‘Bỏ hộ khẩu’: Thủ tướng Phúc ‘ghi điểm TBT’

Phạm Chí Dũng - phamchidung´s blog

- Quảng Cáo -
Những lời có cánh và “có làm vẫn hơn không”

“Một quyết định hợp lòng dân”, “một quyết định thúc đẩy sự phát triển xã hội” hay tính từ xen động từ “vỡ òa sung sướng!”… là một số trong nhiều lời khen tặng có cánh nhưng có vẻ mang chút thực lòng mà các tờ báo nhà nước dành cho Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam bất ngờ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 về việc xóa bỏ nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu.

Ngay cả giới bất đồng chính kiến và giới phản biện xã hội – thường chỉ trích lối suy nghĩ và cách làm việc theo kiểu “cờ lờ mờ vờ” của Thủ tướng Phúc – cũng không còn quá khó tính khi đề cập về ông với một lời khen vừa phải.

Một số trong giới bất đồng chính kiến hy vọng giễu cợt rằng từ sau bản nghị quyết 112 sẽ không còn cái cảnh các nhân viên cảnh sát khu vực, dân phòng cùng lực lượng an ninh cấp trên đập cửa rầm rầm nhà người hoạt động nhân quyền vào lúc nửa đêm để “kiểm tra hộ khẩu” – mà thực chất là một hình thức sách nhiễu hoặc khủng bố, hiểu theo cách nào tùy ý. Thay vào đó, công an có dựng đầu người hoạt động nhân quyền dậy cũng chỉ để kiểm tra… mã số định danh cá nhân.

Với một dân tộc Việt đã bị thuộc tính chịu đựng ăn sâu và quá dễ hài lòng chỉ với một vài động tác mị dân của chính quyền độc đảng, chính sách bỏ hộ khẩu quá trễ – dù mới chỉ trên phương diện phát ngôn chứ chưa hẳn hành động – đã có ý nghĩa “có làm vẫn hơn không”.

“Nhân hòa”
- Quảng Cáo -

Dù mới có được một phần “Địa lợi” và chưa hẳn có “Thiên thời”, Thủ tướng Phúc đã biết “đánh trúng” vào “Nhân hòa”. Trong tình huống này, ông Phúc đã cho thấy ông có triển vọng trở thành một chính trị gia khôn ngoan khi biết tận dụng thời và thế trong một xã hội nháo nhác, bất ổn và dễ động loạn như lúc này.

Một trong những nguyên cớ chưa đến mức gây động loạn nhưng lại khiến 1/20 dân số Việt chán nản và phản cảm nhất đối với đảng và chính quyền là “vòng kim cô” hộ khẩu.

Nhìn từ góc độc chính trị, chế độ hộ khẩu ở Việt Nam rất gần gũi với “người anh em” Trung Quốc. Trong lịch sử phương Bắc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, chế độ “Ngũ gia liên bảo” đã bắt vạ những nhà còn lại trong tổ 5 nhà, nếu có một nhà làm phản triều đình. Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với cơ chế “Propiska” về quản lý nhân khẩu của Liên Xô trước đây. Nhìn chung, đây là một thói quen và cũng là một não trạng rất khó bỏ của các chính quyền quen độc trị. Riêng ở Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tồn tại đến nửa thế kỷ qua.

Những tờ báo nhà nước đã nhân dịp Nghị quyết 122 để “tố khổ” về cái dĩ vãng xã hội của chế độ hộ khẩu chẳng mấy đáng vinh danh kia: người có hộ khẩu chính thức ở các thành phố lớn nhiều khi đã thấy phiền toái nhưng phải là dân ngoại tỉnh, ngụ cư ở các thành phố lớn mới thấu hiểu nỗi khổ của người không có hộ khẩu thường trú. Đã có thời, muốn mua nhà Hà Nội, muốn đăng ký xe máy biển số Hà Nội, muốn xin việc ở Hà Nội hay Sài Gòn… thì phải có hộ khẩu ở thành phố đó. Những tưởng quản lý hành chính bằng hộ khẩu sẽ hiệu quả nhưng không, thực tế nó mang lại quá nhiều phiền toái, tiêu cực, là mảnh đất màu mỡ cho các cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực, công việc liên quan kiếm tiền, “hành” dân. Nhiều người dân đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để có được sổ hộ khẩu. Và suy đến cùng thì phần ấm ức, thiệt thòi vẫn thuộc về người dân. Đã có vô số những câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan sổ hộ khẩu. Ai cũng thấy, sổ hộ khẩu thực sự là lực cản vô cùng lớn trong thực hiện các thủ tục hành chính, trong quyền tiếp cận các loại dịch vụ công của người dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng… nhưng không thể thay đổi.

