Quảng Cáo

Quyền mở miệng

Bộ trưởng 'thuốc ung thư giả' Nguyễn Thị Kim Tiến

Quảng Cáo
Thiếu vắng các cơ chế lập hiến, lập pháp dân chủ, pháp luật sẽ chỉ là một công cụ được nhà cầm quyền nhào nặn nên để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Chỉ trích bộ trưởng là quyền, không phải tội

Khi đọc bài này, có lẽ bạn cũng đã biết vụ bác sỹ Hoàng Công Truyện bị Sở Thông tin – Truyền thông Thừa Thiên – Huế xử phạt năm triệu đồng vì nói xấu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trên Facebook. Nguyên văn status của bác sỹ Truyện như sau:

“Mụ ni về nghỉ là vừa, để các GS có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho CP can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bs tuyến cơ sở”.

Ta hãy cùng xem xét các khía cạnh pháp lý của vụ việc này.

Áp dụng sai quy định

Báo Người Lao Động trích lời ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, bác sỹ Hoàng Công Truyện bị xử phạt hành chính dựa trên Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Theo đó, bác sỹ Truyện đã có hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Trong khi đó, nguyên văn tiêu đề của Điều 64 là “Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp”. Facebook không phải là “trang thông tin điện tử” mà là “mạng xã hội”, theo như quy định trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Do đó, việc Sở TT-TT áp dụng Điều 64 này là hoàn toàn sai quy định.

Rất có thể Sở TT-TT sẽ vặn lại rằng Nghị định 72 đã nghiêm cấm hành vi “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” và do đó họ có quyền xử phạt. Đúng là Nghị định 72 có điều cấm đó, nhưng không có điều khoản nào quy định về việc xử phạt hành vi này đối với người dùng mạng xã hội, hay quy định thẩm quyền và mức xử phạt. Nói cách khác, Nghị định 72 chỉ hô “đánh” mà không nói đánh thế nào. Nếu không có quy định cụ thể thì nhà nước không có căn cứ để xử phạt.

Trên thực tế, Nghị định 72 và 174 đã không cung cấp đủ hành lang pháp lý để xử phạt các cá nhân sử dụng mạng xã hội. Chính vì thế, chính phủ đang dự thảo một nghị định khác để lần đầu tiên bổ sung quy định xử phạt người dùng mạng xã hội, dự kiến có hiệu lực từ năm 2018.

Bác sĩ Hoàng Công Truyện

Quyết định xử phạt còn sai ở chỗ: nếu đã kết luận bác sỹ Truyện vi phạm, thì bất luận thế nào cũng không được hạ mức xử phạt xuống quá mức tối thiểu của khung tiền phạt trong Nghị định 174. Điều này được quy định rõ trong Khoản 4, Điều 23, Luật Xử lý Vi phạm Hành chính 2012. Khung tiền phạt trong Nghị định 174 là từ 20 đến 30 triệu đồng, như vậy dù có tình tiết giảm nhẹ thì mức xử phạt tối thiểu vẫn phải là 20 triệu, chứ không được thấp hơn. Tạm bỏ qua việc xử phạt là sai hay đúng, việc quyết định mức xử phạt như vậy là vô căn cứ.

Đến đây, bác sỹ Truyện có hai lựa chọn: hoặc là tiếp tục tỏ ra ăn năn, hối cải và chấp nhận quyết định xử phạt như ông đã làm; hoặc là khiếu nại lên Sở TT-TT yêu cầu rút quyết định xử phạt, thậm chí là khởi kiện hành chính quyết định này ra Toà án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Bất chấp mọi tranh cãi về việc phát ngôn của ông là đúng hay sai, quyết định xử phạt đối với ông vẫn là sai và cần phải bị bãi bỏ.


Bài liên quan:


“Lưới trời lồng lộng”

Tuy có thể cãi thắng được Sở TT-TT, bác sỹ Truyện cũng không có nhiều lý do để yên tâm về thân phận pháp lý của mình.

Hệ thống pháp luật Việt Nam không được thiết kế để bảo vệ quyền lợi của người dân, mà trước hết là để bảo vệ cho chính quyền và người của chính quyền.

Nếu không xử phạt theo Điều 64, Nghị định 174 được thì Sở TT-TT hoàn toàn có thể viện dẫn Điều 66 cũng trong Nghị định này. Về mặt ngữ nghĩa, đây là một điều khoản không rõ ràng, vì không biết nó chỉ được áp dụng cho tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ thông tin số hay cho cả người sử dụng mạng xã hội, trong khi điều khoản này không nhắc tới mạng xã hội. Tình trạng mơ hồ này là điều kiện lý tưởng cho những hành vi công quyền tuỳ tiện, và trên thực tế đã có người bị xử phạt theo điều này rồi.

Không chỉ vậy, chính quyền vẫn còn một công cụ khác.

Cụ thể, công an Thừa Thiên – Huế hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự, cáo buộc bác sỹ Truyện tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự năm 1999 (vẫn còn hiệu lực cho đến hết ngày 31/12/2017).

Kết quả là, một phiên tòa có thể được mở ra, tuyên bác sỹ Truyện hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Thậm chí, nếu tòa cho rằng hành vi của bác sỹ Truyện là nghiêm trọng thì ông có thể bị phạt tù từ hai đến bảy năm.

Bạn có thể phản bác rằng Điều 258 quy định như vậy là vi hiến, trái với Điều 25 Hiến pháp 2013 về quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Hiến pháp đã bỏ ngỏ một lối thoát cho nhà nước khi thòng vào cuối Điều 25 một câu: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Pháp luật ở đây chính là Điều 258, Bộ luật Hình sự.

“Lưới trời lồng lộng”, nếu nhà nước muốn phạt bác sỹ Truyện thì họ không thiếu gì cách.

