Quảng Cáo

Vụ Fame Bar: Vì sao không dùng Điều 258 BLHS để điều tra hành vi xúc phạm tôn giáo?

Quảng Cáo

Vài ngày trước, các vũ công tại quán Fame Bar ở Hà Nội đã biểu diễn một điệu múa với trang phục “ít vải”, và dùng những biểu tượng thánh linh của đạo Công giáo làm phụ trang. Một số giáo dân cảm thấy rất phẫn nộ trước điều này, và cho đó là hành vi xúc phạm, thậm chí là báng bổ tôn giáo.

Đã có người đặt vấn đề là nên dùng Điều 258 BLHS để điều tra hành vi của các vũ công trong vụ việc. Vì nếu Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) của Công an TP Hà Nội – vài mươi ngày trước – đã tiến hành điều tra một số phụ huynh nhằm “làm rõ hành vi xúc phạm, nói xấu lãnh đạo Vingroup”. Thì giờ đây, công an cũng cần làm rõ hành vi phỉ báng tôn giáo của các vũ công.

Tuy điều này, về mặt áp dụng pháp luật, là làm được. Thế nhưng, chúng ta không nên ủng hộ một điều luật vừa trái chuẩn Luật Nhân quyền Quốc tế, vừa mơ hồ và tùy tiện như điều 258 BLHS.

Điều 258, Bộ luật Hình sự – Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

Vì sao áp dụng Điều 258 BLHS vào vụ việc Fame Bar là có cơ sở pháp lý?

Hiến pháp Việt Nam quy định, mọi công dân Việt Nam đều được hưởng các quyền con người, trong đó bao gồm quyền tự do biểu đạt. Mà hành vi múa hát thì rõ là một hình thức thể hiện quyền tự do biểu đạt ấy.

Thế nhưng, chúng ta tuy có quyền tự do biểu đạt, nhưng không có nghĩa là muốn biểu đạt thế nào cũng được. Nếu một người viết một bài báo hay múa một điệu vũ, v.v. – mà bị chính quyền xem là đã “lợi dụng” quyền đấy để “xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức” – thì người đó có thể phải đối mặt với việc bị bỏ tù. Đó chính là nội dung căn bản của Điều 258.

Sở dĩ Điều 258 BLHS từ trước đến giờ ít được chúng ta quan tâm, vì nó đa phần là được áp dụng trong các vụ án chính trị, mà bị cáo là những nhà bất đồng chính kiến. Nếu là “lợi dụng” quyền này nọ để “xâm phạm lợi ích” nhà nước để phải đi tù, thì nghe có vẻ … cũng hợp lý.

Cho đến khi vụ việc Vinschool xảy ra. Đó có thể là lần đầu tiên chúng ta nhận thức được, à thì ra, công an có quyền điều tra hình sự một vụ “nói xấu” cá nhân ông A, ông B nào đó, là người có tiền, có quyền trong xã hội.

Và cũng từ vụ Vinschool mà chúng ta bắt đầu băn khoăn, là liệu chính quyền sẽ tiếp tục hình sự hóa những hành vi thực thi quyền tự do cá nhân đến mức độ nào? Cũng như lần này, liệu pháp luật có thật cần thiết phải hình sự hóa hành vi biểu diễn ca múa của các vũ công quán Fame Bar hay không?

Nếu như là không, vậy thì khi nào mới áp dụng Điều 258 BLHS? Cũng như, chúng ta sẽ phải thực thi các quyền tự do dân chủ theo kiểu gì, đến mức nào thì mới không bị xem là “lợi dụng” chúng để phạm tội? Có phải ai làm ra cùng một hành vi thì đều sẽ bị xem là có tội hay không?

Hàng loạt các câu hỏi như trên giúp chúng ta nhận thấy Điều 258 BLHS còn có một yếu điểm nữa, nếu mang ra đánh giá theo chuẩn quốc tế: đó là tính chất mơ hồ và tùy tiện trong nội dung văn bản quy định.

Điều 258 BLHS: Một điều luật “mơ hồ và tuỳ tiện”

Theo chuẩn mực của Luật Nhân quyền Quốc tế, thì một điều luật hình sự cần phải có định nghĩa rõ ràng và dễ hiểu, để nó không thể bị áp dụng một cách mơ hồ và tùy tiện. Tức là, nội dung của điều luật đó phải đảm bảo được, người dân sẽ biết rõ hành vi nào là phạm pháp, và hành vi nào thì không.

Sở dĩ đánh giá Điều 258 BLHS mơ hồ và tùy tiện, là vì nó không đưa ra định nghĩa rõ ràng gì về hành vi phạm tội; cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại bao gồm những yếu tố nào.

Trước hết, cứ tạm cho là xã hội Việt Nam có lẽ cần một điều luật giới hạn quyền tự do như Điều 258 BLHS thật.

Nhưng nếu chỉ đọc nội dung điều luật này như trích dẫn ở đầu bài, tôi đồ là không ai trong chúng ta sẽ trả lời được hành vi nào là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”?

