Trong những năm qua, chúng ta đã nói quá nhiều đến sự vô cảm trong xã hội VN. Vô cảm đã trở thành một trong những “căn bệnh mãn tính”, cũng như tham nhũng, sự dối trá, bệnh hình thức…Nhưng dường như càng ngày “căn bệnh” này càng nặng hơn, “lây lan” đến rất nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Đám lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản cho tới hầu hết các quan chức từ trên xuống dưới thì vô cảm là chuyện thường thấy, không có gì phải ngạc nhiên. Điều đó khởi nguồn từ bản chất của đảng cộng sản VN, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên lợi ích của quốc gia, dân tộc. Những con người đang nằm trong cái đảng phái chính trị đó, cái guồng máy đó, do vậy, chẳng hề quan tâm gì đến đất nước, nhân dân. Họ chỉ quan tâm đến sự tồn tại của đảng vì nó gắn chặt với quyền lợi của họ, “còn đảng còn mình”.
Song cứ mỗi khi có một chuyện gì đó, như thiên tai ập xuống (mà trong đó thiên tai chỉ chiếm một phần, nhân tai mới là chín phần), sự vô cảm của họ càng bộc lộ rõ ràng đến nhức nhối trước mắt mọi người.
Trong tháng 9 vừa qua, mưa lũ cộng cơn bão Doksuri, tức cơn bão số 10, tràn vào VN làm chết và mất tích trên dưới trăm người, tang thương khôn xiết, nước mắt người dân ở nhiều khu vực miền Trung còn chưa kịp khô thì nay bão Damrey, tức cơn bão số 12 lại kéo đến, lại thêm vài chục người chết, còn thiêt hại về nhà cửa, tài sản, mùa màng, thì chưa có con số nào thống kê cho kịp. Ấy vậy mà thái độ của nhà cầm quyền VN như thế nào?
Ai cũng biết, lũ lụt ở VN một phần là do thiên tai, nhưng cái chính là do nạn phá rừng bừa bãi vô tội vạ, việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện làm ảnh hưởng tới dòng chảy của nước, làm mất thêm diện tích rừng, thêm vào đó, thủy điện xả lũ khiến lũ chồng lũ, tai họa càng lớn. Cứ mỗi năm lũ lụt càng nghiêm trọng hơn, thiệt hại càng nặng nề hơn.
Người dân phẫn nộ vì năm nào cũng có bão lũ, xả lũ, nhưng không có ai chịu trách nhiệm gì, mà các quan chức lãnh đạo thì mở miệng ra là tránh né, đổ thừa: “Xả lũ đúng quy trình, không biết trước hậu quả”, “Vỡ đê theo kế hoạch”, “Rút kinh nghiệm sâu sắc”…Bao nhiêu năm sống chung với bão lũ, nhưng công tác phòng chống, cứu hộ vẫn không sáng tạo hơn, hiệu quả hơn, năm nào cũng có người chết, hàng chục, hàng trăm người!
Và bây giờ, bão Damrey, lại tiếp tục những con số thương vong lạnh lùng, lại tiếp tục nhà cửa tài sản tan hoang…Nhưng giữa Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dàn lãnh đạo đảng cộng sản VN thì bận bịu tổ chức trọng thể 100 năm CM tháng Mười Nga! Buổi lễ ngập tràn màu cờ đỏ như máu, hình ảnh búa liềm, hình ảnh “cuộc CM tháng 10 Nga” và bài diễn văn dài dòng ca ngợi cuộc CM vĩ đại với những từ ngữ cũ rích như từ cả thế kỷ trước của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng ngày 5.11, tại Công viên Lenin (Hà Nội), báo chí đưa tin, chụp hình đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN và thành phố Hà Nội đến dâng hoa tưởng niệm tại tượng đài V.I. Lenin! Cả bộ sậu nghiêm trang kính cẩn cúi đầu tri ân trước tượng đài!
Cái cuộc CM mà ngay ở nước Nga bây giờ người ta cũng chẳng muốn nhớ tới, còn trong mắt nhân loại thì CM tháng Mười Nga, thời kỳ Xô Viết, chủ nghĩa cộng sản, những cái tên như Lênin, Stalin v.v…chỉ gợi lên những ký ức kinh hoàng của một thứ chủ nghĩa đã giết chết 100 triệu con người tại những quốc gia đi theo con đường này, gấp mấy lần chủ nghĩa phát xít! Và gợi lại một thời kỳ thoái trào của sự tự do, dân chủ, nhường chỗ cho sự độc tài toàn trị và cái ác lên ngôi!