Như vậy, câu chuyện đến đây không còn bó hẹp trong nội dung các văn bản luật nữa.

Quyền mở miệng

Tồn tại một cách hiểu máy móc về khái niệm “pháp luật” và “thượng tôn pháp luật” ở nước ta. Theo đó, pháp luật được cho là những gì nhà nước quy định, và thượng tôn pháp luật là phải tuân theo những quy định đó.

Câu hỏi đặt ra là: nếu pháp luật sai, hay nói cách khác là bất công, thì có nên được thượng tôn không?

Năm 1953, Quốc hội ban hành Luật Cải cách Ruộng đất, trao cho các Toà án Nhân dân Đặc biệt quyền xét xử “Việt gian, phản động, cường hào gian ác và những kẻ chống lại hoặc phá hoại cải cách ruộng đất”. Kết quả là hàng chục nghìn địa chủ và những người liên quan đã bị xử tử thông qua những tòa án mà ngày nay ít ai dám gọi là tòa án.

Chúng ta cũng có một bản Hiến pháp 1980 thủ tiêu hoàn toàn sở hữu tư nhân và cho phép quốc hữu hoá các cơ sở kinh tế của “địa chủ phong kiến” và “tư sản mại bản”, đồng nghĩa với việc hoàn toàn không có một thứ rất quen thuộc ngày nay là các công ty tư nhân.

Chúng ta cũng có một chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, cho phép nhà nước thu hồi đất theo khung giá do nhà nước quy định, trong khi đúng ra người dân phải có quyền đàm phán giá đất theo cơ chế thị trường.

Tất cả những quy định bất công đó dẫn chúng ta đến một cách nhìn nhận khác về pháp luật và áp dụng pháp luật: nó phải hợp lý, theo nghĩa là phù hợp với những lập luận tốt nhất có thể về công lý, lẽ tự nhiên và công bằng, và bảo vệ các quyền của con người.

Quay lại với việc xử phạt hay bỏ tù bác sỹ Truyện, cứ cho là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp, nhưng đã hợp lý hay chưa? Ta hãy xem.

Bác sỹ Truyện viết status chỉ trích Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho rằng bà không nắm bắt được tình hình và nên nghỉ việc.

Trước hết, chuyện chỉ trích quan chức chính phủ thuộc về quyền được mở miệng của người dân, quyền được giám sát những người mà họ đóng thuế để nuôi, và quyền được đuổi việc những quan chức yếu kém và tham nhũng. Đây là lẽ thường của bất cứ một thể chế nào tự nhận là dân chủ và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân.

Nếu bà Tiến cho rằng status này xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân bà thì bản thân bà, với tư cách là người bị thiệt hại, cần phải lên tiếng, chứ không phải Bộ Y tế. Chỉ khi đối tượng bị chỉ trích lên tiếng thì mới biết họ có cảm thấy bị xúc phạm hay không. Tất cả những người khác không có thẩm quyền giải quyết việc này hộ cho bà.

Nếu bà Tiến không lên tiếng thì ở đây không phát sinh bất kỳ tranh chấp nào để nhà nước cần phải can thiệp. Mọi động thái phàn nàn của Bộ Y tế, hay việc xử phạt của Sở TT-TT và Sở Y tế Thừa Thiên – Huế đều vô lý và vô… duyên. Và trên thực tế bà Tiến chưa công khai phàn nàn điều gì về status của bác sỹ Truyện.

Trong trường hợp bà Tiến lên tiếng cho rằng status của bác sỹ Truyện xúc phạm cá nhân bà, thì theo lẽ thường, đây là việc riêng giữa hai cá nhân này, hoàn toàn không liên quan đến các cơ quan nhà nước.

Ta hãy thử coi bà Tiến là một công dân thông thường thì sẽ thấy câu chuyện dễ hiểu hơn: hai người dân chửi nhau là việc của họ, người khác (kể cả nhà nước) không có phận sự liên quan.

Trong trường hợp này, tranh chấp giữa bà Tiến và bác sỹ Truyện là vấn đề dân sự chứ không phải vấn đề hình sự hay hành chính, việc xử lý hình sự hay hành chính đều vô lý.

Hai cá nhân này có thể thoả thuận dàn xếp với nhau, hoặc nếu không dàn xếp được thì nhờ bên thứ ba giúp. Bên thứ ba có thể là một người bất kỳ hoặc toà án dân sự. Nếu bà Tiến chứng minh được bác sỹ Truyện đã xúc phạm bà thì tòa sẽ tuyên bà thắng kiện và bác sỹ Truyện có thể sẽ phải xin lỗi và/hoặc bồi thường cho bà. Đó là cách thức giải quyết tranh chấp hợp lý, được áp dụng rộng rãi ở các nước văn minh từ Đông sang Tây.

Nếu Sở TT-TT vẫn cho rằng việc xử phạt bác sỹ Truyện là đúng, thì để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả những ai nói xấu người khác cũng phải chịu chế tài tương tự. Nghĩa là kể từ nay, bất kỳ ai bị người khác nói xấu trên Facebook cũng đều có thể yêu cầu Sở TT-TT xử phạt, đúng như cái cách mà Bộ Y tế đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế “xử lý” bác sỹ Truyện.

Những quy định vô lý trong cả Hiến pháp lẫn các văn bản luật là hậu quả của một quy trình lập hiến, lập pháp mà người dân không được dự phần. Thiếu vắng các cơ chế lập hiến, lập pháp dân chủ, pháp luật sẽ chỉ là một công cụ được nhà cầm quyền nhào nặn nên để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Nó thể hiện ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp cả nước, mà vụ xử phạt bác sỹ Truyện và bênh vực Bộ trưởng Tiến chỉ là một biểu hiện nhỏ.

Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux