Hương Khê
Sáng 27/10/2017, tại phiên thảo luận tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay quốc tế Long Thành trong kỳ họp quốc hội hiện nay, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói: “TPHCM đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi. Người dân ở Long Thành không ở được mà lên Đắk Lắc, Lâm Đồng ở để phát triển kinh tế. Còn đất ở Long Thành họ bán, cán bộ ta mua hết rồi”.
Cùng nhìn nhận,
cũng cho rằng, từ thực tế giải phóng mặt bằng dự án ở địa phương, toàn bán đi bán lại đất, cuối cùng chỉ toàn là đất của cán bộ mua cả. Ông Vinh cũng lo ngại tình trạng này sẽ xảy ra tương tự ở dự án Sân bay Long Thành.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt vấn đề: Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nêu, trong 5.600 ha đất của dự án có 1.050 ha đất cho quốc phòng. Tuy nhiên lại chưa nêu rõ các công trình sẽ xây ở đây là gì. “Trừ những công trình quân sự quá bí mật, còn lại các công trình quân sự thông thường thì cần có sự giải trình, ít nhất là tại Quốc hội”. “Chúng ta làm gì trên đất quốc phòng cũng đều phải nói rõ và phải khẳng định rõ chỉ dùng đất đó cho nhiệm vụ quốc phòng. Sẽ không có nhà hàng, khách sạn, sân golf… ở trên đất đó”(1).
Trước khi nói về sân bay Long Thành, hãy nói về sân bay Tân Sơn Nhất(TSN).
Tổng diện tích của sân bay TSN trước ngày 30/4/1975 là 3.600ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore. Nhưng hiện nay, sân bay TSN chỉ còn 850ha. Các thế lực cùng nhau xâu xé, chia chác. Trong đó, phía quân đội là “đớp” được nhiều nhất. Họ chia nhau theo cấp bậc, chức vụ. Chức vụ càng cao thì phần chia càng lớn.
Từ năm 2008, nhà nước lại cho đầu tư xây dựng sân golf, nhà hàng khách sạn cao cấp và nhiều công trình khác với diện tích 157ha.
Vì các công trình sân golf và nhà hàng này, đã làm cho hệ thống thoát nước tại đây bị ngưng trệ. Mỗi khi có mưa to là nước thoát không kịp, do đó, sân bay biến thành “sân bơi”.
Cũng vì những công trình này, mà đường vào sân bay TSN thường xuyên tắc nghẽn. Do thường xuyên bị kẹt xe, nhiều người sợ chậm giờ bay, đã kéo vali chạy bộ cho kịp chuyến bay.
Trước tình trạng quá tải cả trên trời lẫn dưới đất, và tình trạng kẹt xe, úng ngập ngày càng trầm trọng, thì phương án tối ưu nhất là thu hồi diện tích sân golf để mở rộng sân bay là khả thi nhất.
Thế nhưng, suốt mấy chục năm qua, biết bao nhiêu lần người dân đề nghị lên chính phủ, Đoàn Đại biểu QH TP.HCM kiến nghị, đề nghị thu hồi sân golf để mở rộng sân bay này. Thế nhưng mọi việc vẫn bị tắc nghẽn.
Trước áp lực của dư luận, của báo chí và của nhân dân, chiều 8/6/2017, QH thảo luận tại hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án sân bay Long Thành.
Tại cuộc họp này, rất nhiều đại biểu QH đề nghị thu hồi sân golf và cho rằng hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nghiêm trọng, nhiều tuyến bay phải lòng vòng trên trời gây mất an toàn hàng không. Đường vào sân bay thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng… Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc (phía sân golf) là hoàn toàn không khả thi”(2).
Tóm lại, theo giọng lưỡi của vị Bộ trường GTVT, việc thu hồi sân golf trong sân bay TSN là “bất khả thi”. Qua đó mới thấy sức mạnh của ‘nhóm lợi ích” lớn đến chừng nào.
Tại sao lại phải xây dựng sân bay Long Thành?
Câu hỏi đặt ra là, nếu thu hồi sân golf và mở rộng sân bay TSN, sẽ vừa không bị kẹt trên trời, kẹt dưới đất, đồng thời giải quyết được tình trạng ngập úng tại khu vực này. Tại sao nhà nước không thực hiện phương án này?
Xin thưa, chủ trương đầu tư xây dựng cho bằng được sân bay Long Thành, sẽ có những nguồn lợi khổng lồ cho các nhóm lợi ích như sau:
Diện tích quy hoạch để xây dựng sân bay Long Thành là 5.600ha. Từ khi có dự án này, các đại gia đã tìm mọi cách thu gom đất nơi đây. Kể cả đất trong dự án xây dựng sân bay, và đất xung quanh dự án này.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, tại các tỉnh, thành trong cả nước, người ta xây dựng khung giá đất thời hạn 5 năm. Giá đất này được niêm yết công khai và rộng rãi tại các địa phương. Ai cần thì lên mạng cũng có.
Nếu như giá đất này áp dụng cho lúc đền bù giải phóng mặt bằng, thì người mua chẳng có lãi. Vì nếu người mua trả giá thấp hơn hoặc bằng với giá niêm yết, thì người có đất sẽ không bán. Thế nhưng các đại gia sẵn sàng mua với giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá nhà nước quy định.