Một nguyên do để bỏ chế độ hộ khẩu mà báo đảng không quên nhấn mạnh: việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 là phù hợp với các quy định hiện hành, các quyền hiến định của công dân (quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do tìm việc làm…), cũng như thông lệ quốc tế…

“Thông lệ quốc tế” nào?

WB đã khuyến nghị từ 4 năm trước!

Từ năm 2013 khi Việt Nam ôm ấp động cơ “chuẩn bị tích cực tham gia vào Hiệp định TPP” và sau chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước khi đó là Trương Tấn Sang, vấn đề bỏ hộ khẩu đã được Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp với những cơ quan nghiên cứu của Việt Nam tổ chức khảo sát tại một số địa phương.

Về mặt xã hội, báo cáo của WB cho biết có khoảng 5,6 triệu người dân không có hộ khẩu mà do đó đã phải chịu tình cảnh bất tương xứng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, đăng ký xe… Đây cũng là những vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã thừa nhận từ lâu nay, tuy chưa chịu tiến hành các biện pháp để cải thiện.

Vào đầu năm 2014, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Geneve đã xuất hiện khuyến nghị bỏ cơ chế hộ khẩu đối với Việt Nam. Khi đó, chính thể Hà Nội không trả lời.

Nhưng đến năm 2017, bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam đang khiến chế độ này “bơi” và có nguy “chìm” nếu không vay mượn được tín dụng quốc tế. Cũng bởi thế, đây là cơ hội để những khuyến nghị về nhân quyền của các tổ chức quốc tế có điều kiện “đưa ánh sáng nghị quyết vào thực tiễn” hơn hẳn.

Nhưng cũng còn một nguồn cơn khác không kém sống còn.

Với Nghị quyết 122, Thủ tướng Phúc đã vượt qua những đối thủ của ông để ghi một điểm quan trọng: “Điểm TBT”.

“Điểm TBT” là gì?

Tổng bí thư!

Từ khoảng nửa năm trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Xuân Phúc từ vai trò cấp phó mà trong thực tế chỉ là một cái bóng của Nguyễn Tấn Dũng, đã manh nha lọt vào “mắt xanh” của “cặp đôi hoàn hảo” Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang. Tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, ông Phúc đã chính thức trở thành thủ tướng và mang lại vòng nguyệt quế “vua” cho quê hương Quảng Nam của ông. Nhiều người đã thừa nhận rằng đó là một kết quả khá bất ngờ.

Nhưng “sao chiếu mệnh” với Nguyễn Xuân Phúc vẫn có vẻ muốn lóe sáng hơn nữa. Từ cuối năm 2016 đến nay, cùng với hai trường hợp “bỗng dưng bị bệnh” là Thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc bất chợt lại một lần nữa nổi bật vai trò ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư, nếu một mai Nguyễn Phú Trọng – hoặc vì lý do tuổi cao sức yếu, hoặc quá mệt mỏi trong công cuộc “chống tham nhũng” chẳng đi tới đâu, hoặc phải chịu một sức ép đủ sức công phá từ phía các đối thủ chính trị mà vào lúc này đã có dấu hiệu họ biết cách liên minh với nhau, dù chỉ là mối liên minh tạm thời – buộc phải “nghỉ”.

Cần nhắc lại, cả Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang – theo thứ tự người trước kẻ sau – đều là những ứng cử viên hạng nặng cho chức vụ tổng bí thư, sau một “thái tử đảng” trong quá khứ là Phạm Quang Nghị nhưng đã bị “biệt tích” tại đại hội 12.

Cho tới nay, cuộc chạy đua vừa ngấm ngầm vừa công nhiên vào ghế tổng bí thư ngày càng rộn rã và quyết liệt. Ngoài Trần Đại Quang có dấu hiệu “đang khỏe lại”, đã xuất hiện thêm một người được dư luận cho là ứng cử viên tiếp theo: Trần Quốc Vượng – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương và kiêm một chức vụ chưa từng được liệt kê trong điều lệ đảng: “Thành viên thường trực ban bí thư”.

Nhưng sẽ có cơ hội hơn hẳn cho Nguyễn Xuân Phúc để trở thành tổng bí thư tại đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 hoặc tại đại hội lần thứ 13 của đảng cầm quyền vào năm 2021, nếu còn có đại hội 13 này. Đó là trội hơn hẳn các đối thủ chính trị khác, Nguyễn Xuân Phúc đang trở thành nhân vật không chỉ có thâm niên làm phó thủ tướng và am hiểu nghề “tay hòm chìa khóa” của chính quyền và cả cho đảng, mà còn là thành viên hiếm hoi trong Bộ Chính trị biết cách và có một khả năng – dù chỉ ở mức khiêm tốn – kiếm tiền từ trong nước và quốc tế để nuôi bộ máy chính quyền và đương nhiên cả bộ máy của đảng.

