Lương hưu 1 triệu 3 và 101 triệu đồng: Ai bảo hiểm cho niềm tin đã mất?

Thảo Vy - Việt Nam Thời Báo

- Quảng Cáo -

Mức lương hưu của nữ giáo viên 1,3 triệu đồng/tháng hiện đang xôn xao chốn Nghị trường Quốc hội là chuyện của hưu trí năm 2017. Sang năm 2018, mức lương hưu này dành cho các cô giáo còn có thể ít hơn, khi khoản 2 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực thi hành.

Bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết hiện toàn quốc có 3.228 người có mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng; có người chỉ nhận 100 ngàn đồng/tháng. Dĩ nhiên vẫn có một trường hợp ngoại lệ là có một người tại TP.HCM đang nhận lương hưu tới 101 triệu đồng/tháng.

Bảo hiểm xã hội: góc nhìn… tuyên giáo

Tuyên truyền viên của các tổ chức công đoàn gần như thuộc nằm lòng nội dung đại khái như sau khi kêu gọi đóng BHXH bắt buộc ở các doanh nghiệp: “Quỹ BHXH là một nguồn tài chính độc lập ngoài ngân sách Nhà nước do các bên tham gia BHXH đóng góp nhằm phân phối lại theo luật định cho mọi thành viên khi bị ngừng hoặc giảm thu nhập gây ra do tạm thời hay vĩnh viễn mất khả năng lao động.

Quỹ BHXH không những tác động tới quá trình phát triển kinh tế của đất nước mà còn góp phần tạo ra những cơ sở sản xuất kinh doanh mới, việc làm mới cho người lao động, từ đó giải quyết tình trạng thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động… dưới nhiều hình thức khác nhau như hình thức đầu tư phát triển phần “nhàn rỗi” của quỹ.

- Quảng Cáo -

Như vậy, BHXH là một trong những chính sách xã hội quan trọng không thể thiếu của mỗi quốc gia nhằm ổn định đời sống kinh tế- xã hội và góp phần làm vững chắc thể chế chính trị”.

Xem ra thì “thể chế chính trị” ở Việt Nam hiện nay rất đổi âu lo.

Bảo hiểm xã hội: an sinh hay hầu bao tư túi?

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, để hưởng mức lương hưu tối đa 75% thì lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm. Nhiều người cho rằng đây là một kiểu kéo dài tuổi hưu của lao động nữ trá hình của nhóm những người soạn thảo ở Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội và Bộ Tài chính. Dĩ nhiên hưởng lợi dễ thấy nhất ở đây chính là doanh nghiệp Nhà nước có tên “Bảo hiểm xã hội Việt Nam”, hiện do Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Minh là Tổng Giám đốc. Bà Minh đặc trách theo dõi chuyện thu cho BHXH tại Hà Nội, TP.HCM, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Người đứng đầu tổ chức Bảo hiểm xã hội là nữ, song chính sách an sinh dành cho nữ giới lại bị bóp chẹt.

Dễ nhận thấy rằng trong tình hình đóng BHXH xập xình của các doanh nghiệp như hiện nay, thì để có đủ 20 năm đóng BHXH – mức tối thiểu để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi, đã là quá khó đối với lao động nữ. Trừ lao động nữ có trình độ cao trong khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, còn lại thời gian đóng BHXH 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa, là mục tiêu khó với tới đối với lao động khu vực ngoài nhà nước.

Sở dĩ nhấn mạnh đến bà Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh, vì trong khi lao động nam việc tăng số năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa, có lộ trình kéo dài đến năm 2022, thì đối với nữ lại thực hiện đột ngột ngay năm 2018, điều này là một cái tát vào chính sách lao động nữ.

“Quy định đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì không được lãnh trợ cấp một lần khi nghỉ việc, mà phải chờ đủ tuổi để nhận lương hưu là không thỏa đáng. Nhiều doanh nghiệp bây giờ chỉ tuyển lao động trẻ, tìm cách đẩy lao động lớn tuổi ra đường.

Tôi năm nay 40 tuổi, giả sử tôi đóng BHXH được 20 năm thì phải chờ thêm 15 năm, hoặc nhiều hơn nữa mới được lãnh lương hưu. Từ giờ tới đó tôi làm gì để sống, để có tiền đóng BHXH thêm nhiều thời gian để hưởng mức lương hưu cao hơn? Khó lắm vì không có công ty nào chịu nhận lao động lớn tuổi như tôi, còn đóng BHXH tự nguyện thì lấy đâu ra tiền?

May quá, tôi đóng BHXH mới 16 năm” – chị Nguyễn Thị Nga, vừa nghỉ việc tại Công ty P.Y (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết như vậy.

Bảo hiểm xã hội: người giàu càng giàu thêm

Tại cuộc họp hôm 31-10, bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết hiện cả nước có 3.228 người có mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng. Phía BHXH của bà Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nói rằng người lao động đóng BHXH bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, đó là lẽ công bằng (!?).

Người viết đồng ý quan điểm đó từ phía bà Thứ trưởng Bộ Tài chính. Đóng cao để hưởng cao, đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng có câu hỏi lại, tiền đâu để đóng trong khi công chức, viên chức nhận lương không đủ sống; người lao động được trả lương bèo bọt và chủ doanh nghiệp thì đang kêu gào tỉ lệ đóng BHXH quá cao dẫn đến chi phí sản xuất cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm?

