Mẫn Nhi
Từ năm 2013 đến năm 2017 chẳng khác gì nhau trong cách nhà nước quy chuẩn hóa “sự quan tâm”, và điều này quay ngược – đâm chết sự quan tâm chính trị trong giới trẻ.
Phải rất lâu mới thấy một ĐBQH lo lắng cho giới trẻ và tương lai quốc gia qua giới trẻ. Mới đây nhất, ông ĐBQH Đặng Thuần Phong – ĐBQH Bến Tre đã phát biểu: Giới trẻ không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có lý tưởng phấn đấu, thờ ơ với thế cuộc. Nhân cách của lớp trẻ đang bị gặm nhấm và tha hóa.
Thực ra quan điểm của ông Đặng Thuần Phong là đúng, nếu phát biểu trong…. phòng lạnh. Và nếu ông ĐBQH học hỏi ông Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc “không dùng mạng xã hội”.
Bởi nếu có thời gian tương tác trên mạng xã hội, chỉ với từ khóa “phản động” trên thanh tìm kiếm của Facebook, nó sẽ cho ra rất nhiều fanpage, trong đó có cả “phía ta, phía địch”, nhưng quan trọng là, lượng comment, like, share xuất phát nhiều ở giới trẻ.
Phẫn nộ, chửi Cộng sản hay bênh vực Cộng sản, những người trẻ đã và đang chứng minh cho sự quan tâm của mình đối với vấn đề quốc gia, dân tộc (chính trị).
Những sự kiện xảy ra gần đây, như biệt phủ Yên Bái cho đến việc VTV tổ chức Hoa hậu hoàn vũ trong bối cảnh cơn bão số 12 đổ ập vào miền Trung đều có sự tương tác từ giới trẻ. Lý do để bài viết biết chắc chắn điều này vì vào năm nay, Việt Nam xếp thứ 7 về số lượng người dùng Facebook với 64 triệu người dùng, trong đó 2/3 là giới trẻ với thời lượng dùng trung bình là 5 giờ/ ngày.
Trước đó, những gương mặt dược bắt gặp nhiều nhất trong phong trào biểu tình chống giàn khoan HD-981; lên án thảm họa môi trường Formosa hay phong trào Cây xanh (Hà Nội) là… giới trẻ!
Quan tâm là chuyện có thật, tương tác với chính trị qua sự kiện là có thật, tuy nhiên, giới trẻ chưa bao giờ trở thành đối tượng để nhà nước ghi nhận nguyện vọng, đóng góp về mặt chính trị.
Lý do là bởi, nhà nước đặt ra một vòng tròn phép, mà nơi đó chỉ được phép phát biểu, đóng góp và nhận thức trong mối quan hệ của Đảng. Có hàng ngàn bài viết đề cập đến vấn đề này, và bao năm qua dường như mọi thứ đều được tái hiện lại nguyên tác.
Không đâu xa và rõ nét hơn qua các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, chính trị, pháp luật, mà Đoàn TNCS HCM là tổ chức tuyên truyền, phổ biến cuộc thi đến với giới trẻ lại chi làm mỗi việc là đôn đốc đủ số lượng bài viết cho đủ chỉ tiêu mà cấp trên phân bổ, giao phó nhằm “lập thành tích chào mừng”.
Vậy là giới trẻ lần đầu còn hứng thú, lần hai – lần ba tiếp diễn trong “phong trào” như vậy lấy dần họ sự nhiệt tâm. Ngoài ra, một sự tìm hiểu với đáp án cho sẵn, với khuôn mẫu không cho phép tự ý thức cũng bào mòn sự tương tác của thanh niên đối với chính trị quốc gia.
Ví dụ hai là về ứng cử ĐBQH, lý thuyết rất đẹp, nhưng thực tế thì sao? Giới trẻ với sự độc lập của mình đã bị loại trừ thẳng tay trong quá trình tiến tới làm ĐBQH, bởi số lượng ĐBQH đã được chính quyền cơ cấu và phân bổ hết về mặt thực tế.
Cũng là bởi, thế hệ lãnh đạo của một nước Việt Nam hiện nay chưa thực sự mạnh dạng đặt niềm tin, cơ hội vào năng lực giới trẻ. Và kết quả, giới trẻ dù cố gắng định hướng chính trị, thì bị phía nhà nước dán nhãn “hoài nghi”.
Hãy để giới trẻ yêu thích và ghét bỏ bất kỳ một nhân vật lịch sử hay một lãnh đạo nào đó của Đảng và Nhà nước, đó là yếu tố cốt lõi để xóa bỏ sự thờ ơ chính trị trong đội ngũ chủ nhân tương lai quốc gia. Tuy nhiên, ngay cả sự yêu ghét thông thường này lại khiến giới trẻ dễ lao vào vòng lao lý với áp tội danh “hoạt động xuyên tạc, bịa đặt và lan truyền những nội dung sai sự thật nhằm gây mất uy tín của lãnh đạo cấp cao”, và bị đề xuất là xử lý hình sự.
Câu chuyện Chính trị của nhà nước và sự quan tâm của giới trẻ đã trở thành thách đố của chính giới trẻ Việt Nam. Bởi như đề cập trên, nó không những không được hỗ trợ, mà còn bị thách thức bởi chính thể chế, người trẻ phải vượt qua những cạm bẫy về tội danh, những lằn ranh về sợ hãi, và thậm chí trả giá cho chính sự “quan tâm chính trị” của mình bằng hình phạt lao tù.
Sinh viên Phan Kim Khánh “tự ý thức chính trị”, kết quả bị tù.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên “quan tâm chính trị”, kết quả bị tù.
Từ năm 2013 đến năm 2017 chẳng khác gì nhau trong cách nhà nước quy chuẩn hóa “sự quan tâm”, và điều này quay ngược – đâm chết sự quan tâm chính trị trong giới trẻ.
Tóm lại, trước khi phê phán giới trẻ, hãy đặt mình vào giới trẻ, bằng sự độc lập, trong môi trường thể chế hiện nay. Thay vì tiến thân bằng chế độ “tập ấm” và phê phán giới trẻ với sự phiến diện, phi thực tế.
Hay chính những người như ĐBQH Đặng Thuần Phong với tư duy như thế đã “gặm nhấm và tha hóa” giới trẻ.
Leave a Comment