Từ tháng Tám đến nay, chỉ riêng việc Bộ Ngoại giao Việt Nam im như thóc trước cảnh hai cán bộ ngoại giao mà dường như đóng vai trò “tình báo viên” của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức bị phía Đức trục xuất tống cổ về nước, đã cho thấy phía Việt Nam “biết lỗi” như thế nào.

Đàm Xuân Hưng

Còn nếu người Đức cắc cớ hỏi thẳng Việt Nam sẽ xử lý những quan chức nào, rất có thể cái tên Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng trở nên dễ dàng nhất – sẽ bị chọn làm “dê tế thần” để chịu trách nhiệm về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

“Người lớn” hay “trẻ hư khó dạy”?

Nhưng Đoàn Xuân Hưng lại chỉ là một quan chức bậc trung, không phải ủy viên trung ương và còn chưa ngoi đến ghế thứ trưởng ngoại giao. Trong khi đó, vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” đã trở thành “án quốc gia” và có lẽ kéo theo cấp phải chịu trách nhiệm lên tới Bộ Chính trị.

Hẳn nhiên, Đoàn Xuân Hưng là cái tên mà Chính phủ Đức, nếu có thỏa hiệp với Việt Nam về giải pháp “xử lý nội bộ”, sẽ quá khó để hài lòng.

Trong khi đó, qua bốn tháng từ khi nổ ra khủng hoảng Đức – Việt, vẫn không thấy phía Việt Nam có lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động nào. Kết quả này hoàn toàn có thể phản ánh là kết quả của những cuộc đàm phán song phương trong lặng lẽ giữa Việt Nam và Đức đã chẳng đi tới đâu, hoặc hoàn toàn bế tắc.

Rất có thể, đó chính là nguồn cơn dẫn đến hệ quả vào cuối tháng 9/2017, Chính phủ Đức đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam – được hiểu như một niện pháp trừng phạt ở cấp độ rất cao.

Chỉ ít lâu sau đó, lại có thêm một biện pháp trừng phạt bổ sung: Đức thông báo hủy bỏ hiệp định Đức – Việt về miễn trừ visa cho các cán bộ ngoại giao của Việt Nam đi công tác ở Đức. Điều đó có nghĩa là ngay cả Bộ trưởng ngoại Phạm Bình Minh và thậm chí cả “đảng trưởng” Nguyễn Phú Trọng nếu có muốn đi Đức thì cũng phải làm thủ tục xin visa tại Đại sứ quán Đức ở Việt Nam.

Đến đây, vấn đề lại xoay chuyển sang một hướng khác và có lẽ khác hẳn cách nhìn có lẽ khá đơn giản của bà Alicia Garcia-Herrerongười tham vấn cho các quan chức châu Âu về EVFTA – rằng Việt Nam chỉ cần “dê tế thần” là cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ sớm được giải quyết.

Bởi từ tháng Tám năm 2017 đến nay, phía Đức đã hành động như một “người lớn”, một nhà nước lớn, và trên hết là một nhà nước pháp quyền. Chứ không phải như thể chế “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” luôn được tuyên rao ở Việt Nam nhưng lại làm nhiều người dân liên tưởng đến hình ảnh “trẻ hư khó dạy”…

Với những cái “lớn” ấy, nước Đức sẽ khó, quá khó để chấp nhận giải pháp “dê tế thần”, nếu Việt Nam có đưa ra đề nghị này.

Điều người Đức cần là sự minh bạch, thành thật hối lỗi và biết đứng lên từ bùn lầy. Mà không có chuyện “đi đêm”.

Còn băn khoăn “Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư?” của bà Alicia Garcia-Herrero thì thế nào?

EVFTA chỉ mới đàm phán trong 1-2 năm. Còn người Mỹ đã mất đến ít nhất 6 năm để đàm phán về Hiệp định TPP, nhưng vào đầu năm 2017 Tổng thống Trump đã quyết định rút ra khỏi hiệp định này một cách không tiếc nuối.

Thế thì người Đức có thể cũng chẳng nuối tiếc gì một vài năm đàm phán EVFTA với Việt Nam.

Sự kiện Chính phủ Đức và cả Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đều không tham dự Hội nghị APEC Đà Nẵng vào tháng 11/2017 là một bằng chứng rõ rệt về quan điểm của người Đức đang giữ khoảng cách rất xa đối với giới chóp bu Việt Nam.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux