Chủ nghĩa của hận thù và dối trá?
Vào ngày 5 tháng 11 vừa qua, một buổi lễ kỷ niệm hoành tráng được tổ chức tại hội nghị quốc gia Hà Nội, với 3500 quan khách tham dự để kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Nga (1917 -2017). Buổi lễ được diễn ra trong bối cảnh những cơn mưa bão đang càn quét miền Trung, gần 50 người đã chết và thảm họa có thể xảy ra ngay trước ngày APEC 2017 khai mạc.
Ấy vậy mà, thật lạ lùng, ở “cội nguồn” của cuộc “cách mạng rung chuyển thế giới”, sự kiện này chẳng làm cho vị tổng thống nước Nga Vladimir Putin quan tâm đến vào dịp tròn 100 năm cuộc cách mạng Bolsevik.
Ông ta (Putin) nói với các cố vấn rằng sẽ không cần tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Nếu vậy, có lẽ, ông Nguyễn Phú Trọng khi gặp mặt ông Putin trong những ngày sắp tới của hội nghị APEC 2017, cần “phê bình nghiêm khắc” ông ấy (Putin) vì sự vô ơn này?
Dù sao, ông Putin vẫn giữ thẻ Đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô trong ngăn kéo làm kỷ niệm và chưa bị khai trừ khỏi Đảng cho đến khi Đảng Cộng Sản Liên Xô tan rã vào năm 1991. Còn ông Trọng, là tổng bí thư đương chức của 1 trong 3 đất nước Cộng sản cuối cùng trên thế giới. Nếu ông Trọng mà biết ông Putin đã từng nói “Đừng mong cái triều đại cộng sản gian tà ấy có cơ hội sống lại trên đất nước này khi dân tộc Nga còn tồn tại” không biết ông ấy có thèm chơi với ông Putin không? Khi mà ông Putin đã “tự diễn biến”, trở thành kẻ “phản động” chống lại lý tưởng XHCN.
Yuri Maltsev, một giáo sư bảo vệ bằng B.A và M.A. ở Đại học Quốc gia Moskva và bằng Tiến sĩ về Kinh tế học lao động tại Viện Nghiên cứu Lao động ở Moskva, Nga, từng là thành viên của một nhóm các nhà kinh tế học Liên Xô tham gia soạn thảo gói chính sách Perestroika của Tổng thống Gorbachev cho biết: Tất cả những hiện tượng kinh hoàng của Chủ nghĩa Xã hội trong thế kỷ 20 liên quan đến những nhà độc tài tàn ác nhất nhân loại như Lenin, Stalin, Hitler, Mussolini, Mao và Polpot đều là con đẻ của cuộc cách mạng Bolshevik 1917.
Rudolph Rummel, nhà nhân khẩu học nghiên cứu về những vụ giết người hàng loạt do chính phủ tiến hành, ước tính tổng thiệt hại về người mà chủ nghĩa xã hội đã gây ra trong thế kỷ XX: khoảng 61 triệu người ở Liên Xô, 78 triệu ở Trung Quốc, và khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới. Những nạn nhân này bị chết trong những nạn đói do nhà nước tổ chức, trong quá trình tập thể hoá, trong các cuộc cách mạng văn hoá, trong những vụ thanh trừng, trong các chiến dịch chống thu nhập “bất hợp pháp” và những cuộc thí nghiệm tàn độc khác trong quá trình sắp xếp lại xã hội.
Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu xã hội, chính trị, lịch sử, văn hóa, tôn giáo… trên khắp thế giới khi nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội Maxism và Leninism đều cùng chung một kết luận: Đó là một thứ chủ nghĩa của hận thù và dối trá. Những lãnh đạo quốc gia các cường quốc như Merkel hay Vladimir Putin, Gorbachev đã từng là những Đảng viên Cộng Sản, chắc chắn là những người hiểu biết nhất về thứ chủ nghĩa này, đã có những đánh giá lịch sử xác đáng và cay đắng.
Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà thú nhận rằng, cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá. (Gorbachev – Tổng bí thư đảng CS Liên Xô)
Cộng Sản đã làm cho người dân trở thành gian dối. – Thủ tướng Đức Angela Merkel
Một trăm năm trước, “làn sóng Đỏ” khởi đầu từ cuộc cách mạng Bolshevik 1917 đã từng là nguồn cảm hứng của một nửa nhân loại. Những người Cộng sản mê đắm, say cuồng màu đỏ của máu và những vinh quang “xây xác quân thù”. Đấu tranh giai cấp bằng bạo lực là phương thức tiến hành cách mạng. Xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, phong kiến, thực dân và chuyên chính vô sản là mục tiêu cách mạng.
Khi mà chủ nghĩa tư bản chưa kịp tiến hóa và điều chỉnh cho hài hòa hơn, những mâu thuẫn xã hội từ khoảng cách giàu nghèo giữa các giai tầng và nhân quyền còn bị coi nhẹ thì đó là dư địa đã nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa đầy hận thù bùng phát. Thế giới bị chia cắt làm đôi và những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử loài người trong cuộc đối đầu sinh tử về hai hệ tư tưởng, mô hình xã hội đối lập với những tham vọng bá quyền đã được ghi nhận ở thế chiến II, Việt Nam, hay bán đảo Triều Tiên.
Như một dòng thác lũ cuồng nộ, chủ nghĩa Cộng sản và mô hình XHCN đã cuốn theo gần như mọi nỗ lực khai minh hay cải tổ xã hội bằng tri thức, nhân bản cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11.1989. Thành trì chủ nghĩa xã hội vĩ đại Liên Xô chỉ duy trì sự tồn tại thêm 2 năm sau đó, kết thúc cơn ác mộng kéo dài 74 năm của dân tộc Nga.