Vậy làm sao khi thu hồi đất để xây dựng công trình, người mua có lãi không?
Xin thưa: Bí quyết là ở chỗ này đấy. Đa số người mua là những người có chức quyền và thế lực trong bộ máy nhà nước. Giá đền bù đất là do họ quyết định . Một khi đất đã về tay họ rồi, đến lúc đền bù để xây dựng công trình, họ nâng giá lên cao gấp ba gấp bốn giá lúc họ mua.
Vì vậy họ cho “cò mồi” đi tuyên truyền rằng, nếu bán ngay cho họ thì “tiền tươi thóc thật”. Còn chờ đền bù thì nhiêu khê, và có khi còn bị hành lên hành xuống và hao hụt. Thế là khi các đại gia nhảy vào mua là họ bán liền.
Khi mua gon được đất rồi, họ còn cho người trồng các loại cây có giá đền bù cao với mật độ dày đặc.
Khi chuẩn bị xây dựng công trình, họ sẽ ra các Quyết định nâng giá đền bù các loại cây họ có, và tăng mật độ cho phép các loại cây trồng đó lên rất cao. Tất cả đều do họ quyết định, và rất đúng quy trình. Vậy là họ hưởng lợi từ nhiều thứ.
Còn đất xung quanh sân bay. Một khi họ đã gom được nhiều đất rồi, lúc đó, họ tha hồ hét giá. Nếu đắt, họ bán bớt. Số còn lại họ xây nhà hàng, khách sạn, hoặc cho thuê mặt băng… Vậy là chỉ việc ngồi hốt tiền.
Để cổ vũ cho chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, họ thuê những con vẹt trong làng báo lề đảng, viết bài dựng chuyện, nói những hộ dân gần sân bay TSN, khi máy bay cất và hạ cánh, tiếng ồn làm vỡ ngói nhà dân.
Vì vậy, trước thông tin Thượng tướng Lê Chiêm cho biết đất Long Thành bị cán bộ mua hết để đầu cơ. Nhóm phóng viên đã đến tra cứu thông tin tại Phòng Tài nguyên Môi trường Huyện Long Thành. “Chúng tôi hết sức bất ngờ trước thông tin nhận được. Người sở hữu nhiều đất nhất tại khu vực được quy hoạch xây dựng Dự án sân bay Long Thành lại chính là con trai một cán bộ cấp cao tại TP.HCM, đúng như những gì mà Thượng tướng Lê Chiêm đã nói trước Quốc hội. Ghi nhận tại Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Long Thành, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Khu Phước Hải, Thị trấn Long Thành, (Đồng Nai). Chúng tôi nhận thấy một số lô đất rất lớn, có lô tổng diện tích hơn cả 100ha được đứng tên sở hữu của ông Phạm Bá Tùng, sinh ngày 26/11/1990, hộ khẩu tại 226/28 Lê Trọng Tấn, Quận Tân Phú, TPHCM.
Trong đó, ông Tùng trực tiếp đứng tên sở hữu nhiều lô đất có diện tích rất lớn tại cả 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai. Đây là 6 xã nằm hoàn toàn trong diện tích quy hoạch để xây dựng sân bay Long Thành. Tổng diện tích đất đứng tên ông Tùng tại 6 xã này là hơn 950 nghìn hécta. Đặc biệt tại xã Suối Trâu, ông Tùng sở hữu lô đất lên tới hơn 500 hécta. Theo tìm hiểu của chúng tôi với một số cán bộ địa chính và cò đất tại Long Thành thì ông Phạm Bá Tùng đã tiến hành thu mua đất tại đây từ đầu năm 2016. Việc mua bán chuyển nhượng đất được thực hiện chủ yếu thông qua các Công ty Bất động sản và cò đất tại địa phương(3).
Tội nghiệp cho mấy ông ĐBQH. Có lẽ các ông thừa biết những ai đang thò bàn tay lông lá vào khuấy đảo đất Long Thành. Biết mà không làm được gì được mới đau chứ. Vì vậy, tuy bức xúc, nhưng tại các phiên thảo luận tổ tại QH, các ông cũng chỉ biết “vuốt đuôi” bằng cách đề nghi giám sát chặt chẽ việc giải tỏa, đền bù và tái định cư công trình này.
Xin thưa với các ông là, những chuyện đó, dù các ông có đeo kính hiển vi vào mà soi, thì những dân lành nghề tại các ban bệ làm công tác đền bù ấy, họ sẽ qua mặt các ông một cách dễ dàng.
Trên hồ sơ giấy tờ, họ làm rất chặt chẽ và đúng quy trình. Đố mà có kẽ hở nào có thể săm soi được. Những anh nào mà để “lòi đuôi” chỉ là những anh tồi. Hoặc là quá tham và quá dốt.
