Trong nhiều thập niên qua, ở Bắc Kinh vấn đề tranh cãi là vận tốc của sự thay đổi chứ không phải là phương hướng.
Năm nay, một người đàn ông đã bị một toà án Trung Quốc kết tội 2 năm tù với tội danh được coi là đáng ghê tởm vì đã gọi Chủ Tịch Tập Cận Bình là “Bình bánh bao” (“steamed bun Xi”) trong một lời nhắn gửi cho các bạn bè trên mạng.
Từ ngữ có tính cách nhạo báng này đã bị kiểm duyệt tại Trung Quốc từ năm 2013 khi cộng đồng mạng nổ ra phong trào chế giễu ông Tập khi ông này muốn tạo cho mình hình ảnh là “người của quần chúng” khi đến viếng một cửa hàng bán bánh bao.
Tuy nhiên, truy tố một người vì một câu nói riêng tư là một sự kiện mới mẻ và đáng quan tâm.
Anh Wang Jiangfeng bị kết tội vì đã gửi một lời nhắn đến bạn bè qua phần mềm ứng dụng We Chat and QQ, do hãng Tencent làm chủ, khiến người ta “nghĩ xấu về Đảng Cộng Sản Trung Quốc, về hệ thống xã hội chủ nghiã và nền dân chủ chuyên chính nhân dân, tạo ra sự rối loạn tâm lý và bất ổn công cộng cực kỳ trầm trọng và sai lầm”.
Trong những tuần qua, để nhấn mạnh thêm về sự việc, giới chức tư pháp đã tước bỏ quyền hành nghề của những luật sư đã bào chữa cho anh Wang.
Đây là cách hành xử của các chế độ độc tài mà Trung Quốc là một, và chưa bao giờ biểu hiện rõ ràng hơn thế trong nhiều thập niên qua.
Vào ngày Thứ Tư sắp tới, các lãnh đạo đảng cầm quyền Trung Quốc sẽ họp để suy tôn ông Tập vào chức vụ Chủ Tịch của tất cả mọi thứ, nhiệm kỳ thứ hai. Trong 5 năm qua, ông Tập đã củng cố quyền lực, thanh trừng các đối thủ, khuyến khích văn hoá tôn sùng cá nhân tới một mức độ chưa từng thấy kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976.
Các quan sát viên ở trong và ngoài Trung Quốc sẽ theo dõi sát những chỉ dấu cho thấy ông Tập muốn xoá bỏ những tiền lệ để tiếp tục nắm quyền sau năm 2022, là thời điểm mà người ta chờ đợi ông ta rút lui.
Nhưng thực tế là chúng ta biết thật ít về những vận chuyển trong nội bộ lãnh đạo chóp bu ở Trung Quốc giống như biết rất ít về Bắc Hàn vậy. Chúng ta chỉ biết những gì ông Tập cho chúng ta biết qua những bài phát biểu và qua những khẩu hiệu chính trị mà ông ta nặn ra. Chính những gì ông Tập phát biểu cho thấy là sự thay đổi to lớn và quan trọng nhất dưới sự kiểm soát của ông ta là việc từ bỏ hoàn toàn “dân chủ” và những “giá trị tây phương” khác như tự do phát biểu, chủ nghiã hợp hiến, sự độc lập của tư pháp, và nhân quyền.
Kể từ khi cựu lãnh tụ vĩ đại Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền vào cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã miệt mài, dù có đôi chút do dự, tiến về hướng gia tăng quyền tự do cá nhân và ngay cả tự do chính trị.
Trong nhiều thập niên, sự tranh luận trong nhóm lập chính sách cao nhất tại Bắc Kinh luôn là tốc độ thay đổi, trong khi phương hướng – như tăng quyền tự do phát biểu, sự độc lập của tư pháp và sau cùng là dân chủ – thì chẳng ai thắc mắc.
Trong những năm qua, qua nhiều cuộc trao đổi riêng tư với các cán bộ cao cấp (đôi khi rất cao cấp) họ cho tôi biết là dân chủ kiểu tây phương chính là mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới, tuy nhiên sự chuyển tiếp phải từ từ và sắp xếp cẩn thận để không xẩy ra hỗn loạn. Bây giờ không còn ai nói như vậy nữa.
Sau gần 4 thập niên chưa từng có một đề nghị nào về việc Trung Quốc thành lập một xã hội dân sự hay để cho người dân có quyền lên tiếng về việc chọn lựa thể chế chính trị. Ngược lại, ông Tập đã đề nghị với họ một khái niệm mơ hồ là “sự trẻ trung hoá tuyệt vời” được vay mượn gần như toàn bộ từ thời kỳ trước cận đại của những ông vua tự coi mình như thượng đế để cai quản “hạ giới”.
Việc chối bỏ hệ thống chính trị “kiểu tây phương” gần đây đã trở nên dễ dàng hơn bởi điều mà người Trung Quốc xem như trò hề lố bịch của ông Donald Trump và, ở một mức thấp hơn, là vụ tự mình hại mình là Brexit và các đấu đá nội bộ trong Cộng Đồng Châu Âu.
Một cố vấn cao cấp về chính sách ngoại giao gần đây mới cho một đồng nghiệp của tôi biết là: “Ông Trump không bao giờ nói về dân chủ cũng như sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hay tự do – chúng ta không dại gì tôn thờ những điều mà thế giới tây phương hiện giờ đang nghi ngờ”.
Qua cảm nhận về sự thất bại của nền dân chủ tự do, nhiều, có lẽ là hầu hết, người Trung Quốc nay khá sẵn sàng chấp nhận chế độ độc tài và sự trấn áp chính trị hãi hùng trên người dân nếu cá nhân họ vẫn tiếp tục thấy cuộc sống của họ tăng tiến.
Ở ngoài Trung Quốc thì nhiều người dân tây phương sẽ nhún vai tự hỏi là tất cả những điều kể trên có liên quan gì tới họ. Tuy nhiên, họ nên biết rằng một sự thay đổi to lớn khác mà ông Tập đã thực hiện là việc vứt bỏ câu thần chú của chính sách ngoại giao “không can thiệp” đã dẫn dắt Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình.
Ông Đặng đã có câu nói nổi tiếng là Trung Quốc nên “ẩn mình chờ thời” trên trường quốc tế và cương quyết không can thiệp vào việc của các nước khác. Ông Tập thì nhìn vấn đề khác hẳn và đã chỉ thị cho guồng máy quốc gia phải tích cực hơn hơn ở bên ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc – như đã được định nghiã bởi những người lãnh đạo đảng chuyên chính này.
Một thực tế đáng buồn đã xẩy ra là nhiều người ở ngoài Trung Quốc có liên hệ với nước này – như các nhà báo, học giả, ngoại giao, các doanh nhân Trung Quốc sống ở nước ngoài – sẽ phải cẩn thận khi nghï đến việc sử dụng những phần mềm ứng dụng do Trung Quốc làm chủ như WeChat để gửi một lời nhắn riêng tư với nội dung giễu cợt lãnh tụ Trung Quốc hiện nay.
***
Nguồn: Jamil Anderlini: Under Xi Jinping, China is turning back to dictatorship – Financial Times – https://www.ft.com/content/cb2c8578-adb4-11e7-aab9-abaa44b1e130?mhq5j=e5 –
Hoàng Trường phỏng dịch: Với Tập Cận Bình, Trung Quốc quay trở lại độc tài.
Leave a Comment