“Đế chế Đỏ” rộng lớn, hùng mạnh, giàu tài nguyên này sau khi đã nỗ lực hủy bỏ mọi quyền tư hữu tài sản của công dân, phá bỏ tôn giáo và các giá trị văn hóa lâu đời, hủy diệt mọi chính kiến đối lập với quyền lực nhà nước vô sản, đã tự sụp đổ trong đói nghèo và lạc hậu sau khi cướp đi sinh mệnh 61 triệu nạn nhân của nó. Chắc chắn không ai muốn nhắc lại những ký ức đau buồn này và có lẽ ông ta (Putin) biết rõ – chẳng có gì đáng tự hào.
Một trăm năm sau, thế giới đã thay đổi, phần lớn các quốc gia trước đây từng tuyên bố theo CNXH đã từ bỏ lý tưởng Cộng sản để quay trở lại chủ nghĩa tự do kinh tế và dân chủ. Trong khi đó, những nước “Chủ nghĩa tư bản” – “định danh” của những người Cộng sản, đã tiến hóa vượt bực về quản trị xã hội, nhân quyền, kinh tế, khoa học.
Tuy nhiên, ở Châu Á, nơi mà văn hóa phong kiến phương Đông và tư tưởng “thần dân” còn đậm đặc, thứ chủ nghĩa này được nhào nặn lại cùng với triết lý nhân sinh của Khổng, Lão, với hệ giá trị “quân, thần” được dán lại nhãn mác như “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, “Tư tưởng Tập Cận Bình”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh” hay thuyết “Chủ thể” của gia tộc họ Kim ở Bắc Hàn. “Mẫu số chung” của tất cả những “Tư Tưởng” này đều là chuyên chính độc tài, Không Dân Chủ và Không Nhân Quyền.
Những “Hoàng đế Đỏ” vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mộng bá quyền, phủ nhận mọi qui luật triết học để trường tồn “muôn năm”. Khó có thể tưởng tượng ở thế kỷ này, những tội ác chống lại loài người vẫn nghiễm nhiên xảy ra với sự dung túng của cả một chế độ như cuộc đàn áp Pháp Luân công đã giết hại, mổ sống và cướp nội tạng hàng trăm ngàn người như dưới triều đại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc hay sự tàn ác vượt xa mọi sự tưởng tượng của gia tộc họ Kim cai trị đất nước Bắc Hàn.
Và “bên kia bờ ảo vọng”
Những người Cộng sản đã đưa chủ nghĩa Mác Lê vào Việt Nam trong bối cảnh lịch sử đầy giông bão. Sau những thất bại cay đắng của các lớp chí sĩ trước đó trăn trở cho con đường cứu nước, thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Khi mà những hệ thống xã hội đã từng tồn tại trước đó, đã sai lỗi và cần được điều chỉnh để phù hợp với qui luật tiến hóa xã hội.
Công bằng mà nói, đã có một lớp người dũng cảm, trong sáng và lãng mạn, khao khát dấn thân cho những lý tưởng họ tin tưởng với mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Đã có một giai đoạn, lịch sử những thế hệ thanh niên sống, chiến đấu và chết cho những lý tưởng ở cả hai bên chiến tuyến đối lập nhau. Một thời đại của những anh hùng.
Nhưng hiện thực hôm nay chẳng phải là một câu trả lời phũ phàng nhất hay sao? 42 năm sau khi người Cộng sản đã toàn trị, thống nhất hai miền Nam Bắc, 87 năm Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và đưa đất nước theo quĩ đạo Đỏ, Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ thế giới và khu vực?
Một mô hình xã hội lạc điệu với thế giới văn minh, một đất nước lạc hậu, kém phát triển đứng hạng bét về mức độ phát triển trong khu vực ĐNÁ nhỏ bé, nhưng đứng ở những top đầu bảng trong danh sách các quốc gia tham nhũng, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông, ung thư, đàn áp nhân quyền và tự do báo chí… trên thế giới.
42 năm là thời gian đủ để một làng chài nhỏ bé Singapore biến thành “sư tử”, đủ để một nước Nhật điêu tàn, kiệt quệ sau chiến tranh, một Hàn quốc đói nghèo xơ xác trở thành những cường quốc thế giới. Những quốc gia láng giếng “làng nhàng” như Thái Lan, Malaysia, Philippines… khác cũng đã vượt xa Việt Nam vài thập kỷ phát triển. Có vẻ như tất cả họ đều không có và không cần đến “lợi thế quốc gia” là dầu hỏa, hoa hậu và chủ nghĩa xã hội như Việt Nam.
Và thực sự là mâu thuẫn đến khôi hài khi kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng tháng 10 Nga, ông Tổng bí thư CSVN tiếp tục nhấn mạnh sự kiên định theo đuổi con đường xây dựng một “Xã hội chủ nghĩa” mà chính bản thân ông không biết: Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Ngắm nhìn ông say sưa đọc diễn văn trong trạng thái đầy khoái cảm. Có lẽ ông đang mơ đến những “thiên đường xã hội” ở “bên kia bờ ảo vọng”. Không biết trông nó như thế nào, có giống như Bắc Kinh hay Thâm Quyến, Quế Lâm hay không? Nhưng một thảm trạng ở ngoài kia đang diễn ra khi những cơn bão lũ đang xầm sập cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó.
Một trăm năm đã quá đủ cho những hoang tưởng lịch sử và cho những tủi nhục đất nước này phải chịu đựng!
Tân Phong
7.11.2017
http://viettan.org/Tram-nam-tủi-nhục.html
Leave a Comment