Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phát ra một đề nghị hoàn toàn mất “thiên thời”: muốn được Chính phủ bảo lãnh vay trong khi chính giới quan chức lãnh đạo của PVN đang lũ lượt tra tay vào còng.
Đề nghị trên dành cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi. Dự án này do Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 1,8 tỉ USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu trên vốn vay là 30%/70%. Như vậy khoản vay dự kiến lên đến 1,2 tỉ USD.
Trước đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đã đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD, tương đương khoảng 2.750 tỉ đồng từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc. Về thực chất, Vinachem muốn Chính phủ ứng tiền để trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinachem với số tiền trên 2.700 tỉ đồng.
Rất có thể, những đề nghị bảo lãnh trên vẫn được PVN nêu ra như một não trạng cùng thói quen không mấy thay đổi dù “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” đã trôi qua từ khá lâu. Trong giai đoạn 2011-2015 của “triều đại” này, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình dự án với tổng số vốn khoảng 15,6 tỉ USD, trong đó vay nước ngoài lên đến 14 tỉ USD.
Những năm trước, hiện tượng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan, đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm. Và thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã, và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái. Con số mới nhất từ một nhà nghiên cứu độc lập là Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu vụ trưởng vụ Thống kê Liên hiệp quốc – cho biết các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đang gánh một khoản nợ công lên đến 231 tỷ USD – vượt hơn rất nhiều số “dự tính” khoảng 25 tỷ USD do một số cơ quan nghiên cứu của chính quyền Việt Nam đưa ra.
Còn bây giờ thì sao?
“Hiện nay, quỹ tích lũy trả nợ định kỳ đang phải trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn. Đơn cử như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với khoản nợ dự kiến phải trả có thể lên đến 63.000 tỉ đồng gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính phủ vay về cho vay lại” – Bộ Tài chính “rên rỉ”.
Bộ Tài chính cũng là cơ quan đang phải gánh vác “vai trò lịch sử trả nợ” cùng “thu tô dân” vào “triều đại đổ vỏ Nguyễn Xuân Phúc”. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm ngân sách quốc gia phải xuất ra hàng chục tỷ USD để trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài, trong khi nguồn ngoại tệ trong nước đã giật gấu vá vai đến mức Thủ tướng Phúc nhiều lần phải đôn đốc Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước “tìm cách huy động vàng và đô la trong dân”.
Còn người dân nghĩ gì?
“Cơ chế bảo lãnh Chính phủ sẽ đẩy nợ công tăng cao, người dân phải è lưng gánh những món nợ khổng lồ” – giới chuyên gia và người dân một lần nữa phải gầm gào.
Đã đến nước này, quan chức từng là cấp phó nhiều năm của Nguyễn Tấn Dũng có muốn bảo lãnh cũng không được.
Vào đầu quý 2 năm 2017, đã xuất hiện thêm một dấu hiệu cho thấy tâm thế của Thủ tướng Phúc đang cố gắng tránh thoát tối đa cơ chế “đổ vỏ” cho đời những kẻ “ăn ốc” trước đây.
Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) được ông Phúc phê duyệt vào cuối tháng 4/2017 đã tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước. Điều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ không còn chịu trách nhiệm gì về những khoản nợ vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, cho dù là vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.
Cần nhắc lại, vào đầu tháng 3/2017, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài Chính) đã phát ra thông tin Chính phủ chỉ bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp trong năm 2017.
Mức bảo lãnh chỉ có 1 tỷ USD trên là giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2,5 tỉ USD và 2016 là 1,5 tỉ USD), và giảm rất mạnh so với mức 6,6 tỷ USD của năm 2014.
Nhưng cho đến nay, có vẻ ngay cả con số 1 tỷ USD bảo lãnh cho năm 2017 cũng không còn nữa. Vào lúc này, Chính phủ và Bộ tài chính chỉ còn biết cắm đầu trả nợ.
Ngân hàng thế giới lại vừa đưa ra một cảnh báo rằng trong 3 năm tới, có đến 50% nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn, tức chính phủ này phải đối mặt với nguy cơ rất lớn là không biết lấy đâu ra tiền dể trả nợ, trừ việc… in tiền ồ ạt.
Nguyễn Xuân Phúc hẳn là đời thủ tướng “cực hình” nhất trong lịch sử tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam. Trả nợ nhiều nhất, kinh tế be bét nhất, xã hội hỗn tạp nhất, chính trị “tan nát” nhất… Nhưng phải sau nửa năm kế thừa chức thủ tướng từ Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc mới nhận ra được cảnh nạn đó để chính ông phải than “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và cảnh báo về nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Còn bây giờ, hẳn nhiên ông Phúc không hề mong muốn mình phải trở thành nạn nhân “đổ vỏ” cho quá nhiều hậu quả gầy dựng bởi đời thủ tướng trước. Chắc chắn ông Phúc sẽ phải từ chối bảo lãnh vay vốn đối với Tập đoàn PVN.
Thiền Lâm – Cali Today
Leave a Comment