Song, sự vô cảm, vô đạo đức, mông muội ở nước này đâu chỉ dành riêng cho giới quan chức!
Ngay trong đêm 4.11, bất chấp công văn yêu cầu hoãn lại của UBND tỉnh Khánh Hòa, BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 vẫn tổ chức cho thí sinh thi vòng bán kết ngay trên vùng đất tâm bão là Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão vừa mới đi qua, cảnh tan hoang bày ra khắp nơi, VTV vẫn tiếp tục phát sóng, các em thí sinh vẫn tiếp tục cười tươi, phô diễn những đường cong thân thể…
Khoan hãy nói đến những cuộc thi Hoa hậu được tổ chức tràn lan trong những năm qua, tốn kém bao nhiêu tiển của nhưng thực tế chả đem lại lợi lộc gì cho một quốc gia còn nghèo, kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng, nợ công ngày càng cao, và một xã hội còn đang có quá nhiều vấn đề bất công, phi lý phải lo giải quyết; chỉ nói đến chuyện họ cứ tổ chức cho bằng được chỉ vì hoãn một ngày là tốn kém bao nhiêu tiền! Cái tư duy chỉ biết có tiền!
Một thành viên trong Ban Giám khảo, MC Phan Anh còn viết trên facebook trả lời một ý kiến cho rằng nên dừng/hủy cuộc thì trong thời điểm này: Hủy thì được gì hả bạn? Một thành viên khác trong Ban Giám khảo, một cô Á hậu thì viết trên facebook, so sánh: “Bão Damrey đến rồi đi trong đêm, không nhằm gì so với thiệt hại của những cơn bão không hồi kết cho đương kim hoa hậu đâu em ạ… Những bàn tay nõn nà của tôi, đừng bị trầy xước gì nhé’.
Đúng là cuộc thi có dừng thì cũng không giúp ích gì cho bão lũ, nhưng đó là sự chia sẻ, là cái đạo đức làm người tối thiểu! Và đừng so sánh việc phải dừng một cuộc thi với chuyện “Ví dụ như nhà này có đám ma, nhà bên cạnh có đám cưới, thì một bên bớt vui đi một chút cho hợp đạo chứ phải dừng ngày cưới lại mới hài lòng ư?” (MC Phan Anh), hoặc so sánh nỗi đau mất nhà, mất người thân với “bão” dư luận mà các Hoa hậu, Á hậu phải chịu.
Những phát ngôn “hồn nhiên” hay việc cứ tổ chức chương trình, bộc lộ nếp suy nghĩ được hình thành từ trong một xã hội mà con người đã quen với sự vô cảm, điều không tử tế. Cũng giống như các quan chức VN hay thản nhiên dùng những cụm từ “đúng quy trình”, “có kế hoạch”…đều là những suy nghĩ đã thành nếp trong tư duy.
Khi bị dư luận phản ứng, những người đã có những câu phát ngôn phản cảm liền chống chế, xin lỗi, Ban tổ chức thì cho rằng bán kết sau bão nên không ảnh hưởng gì, rằng đã tổ chức cho thí sinh đi thăm hỏi, chia sẻ với bà con và sẽ dành toàn bộ tiền bán vé đêm bán kết để hỗ trợ tiếp, nhưng rõ ràng đó chỉ là những hành động nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận. Còn tấm lòng thực sự hay cái đạo đức tối thiểu đã không có được từ trong những kẻ tổ chức cuộc thi, dàn Giám khảo cho tới toàn bộ đài truyền hình quốc gia, đám biên tập viên thực hiện việc thu hình, phát sóng chương trình này.
Không muốn kể ra hàng loạt những ví dụ về chuyện các nước khác, từ quan chức chính khách cho tới người dân sẽ ứng xử như thế nào khi trong nước có thảm họa, thiên tai.
Chỉ muốn nói rằng khi sự vô cảm đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, lan tràn trong mọi tầng lớp của xã hội, thì dân tộc đó thật sự bất hạnh. Để xây lại từ đầu một mô hình thể chế chính trị, để vực dậy một nền kinh tế, dẫu khó, nhưng vẫn còn ít tốn thời gian hơn xây dựng lại một xã hội mà đạo đức bị suy thoái đến tận cùng, con người không còn có những cảm xúc nhân văn, những tình cảm hướng thiện đối với cuộc đời và với đồng loại!
Nguồn: songchi’s blog
Leave a Comment