Chưa kể, ai sẽ là người có quyền thẩm định, khi nào thì hành vi lợi dụng đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức? “Lợi dụng” đến mức độ nào thì mới có thể khiến công an bắt tay điều tra? Hay, quyền và lợi ích hợp pháp thì lại có định nghĩa pháp lý gì?

Nếu cán bộ nhà nước làm ra hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức – qua việc phát biểu trên truyền thông và đưa ra những thông tin sai lệch, mang tính phỉ báng, miệt thị những người có bất đồng chính kiến, thì liệu họ có bị xử lý hình sự hay không?

Giả sử rằng (mặc dù rất có thể là điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra) bây giờ Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối tiết mục của quán Fame. Hoặc là cộng đoàn giáo dân Công giáo tại Hà Nội đồng loạt viết đơn tố cáo quán này có dấu hiệu vi phạm Điều 258 BLHS vì đã xúc phạm đạo Công giáo và xúc phạm 6.5 triệu tín đồ của một trong sáu tôn giáo lớn nhất nước.

Như thế, vụ việc này có thể xem là đã đủ yếu tố xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của một cộng đồng, để công an có thể dựa trên Điều 258 mà điều tra hay chưa? Nếu danh dự cá nhân của lãnh đạo Vingroup là đủ có thể khiến công an vào cuộc, thì danh dự của một tổ chức tôn giáo như Giáo hội Công giáo Việt Nam có phải cũng sẽ được đối xử tương đương?

Vì “mơ hồ và tùy tiện” nên Điều 258 BLHS có thể được sử dụng tùy nghi theo ý cơ quan điều tra.

Thực tế là nếu muốn, công an có thể điều tra bất kỳ hành vi thực thi quyền con người nào của người dân. Từ tự do biểu đạt qua việc chia sẻ thông trên mạng, đến biểu diễn ca múa ở quán bar.

Từ trước đến nay, Điều 258 BLHS hầu như chỉ được dùng để trấn áp các tiếng nói đối lập chính trị tại Việt Nam. Vì thế, chính quyền thường dựa vào những lý do như “đảm bảo trật tự xã hội”, hay “an ninh quốc gia” để biện giải cho việc sử dụng nó.

Trong các trường hợp như vậy, công chúng sẽ dễ chấp nhận các lập luận theo kiểu, nếu không có Điều 258 thì xã hội sẽ loạn lên. Hoặc, quyền gì thì quyền, cũng không thể xúc phạm đến người khác, tổ chức khác, và đặc biệt là nhà nước được. Hay xa hơn là, nước nào mà không có luật giới hạn các quyền tự do của công dân?

Nhưng một khi chúng ta chấp nhận ủng hộ hình sự hóa tất tần tật mọi hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, thì công an Việt Nam sẽ được cho phép tiến vào tận nơi nào trong không gian riêng tư của mỗi công dân?

Trước hết, công an đã từng dùng những phương pháp trái luật để lấy được các thông tin, dữ liệu cá nhân của chủ nhân các trang blog, tài khoản trên mạng xã hội, mà không cần sự đồng ý của chủ tài khoản. Đó là cách mà họ đã sử dụng để thu thập “chứng cớ” buộc tội blogger Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh theo Điều 258 BLHS.

Họ cũng có quyền tự ý xác định như thế nào là hành vi “nói xấu, xúc phạm” một ông lãnh đạo của một tập đoàn lớn, giàu có và quyền lực khi tiến hành điều tra hình sự phụ huynh Vinschool vài tuần trước.

Tiếp theo, họ rất có thể sẽ vào tận những nơi vui chơi, giải trí để quyết định xem điệu múa nào là hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Và cho dù là bản thân chúng ta không đồng ý với một bộ phục trang của vũ công, liệu công an có phải là đối tượng có quyền quyết định chúng ta có thể xem gì, mặc gì hay không?

***

Trở lại vụ việc ở Fame Bar, phía chính quyền có lẽ sẽ chẳng mở hồ sơ điều tra, và cũng chắc không có ai đi tố cáo các vũ công để họ phải vào tù cả. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Điều 258 BLHS không có cơ sở để áp dụng cho vụ Fame Bar. Mà vụ việc này đã làm rõ được một điều, đó là chính quyền có thể tuỳ tiện áp dụng cùng một điều luật lúc thế này, khi thế khác.

Nhưng nếu chúng ta yêu cầu áp dụng Điều 258 BLHS cho vụ Fame Bar hoặc bất kỳ hành vi thực thi quyền con người nào của công dân, thì chúng ta sẽ chẳng còn thật sự được thực thi bất kỳ quyền tự do cá nhân gì nữa cả.

Chúng ta vì sao cần phải giữ lại một điều luật mơ hồ và tùy tiện như Điều 258 BLHS, trong khi hoàn toàn có thể chọn sử dụng cơ chế tòa án dân sự để giải quyết tất cả các vụ việc liên quan đến những mâu thuẫn về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các cá nhân? Đó cũng là chuẩn mực chung mà Liên Hiệp Quốc và Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế kêu gọi các quốc gia thực thi, thay vì hình sự hóa các hành vi biểu đạt quyền tự do cá nhân.

***Lưu ý: BLHS 2015 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã sửa đổi Điều 258 thành Điều 331 với nội dung hầu như là không thay đổi.***

Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux