Sau chuỗi ngày dài “bị bệnh nặng” từ cuối tháng Bảy đến tận cuối tháng Tám năm 2017 nhưng chưa bao giờ được báo đảng công bố, thậm chí còn bị báo nhà nước “ăn bớt” hình ảnh tại Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017, ông Trần Đại Quang – Chủ tịch nước – lại vừa tạo thêm một ấn tượng, ít nhất trên phương diện hình ảnh – khi ông Quang được mô tả “dự và chỉ đạo” trong Hội nghị về công tác quốc phòng, quân sự của Quân ủy Trung ương, tổ chức tại Hà Nội vào ngày 3/11/2017.
Ấn tượng trên có thể được xem là một “thành tích” của Trần Đại Quang, nếu đối chiếu với đa số các hội nghị trước đây của Quân ủy trung ương đều do Nguyễn Phú Trọng chủ trì và chỉ đạo.
Lần gần đây nhất, vào cuối tháng Tám năm 2017, Tổng bí thư Trọng đã chủ trì một hội nghị Quân ủy trung ương “với sự tham gia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang”.
Sau đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, Quân ủy trung ương được cơ cấu lại theo chỉ định của Bộ Chính trị, với Bí thư quân ủy trung ương vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, Phó bí thư là Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Còn ông Trần Đại Quang chỉ là ủy viên thường vụ của Quân ủy trung ương, được hiểu như “cấp dưới” của ông Ngô Xuân Lịch.
Lẽ ra để có thể chỉ đạo Quân ủy trung ương, ông Trần Đại Quang cần có chức vụ Phó bí thư thường trực của cơ quan quân ủy này.
Như vậy, sau thời gian “bị bệnh nặng” và thậm chí còn bị blogger “lề đảng” là Huy Đức đòi “bàn giao chức vụ chủ tịch nước”, đến nay ông Trần Đại Quang đã có tới 3 cuộc tiếp xúc với quân đội – dấu hiệu cho thấy ông Quang có thể đang “kết” với “phe” này.
Lần đầu tiên là sau khi “khỏi bệnh”, ông Quang đã có một cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng với sự có mặt của tướng Ngô Xuân Lịch.
Lần thứ hai vào ngày 17/10/2017, khi lần đầu tiên kể từ khi trở thành chủ tịch nước, cựu đại tướng công an Trần Đại Quang đã hiện ra trong bộ quân phục rằn ri đặc trưng của lực lượng đặc công quân đội trong một cuộc “đến thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Miếu Môn, Hà Nội”.
Hình ảnh trên có thể khiến người ta liên tưởng Tập Cận Bình – trong vai trò Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư – đã mặc quân phục để duyệt binh ra sao.
Không biết vô tình hay hữu ý, ông Trần Đại Quang xuất hiện trong bộ quân phục chỉ một ngày sau khi Washington phát thông cáo báo chí: “Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam”.
Một cách nào đó, có thể xem thông cáo báo chí của Nhà Trắng đã tiếp sức không ít cho cố gắng “khỏe lại” của ông Trần Đại Quang, sau một thời gian ông Quang “bị bệnh” và thậm chí còn có lúc “biến mất”.
Chỉ đến gần đây, nguồn tin từ báo chí Mỹ mới cho biết sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào hai ngày 10 và 11/11 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp ba lãnh đạo hàng đầu trong số “tứ trụ” của Việt Nam, nhưng “riêng cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không có trong lịch ở thời điểm này mà chưa rõ lý do vì sao”.
Tức ngoài Trần Đại Quang đã “chắc suất” gặp Trump, Tổng bí thư Trọng và Thủ tướng Phúc đã có thể tạm thở phào, dù vẫn còn hồi hộp vì Trump đến Việt Nam lần này trong tâm trạng “ruột gan rối bời” do các cựu cố vấn tranh cử của ông vừa bị khởi tố vì cáo buộc liên quan đến người Nga.
Bài liên quan:
– Trần Đại Quang đang đóng vai gì?
– Trần Đại Quang tái hiện và những dấu hỏi còn đọng lại
Một hiện tượng đáng chú ý là trong khoảng thời gian từ sau khi Trần Đại Quang “khỏi bệnh” cho tới nay, trong lúc blogger Huy Đức khá lắng tiếng và chẳng một lần nào đề cập đến vai trò chủ tịch nước, thì một số “fan” của ông Quang lại trỗi dậy.
Ngay sau Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017, mạng xã hội đã nổi lên khá nhiều bài viết công kích và tố cáo lẫn nhau mà bị nghi ngờ là của các phe phái trong nội bộ đảng, trong đó nổi bật là một bài viết tấn công trực diện vào Trần Đại Quang và vài ba đơn thư tố cáo Nguyễn Xuân Phúc.
Có vẻ như Hội nghị trung ương 6 vẫn là giai đoạn “hưu chiến” mà chưa giải quyết được “mâu thuẫn cơ bản” nào.
Để phía trước, sang năm 2018, là Hội nghị trung ương 7. Và sau đó có thể là đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng với câu chuyện được lặp lại “ai ở, ai về”…
Thiền Lâm – Cali Today
Leave a Comment