Hơn nữa, đóng cao, đóng nhiều có bảo đảm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động được bảo toàn, không bị mang đi đầu tư ở đâu đó rồi mất hút hàng ngàn tỉ đồng hay không? Đóng cao, đóng nhiều có bảo đảm quỹ không bị đổ vào xây trụ sở hoành tráng; tiền lương, thưởng của nhân viên ngành BHXH cao ngất trời hay không?

Ngoài ra, có phải là “đóng cao thì hưởng nhiều” theo nghĩa ‘tích lũy an sinh” của người lao động trong vòng đời làm việc của mình như lý thuyết về bảo hiểm?

Thử tính về trường hợp ông N.T. cựu tổng giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP.HCM đang nhận mức lương hưu được cho là cao nhất nước hiện nay: 101 triệu đồng/ tháng.

Trước năm 2010, ông T. là tổng giám đốc một công ty FDI, sau năm 2010 ông làm ở một công ty tư vấn toàn cầu. Ông T. đóng BHXH được 23 năm 3 tháng. Mức lương đóng BHXH trước năm 2007 từ 90 triệu đồng đến gần 250 triệu đồng/tháng. Sau năm 2007, từ ngày Luật BHXH mới có hiệu lực đã khống chế mức trần, chỉ được đóng đến 20 lần mức lương cơ sở. Tháng cuối trước khi nghỉ hưu ông T. đóng BHXH 23 triệu đồng/tháng. Khi nghỉ hưu vào tháng 4-2015, lương hưu của ông T. đã 87 triệu đồng. Đến nay, qua hai lần điều chỉnh, lương hưu của người này đã hơn 100 triệu đồng/tháng, kèm lý giải từ cơ quan BHXH: “Lương hưu của ông T. cao là do ông T. đóng BHXH cao cho những năm trước năm 2007, hưởng lương bao nhiêu đóng BHXH bấy nhiêu”.

Tính một bài toàn đơn giản thì nếu mang gửi nhà băng, ông T. vẫn lỗ: đóng bảo hiểm 23 năm 3 tháng là 279 tháng, trung bình một tháng khoảng 100 triệu đồng. Như vậy ông T. đóng tổng cộng 28 tỷ đồng và lương hưu hiện nay là trên 100 triệu/ tháng chút đỉnh, nghĩa là vẫn ít hơn nếu gửi tiết kiệm lãi 7%/năm thì ông T. còn được 163 triệu/tháng.

Tạm gác chuyện lời lỗ từ BHXH, ở đây vấn đề chính là cho đến nay người lao động lẫn phía chủ doanh nghiệp vẫn chưa thấy tính tích cực của cơ quan quản lý quỹ BHXH này, kể cả mặt giá trị lẫn ưu thế bảo hiểm.

Có ai bảo hiểm cho niềm tin đã bị mất?

Hiện nay, người lao động chẳng mặn mà gì với BHXH, trừ khi tham gia BHXH bắt buộc vì đã có người sử dụng lao động gánh vác phần lớn phí BHXH. Tuy nhiên, BHXH đang tìm mọi cách để nâng cao mức đóng, nhưng cũng tìm mọi cách để hạ thấp mức lương hưu của người lao động.

Các cơ quan BHXH đều xây dựng trụ sở bề thế, nhưng ít người làm việc gây lãng phí tiền quỹ. Mặt khác Qũy BHXH lại đầu tư tùy tiện và lợi nhuận thu được chỉ đem lại lợi ích cho nội bộ BHXH. Khi bị nợ xấu, vỡ quỹ thì người lao động phải hứng chịu.

“Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là một người phụ nữ, một người vợ, người mẹ trong gia đình. Hẳn bà cũng hiểu những vất vả nhọc nhằn mà người phụ nữ phải gánh chịu khi phải vừa làm việc nước, vừa phải quán xuyến việc nhà để mỗi tế bào của xã hội- tức là gia đình – được vun đắp vững bền. Vậy nên tôi tha thiết mong bà hãy có việc làm thiết thực để giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ trong chính sách BHXH, bà hãy cùng Quốc hội sửa ngay quy định chưa phù hợp này để chúng tôi yên tâm làm việc, cống hiến. Đó cũng chính là thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho hàng chục triệu lao động nữ cả nước”. Nữ công nhân Bích Trâm – người có sinh nhật 1/1/1963 kêu gọi như vậy.

Bà Bích Trâm nói rằng tính đến thời điểm này, bà đã đóng BHXH được gần 25 năm. Nếu nghỉ hưu vào ngày 31-12-2017, bà sẽ được lãnh lương hưu với mức tối đa là 75%. Thế nhưng chỉ vì sinh sau thời điểm ấy mấy tiếng đồng hồ mà lương hưu của bà chỉ còn 65%. Mất 10% lương hưu chỉ sau 1 đêm, quá bất công với những lao động nữ đã phải vừa làm việc nước, việc nhà, vừa phải đảm đương thiên chức làm mẹ.

Có ai nhận bảo hiểm cho niềm tin đã mất như trong trường hợp của bà Bích Trâm?

- Quảng Cáo -

12 CÁC GÓP Ý

  1. Mục tiêu của bảo hiểm là an sinh xã hôi,tiến tới toàn dân,cả nước. Do có vấn đề nên lương hưu qua các thời kỳ chuyển đổi càng lệch .tại sao không nghỉ già chẳng tiêu dùng nhiều. Cho dù có năng lực và đóng góp khác nhau,thì cần phân bậc là đủ. Đã hưu thì cạn kiệt.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here