“Bỏ hộ khẩu”: Khi nào mới bỏ thực chất?

Thiền Lâm - Cali Today

Sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng. Ảnh: Vnmedia
Sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng. Ảnh: Vnmedia
- Quảng Cáo -

Một số tờ báo nhà nước đã hoan hỉ quá sớm khi thốt lên “Vĩnh biệt hộ khẩu!”.

Bởi với ngành công an Việt Nam, khó có gì là thực chất.

Chỉ vài ngày sau Nghị quyết 112 của Chính phủ về “bỏ hộ khẩu”, nỗi vui mừng quá sớm của báo chí và công luận đã bị xẹp bớt. Thông tin từ giới chức công an – cơ quan luôn xem hộ khẩu là một công cụ hành chính không chỉ quản lý xã hội mà còn quản lý chính trị của chế độ Việt Nam và trong thực tế quyết định chuyện có muốn bỏ hộ khẩu hay không, cho biết trong hiện tại, chính quyền Việt Nam mới “thí điểm cấp mã số định danh cá nhân” ở 4 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến năm 2019, Bộ Công An mới hoàn tất thông tin của hơn 90 triệu cư dân.

Một đại diện Cục Cảnh sát ghi danh, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu tại thời điểm hiện tại là “chưa thể được”. Lý do là vì “Chúng ta chỉ có thể bỏ sau khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

- Quảng Cáo -

Cũng theo vị đại diện trên, việc bỏ sổ hộ khẩu cần phải có “lộ trình”, và ít nhất cũng phải đến năm 2020, chứ không phải năm 2019, “may ra mới thực hiện được”.

Tại sao chuyện bỏ hộ khẩu lại có độ trễ kinh hoàng đến 3 năm, tính từ năm 2017 “ra nghị quyết”?

Những giải thích như thể “nói lại cho rõ” của giới chức công an đã làm lộ ra một khoảng trống mênh mông: “bỏ hộ khẩu”, cho dù đã được thể hiện bằng một nghị quyết chính thức, mới chỉ là “ý tưởng” của Chính phủ và mang tính hứa hẹn nhiều hơn là làm thật. Một cơ chế mã số định danh cá nhân chỉ được chính thức thay thế cho hộ khẩu khi Bộ Công an hoàn tất cơ sở dữ liệu cho 90 triệu người Việt. Nếu giới chức công an đã mông lung về “năm 2020” thì cũng có thể hiểu là “hạn chót” sẽ rất có thể kéo dài qua năm 2020 một vài năm, thậm chí là nhiều năm, để từ đây đến đó hộ khẩu vẫn là hộ khẩu và vẫn có đến 6 – 7 triệu người dân bị đối xử bất công.

Cứ xem cái cách Bộ Công an “ngâm tôm” Luật Biểu tình từ năm 2011 đến nay, mà cho đến nay vẫn chẳng thấy tăm hơi nào về dự luật khốn khổ quyền dân này, thì đủ biết “thành tâm” của ngành công an là như thế nào trong cơ chế “hành dân là chính”.


Bài liên quan:
Từ loa phường đến hộ khẩu
Vĩnh biệt sổ hộ khẩu


Nhìn từ góc độc chính trị, chế độ hộ khẩu ở Việt Nam rất gần gũi với “người anh em” Trung Quốc. Trong lịch sử phương Bắc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, chế độ “Ngũ gia liên bảo” đã bắt vạ những nhà còn lại trong tổ 5 nhà, nếu có một nhà làm phản triều đình. Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với cơ chế “Propiska” về quản lý nhân khẩu của Liên Xô trước đây. Nhìn chung, đây là một thói quen và cũng là một não trạng rất khó bỏ của các chính quyền quen độc trị. Riêng ở Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tồn tại đến nửa thế kỷ qua.

Đã từ lâu, báo nhà nước đã viết không ít bài phản ánh về những nhiêu khê của “nạn hộ khẩu”: “người có hộ khẩu chính thức ở các thành phố lớn nhiều khi đã thấy phiền toái nhưng phải là dân ngoại tỉnh, ngụ cư ở các thành phố lớn mới thấu hiểu nỗi khổ của người không có hộ khẩu thường trú. Đã có thời, muốn mua nhà Hà Nội, muốn đăng ký xe máy biển số Hà Nội, muốn xin việc ở Hà Nội hay Sài Gòn… thì phải có hộ khẩu ở thành phố đó. Những tưởng quản lý hành chính bằng hộ khẩu sẽ hiệu quả nhưng không, thực tế nó mang lại quá nhiều phiền toái, tiêu cực, là mảnh đất màu mỡ cho các cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực, công việc liên quan kiếm tiền, “hành” dân. Nhiều người dân đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để có được sổ hộ khẩu. Và suy đến cùng thì phần ấm ức, thiệt thòi vẫn thuộc về người dân. Đã có vô số những câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan sổ hộ khẩu. Ai cũng thấy, sổ hộ khẩu thực sự là lực cản vô cùng lớn trong thực hiện các thủ tục hành chính, trong quyền tiếp cận các loại dịch vụ công của người dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng… nhưng không thể thay đổi”.

Cần nhắc lại, từ năm 2013 khi Việt Nam ôm ấp động cơ “chuẩn bị tích cực tham gia vào Hiệp định TPP” và sau chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước khi đó là Trương Tấn Sang, vấn đề bỏ hộ khẩu đã được Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp với những cơ quan nghiên cứu của Việt Nam tổ chức khảo sát tại một số địa phương.

Về mặt xã hội, báo cáo của WB cho biết có khoảng 5,6 triệu người dân không có hộ khẩu mà do đó đã phải chịu tình cảnh bất tương xứng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, đăng lý xe… Đây cũng là những vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã thừa nhận từ lâu nay, tuy chưa chịu tiến hành các biện pháp để cải thiện.

Vào đầu năm 2014, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Geneve đã xuất hiện khuyến nghị bỏ cơ chế hộ khẩu đối với Việt Nam. Nhưng khi đó, chính thể Hà Nội đã không trả lời.

Nhưng đến năm 2017, bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam đang khiến chế độ này “bơi” và có nguy “chìm” nếu không vay mượn được tín dụng quốc tế.

Chưa kể cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt vừa mới xảy ra…

Cũng bởi thế, đây là cơ hội để những khuyến nghị về nhân quyền của các tổ chức quốc tế có điều kiện “đưa ánh sáng nghị quyết vào thực tiễn” nhiều hơn. Rất có thể, đó chính là nguồn cơn khiến chính phủ và cả Bộ Công an – cơ quan luôn chính trị hóa việc quản lý đầu dân và cả não dân theo hộ khẩu – đã buộc phải nhân nhượng với đòi hỏi xóa bỏ cơ chế hộ khẩu, tuy vẫn đang tìm cách “câu giờ”.

- Quảng Cáo -

14 CÁC GÓP Ý

  1. Bọn này không bao giờ nó làm gì có lợi cho dân ! Chúng chỉ xem chúng ta như những con vịt để chúng vặt lông ! Mọi người đấu tranh dân chủ mà lại dễ tin cộng sản nói quá dân ta xập bẫy biết bao lần rồi ?

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here