Cuối cùng thì cuốn sổ hộ khẩu, một tàn tích dai dẳng của lề lối quản lý hành chính lạc hậu, của chế độ bao cấp lỗi thời, đã chính thức bị thải bỏ. Nó đã làm xong nhiệm vụ của nó, dù thứ nhiệm vụ ấy chẳng lấy gì làm vinh quang cho lắm.
Bỏ sổ hộ khẩu, đó là tin vui, nhưng là thứ “vui sao nước mắt lại trào”. Nghị quyết số 112/NQ-CP được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 30.10.2017 về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an, đã quyết định nhiều điều liên quan đến hộ khẩu. Đáng lưu ý nhất là: Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân; Bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và chính phủ đương nhiệm đã thể hiện thái độ dứt khoát đối với một thứ công cụ hết tác dụng, thậm chí phản tác dụng, cực kỳ vô lý trong đời sống xã hội hiện nay. Ân huệ cuối cùng mà Thủ tướng ban phát cho sổ hộ khẩu là nó được phép sống trọn nốt tháng 10, chỉ chính thức bị đào thải khi cuộc sống xã hội Việt Nam bước vào ngày đầu tiên của tháng 11. Sau này, các niên biểu, các nhà chép sử sẽ dõng dạc nhấn cây bút với nét mực thật đậm mà biên rằng: Kể từ ngày 1.11.2017, sổ hộ khẩu chính thức hết thời, không còn tác oai tác quái như trước nữa.
Kể ra, bây giờ mới bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chính sách quản lý con người và xã hội bằng hộ khẩu cũng là quá muộn. Cuộc sống thay đổi, chuyển biến, đi lên, tiến bộ không ngừng, đáng nhẽ những nhà làm chính sách, nhà quản lý phải bắt kịp những thay đổi đó, nhưng trong rất nhiều chục năm có những thứ cứ dậm chân tại chỗ trong sự cổ hủ, lạc hậu. Sổ hộ khẩu là minh chứng rõ nhất.
Nói một cách công bằng, đã có thời gian dài, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, rồi tiếp đó là những năm tháng dưới “ách bao cấp” khi vật chất, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ đường, thì sổ hộ khẩu làm nhiệm vụ quản lý của nó. Không có sổ hộ khẩu, không thể nắm được tương đối chính xác số lượng con người để huy động vào việc thực hiện những nhiệm vụ thời đại, như người lính ra chiến trường, người lao động ở lại hậu phương, người đi học, người được chuẩn bị cho mai sau, v.v.. Không có hộ khẩu, sẽ khó mà phân phối lượng hàng hóa quá ít ỏi cho số đông người đang chịu cảnh thiếu thốn. Cuốn sổ hộ khẩu có lúc được coi là căn cứ pháp lý cụ thể nhất để chứng minh sự tồn tại của hộ gia đình, của từng cá nhân trong đời sống. Không có sổ hộ khẩu, dù đang sống sờ sờ ra đó vẫn là siêu hình, là bất hợp pháp.
Cuốn sổ hộ khẩu, nói chính xác, từng có uy lực ghê gớm. Muốn di chuyển nơi này nơi khác trên đất nước mình, đi học, đi làm, thậm chí đi bộ đội, làm giấy tờ xác nhận lý lịch, yêu nhau lấy nhau, vào đoàn vào đảng, khai sinh khai tử, mua nhà mua đất, bán xe bán cộ… mà không có hộ khẩu, không chuyển được khẩu, cũng đành bó tay. Không hộ khẩu, không có tên trong cuốn sổ mỏng tanh nhưng nặng nghìn cân ấy, thì bị coi là người ngoài xã hội, chả ai dám nhận, dám dùng. Không hộ khẩu, sẽ không có gạo, nước, điện, than, dầu, thịt cá, đậu phụ, vải vóc quần áo, xe cộ, trăm thứ trên đời. Mất sổ hộ khẩu, chẳng khác gì tự đặt gia đình mình, bản thân mình ra ngoài trật tự xã hội, thậm chí ngoài vòng pháp luật. Thành ngữ của một thời “bị cắt hộ khẩu”, “mất sổ hộ khẩu” nói lên sự thất vọng tột cùng của con người khi họ cảm thấy bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống hợp pháp. Quan trọng đến mức, mất sổ hộ khẩu, dù sống sờ sờ ra đó nhưng cũng không có quyền làm người.
Buồn cười nhất là cái gì cũng đòi hộ khẩu. Muốn mua cái nhà không được bởi không có hộ khẩu thì không làm được giấy tờ sang tên. Muốn nhập được khẩu vào thành phố thì nhà chức việc lại vặn hỏi đã có nhà chưa. Mua nhà phải có hộ khẩu, nhập khẩu phải có nhà, cái sự vô lý ấy kéo dài suốt bao nhiêu năm trời, dân tình oán thán nhưng cứ cắn răng chịu bởi nhà nước bảo sao phải làm vậy. Chính sách quản lý bằng hộ khẩu dần dần trở thành tai họa cho dân lành.
Sổ hộ khẩu, với chính quyền thì đó là công cụ quản lý chặt chẽ, hữu hiệu, cần thiết; nhưng với nhân dân, đó là chiếc vòng kim cô trói buộc, một thứ tai ách mà họ phải gồng mình gánh chịu. Cởi bỏ được vòng kim cô-sổ hộ khẩu, không khác gì được tháo cũi sổ lồng, sống thuận lẽ tự nhiên, thuận theo trào lưu tiến bộ.
Xã hội Việt Nam hiện đại sau năm 1975 từng chứng kiến những cuộc tháo cởi mang tính đột phá, như bãi bỏ lối làm ăn tập thể hợp tác xã nông nghiệp lạc hậu, trì trệ, thay vào đó bằng khoán hộ, khoán sản phẩm; bỏ cơ chế bao cấp, kinh tế tập trung máy móc, cho phép mở rộng thị trường, thương nghiệp nhiều thành phần; bỏ tư duy kinh tế nhà nước thống soái, cho phép phát triển kinh tế tư nhân; bỏ ngăn sông cấm chợ, cho phép buôn bán tự do… Nay thì thêm một bước đột phá quan trọng cực kỳ: Bỏ sổ hộ khẩu.
Thực ra, nói cho cùng, bỏ sổ hộ khẩu không phải là công lao thành tích gì, chỉ là sự quay trở về điều bình thường của cuộc sống, điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng, người dân đã được thụ hưởng, nhưng ở ta thì thành quý hiếm, chật vật vươn tới.
Cuốn sổ hộ khẩu tai ách này nay bị xóa sổ, nhưng có lẽ chúng ta phải lưu lại vài cuốn như một thứ chứng tích về loại công cụ đè nén, kìm hãm xã hội và con người kéo dài suốt bao năm. Cho con cháu đến ngắm và kinh.
Leave a Comment