Về hồ sơ đền bù giải tỏa đất tại các Ban Quản lý Dự án, hoặc các Sở, ngành liên quan, thì hết sức chặt chẽ. Nếu khi có ai tố cáo do mất phần ăn, dù có ai thanh kiểm tra thì cũng chỉ mang hồ sơ ra ngắm nghía, ghi ghi chép chép có có lệ. Sau đó dẫn nhau đi nhậu, kèm theo tăng hai, tăng ba với những đặc sản sơn hào hải vị, và kiểm tra làn da mơm man của các em chân dài. Thủ tục cuối cùng là nhận bao thư. Vậy là ok.
Sau khi dự án xây dựng sân bay Long Thành được phê duyệt, thì những ý kiến của các vị ĐBQH, của nhân TP.HCM, và báo chí, về việc thu hồi sân golf tại sân bay TSN, thì họ vẫn để ngoài tai, với lý do như ông cựu Bộ trưởng Tương Quan Nghĩa đã nói, là “bất khả thi”.
Về diện tích 1.050 ha đất quốc phòng trong dự án sân bay Long Thành mà Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lo ngại: “Chúng ta làm gì trên đất quốc phòng cũng đều phải nói rõ và phải khẳng định rõ chỉ dùng đất đó cho nhiệm vụ quốc phòng. Sẽ không có nhà hàng, khách sạn, sân golf… ở trên đất đó”.
Xin thưa với Đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ra, thì hiện nay, quân đội còn có một nhiệm vụ rất quan trọng nữa, là xây dựng kinh tế.
Điều này đã được Thiếu tướng Võ Hồng Thắng – Cục trưởng kinh tế, Bộ Quốc phòng khẳng định: “Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thực hiện một trong ba nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Đó là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”(4).
Vì vậy, với diện tích đất quốc phòng nói trên, dù họ có xây dựng nhà hàng khách sạn, hay sân golf đi nữa, thì cũng được khoác cái áo làm kinh tế. Những món lợi kếch sù do việc “làm kinh tế” này mang lại chạy vào túi ai, đó là “bí mật quốc gia”.
Sau khi xây dựng xong sân bay Long Thành, thì khu đất vàng tại TSN sẽ lần lượt có chủ. Có người ước tính, nếu “nuốt” được khu đất sân bay TSN này, họ sẽ bỏ túi khoảng 400 tỷ USĐ. Một con số khổng lồ không ai có thể cưỡng lại được.
Một món lợi lớn nữa từ việc xây dựng sân bay Long Thành, là việc chọn nhà thầu.
Có lẽ trước sau gì thì nhà thầu Trung Quốc cũng trúng thầu thôi. Chọn nhà thầu TQ để “thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đảng và hai nhà nước”. Vì họ bỏ thầu giá rẻ, và “lại quả” rất cao.
Những món lợi như thế làm sao các quan chức nhà ta bỏ qua được.
Khi được trúng thầu rồi, thì họ liên tục đòi tăng giá. Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ. Công trình này đội vốn liên tục (từ 552,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD). Nhưng chất lượng ra sao thì mọi người quá rõ.
Nhưng việc “đón gió” cũng phải biết lựa thời lựa thế. Như công trình hầm chui sông Hàn tại Đà Nẵng ấy. Đây là dự án do cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh vẽ ra. Tuy công trình còn nằm trên giấy, nhưng NXA đã cho đàn em gom mua đất hai bên bờ sông Hàn, nơi có hầm chui và con đường mới sẽ đi qua.
Vì tranh giành miếng mồi, nên Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ không trình cái dự án này ra để HĐND của Nguyễn Xuân Anh phê duyệt.
Đây là một trong những lý do khiến cuộc chiến đấu đá nội bộ tại Đà Nẵng “bùng nổ”.
Nay NXA “ngã ngựa”, những người bung tiền mua đất ấy có nguy cơ trắng tay.
Từ vụ sân bay TSN hay sân bay Long Thành, cho thấy, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang được chi phối và thao túng bởi các nhóm lợi ích. Khi “thuận buồm xuôi gió” thì “chén chú chén anh”. Họ chia nhau các nguồn lợi kiếm được từ các dự án họ vẽ ra. Nhưng khi “lên thác xuống ghềnh”, chia chác không đều, thì “cắn nhau như chó”. Vậy là chém giết nhau bằng nhiều hình thức.
Suy cho cùng, vụ Đà Nẵng cũng chỉ là đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực, nhằm phân chia quyền lợi bởi các tập đoàn tham nhũng.
Không chỉ dự án sân bay Long Thành, mà có thể nói, tất cả mọi chủ trương đường lối của đảng và nhà nước VN hiện nay, cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ quyền lợi cho các tập đoàn cá mập, các nhóm lợi ích mà thôi.
Bởi cái đảng CSVN cầm quyền hiện nay do ông Trong đứng đầu từ xưa đến nay luôn dung túng cho tham nhũng, nếu không muốn nói đó là một “chủ trương lớn của đảng”.
Chú thích(1): ( https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dat-lam-san-bay-long-thanh-bi-gom-het-1202349.tpo).
(3): (http://luatphapso.com/con-trai-9x-cua-can-bo-cap-cao-tp-hcm-huu-gan-1-000-hecta-dat-long-thanh.html).
Hương Khê – Tác giả gửi đến CTM Media
Leave a Comment