Với lợi thế đó, dù đảng hay Tổng bí thư Trọng muốn hay không, Nguyễn Xuân Phúc vẫn đang trở thành ứng cử viên thực tế nhất cho ghế tổng bí thư.

Tuy khởi động “chính phủ kiến tạo và hành động” khá muộn màng, nhưng từ giữa năm 2017 đến nay, Thủ tướng Phúc đã vừa thao tác vừa “gợi ý” được hai việc quan trọng: sau chỉ đạo của ông Phúc, Bộ Công thương đã lần đầu tiên tự cắt bỏ hơn 600 giấy phép con, tương đương khoảng hơn 50% số thủ tục trong thẩm quyền của bộ này, cho dù vẫn còn một số giấy phép con được cắt giảm theo cách “gom nhiều gạch đầu dòng nhỏ thành một gạch đầu dòng lớn nhưng không mất đi nội dung nào của các gạch đầu dòng nhỏ”; và động tác thứ hai là “bỏ hộ khẩu”.

Nhưng khi nào mới bỏ?

Còn lâu!

Một số tờ báo nhà nước đã hoan hỉ quá sớm khi thốt lên “Vĩnh biệt hộ khẩu!”.

Chỉ vài ngày sau Nghị quyết 112 của Chính phủ về “bỏ hộ khẩu”, nỗi vui mừng quá sớm đã bị xẹp bớt. Thông tin từ giới chức công an – cơ quan luôn xem hộ khẩu là một công cụ hành chính không chỉ quản lý xã hội mà còn quản lý chính trị của chế độ Việt Nam và trong thực tế quyết định chuyện có muốn bỏ hộ khẩu hay không, cho biết trong hiện tại, chính quyền Việt Nam mới “thí điểm cấp mã số định danh cá nhân” ở 4 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến năm 2019, Bộ Công An mới hoàn tất thông tin của hơn 90 triệu cư dân.

Một đại diện Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu tại thời điểm hiện tại là “chưa thể được”. Lý do vì “Chúng ta chỉ có thể bỏ sau khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Cũng theo vị đại diện trên, việc bỏ sổ hộ khẩu cần phải có “lộ trình”, và ít nhất cũng phải đến năm 2020, chứ không phải năm 2019, “may ra mới thực hiện được”.

Tại sao chuyện bỏ hộ khẩu lại có độ trễ kinh hoàng đến 3 năm, tính từ năm 2017 “ra nghị quyết”?

Những giải thích như thể “nói lại cho rõ” của giới chức công an đã làm lộ ra một khoảng trống mênh mông: “bỏ hộ khẩu”, cho dù đã được thể hiện bằng một nghị quyết chính thức, mới chỉ là “ý tưởng” của Chính phủ và mang tính hứa hẹn nhiều hơn là làm thật. Một cơ chế mã số định danh cá nhân chỉ được chính thức thay thế cho hộ khẩu khi Bộ Công an hoàn tất cơ sở dữ liệu cho 90 triệu người Việt. Nếu giới chức công an đã mông lung về “năm 2020” thì cũng có thể hiểu là “hạn chót” sẽ rất có thể kéo dài qua năm 2020 một vài năm, thậm chí là nhiều năm, để từ đây đến đó hộ khẩu vẫn là hộ khẩu và vẫn có đến 6 – 7 triệu người dân bị đối xử bất công.

Cứ xem cái cách Bộ Công an “ngâm tôm” Luật Biểu tình từ năm 2011 đến nay, mà thậm chí cho đến giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi nào về dự luật khốn khổ quyền dân này, thì đủ biết “thành tâm” của ngành công an là như thế nào trong cơ chế “hành dân là chính”.

Dấu hỏi còn lại là tại sao Thủ tướng Phúc không chờ đến khi Bộ Công an hoàn tất cơ sở dữ liệu rồi mới chính thức thông báo chính sách bỏ hộ khẩu?

Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào cá nhân ông Phúc và… ghế tổng bí thư.

Hứa hẹn, dù có quá sớm, vẫn luôn ngọt ngào cho 90 triệu người Việt đã quá quen với vô số hứa hẹn không mang tính “định danh” của “đảng và nhà nước ta” từ bao nhiêu năm qua.

- Quảng Cáo -

17 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here