(Về các kiến nghị thời @)
Hoàng Hưng
Tôi vừa nhận được lá thư của Emma Ruby-Sachs, người điều hành AVAAZ gửi cho các thành viên của nó (tôi tham gia từ 2013, là 1 trong 44 triệu thành viên).
Avaaz là một tổ chức dân sự ở Mỹ ra đời tháng Giêng năm 2007, cổ động cho hành động toàn cầu về những vấn đề như biến đổi khí hậu, nhân quyền, quyền của súc vật, tham nhũng, đói nghèo, xung đột. Được coi là mạng hành động online lớn nhất, mạnh nhất hiện nay. Những kiến nghị của Avaaz thường thu được hằng triệu chữ ký từ rất nhiều quốc gia.
Tên của nó lấy từ tiếng Ba Tư آواز (âvâz) có nghĩa là “tiếng nói”, “bài hát”.
Lá thư của Ban Điều hành Avaaz nói về những thành tựu chỉ trong vài tuần lễ gần đây của tổ chức.
“Thật không tin nổi – chúng ta đang hạ những tên Goliath to lớn nhất của thời đại, ngay cả khi không ai tin là có thể!”.
THÀNH TỰU CỦA AVAAZ TRONG MẤY TUẦN GẦN ĐÂY:
– Ngăn được Tổng thống tham nhũng của Brazil trong kế hoạch hủy diệt một vùng sông Amazon lớn bằng nước Đan Mạch
– Có được một phán quyết của tòa án ngăn chặn Donald Trump phá hoại tính riêng tư của các tài khoản Internet
– Mở được cuộc điều tra quốc tế của LHQ về những tội ác ở Yemen mặc dù bị Ả Rập Saudi phản đối gay gắt
– Buộc chính phủ Anh xem xét sâu xa về toan tính của ông trùm Rupert Murdoch muốn thống trị truyền thông
– Quyên góp 1,6 triệu đô la giúp những người Rohingyas bị bức hại ở Myanmar và kêu gọi các quốc gia có thái độ mạnh mẽ với chính quyền nước này (Mỹ, Anh đã ủng hộ)
– Phản đối đảng cực hữu ở Đức vừa thắng cuộc bầu cử Quốc hội
– Phản đối nghị sĩ quốc hội châu Âu Korwin-Mikke kỳ thị phụ nữ (nghị sĩ này đã bị tẩy chay tại Quốc hội)
(xin xem các hình bên dưới).
Lá thư viết tiếp: “Không ai nghĩ rằng ta có thể thu được thắng lợi. Hơn một lần, người ta đã làm chúng ta nản chí, họ nói rằng những kẻ có trách nhiệm quá to lớn hoặc quá mạnh. Và tuy thế… chúng ta đã thành công! Phong trào của chúng ta đang viết nên một phiên bản mới của câu chuyện David chống lại Goliath – một phiên bản trong đó hằng triệu David, chỉ vũ trang bằng tiếng nói và niềm tin, đang làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, qua hết chiến dịch này đến chiến dịch khác”.
Và kết luận: “Tôi tự hỏi làm thế nào giải thích cho con gái mình hiểu thời đại của mình, và tôi hy vọng có thể kể một câu chuyện tuyệt đẹp về thiên tài nhân loại đã chiến thắng hận thù, sự chia rẽ, bạo lực, dịch tả và biến đổi khí hậu. Nói với bạn về những thắng lợi của chúng ta trong mấy tháng vừa qua, tôi bắt đầu tin rằng câu chuyện này sẽ có thể trở thành sự thực”.
Thú thật, khi lần đầu tiên clic chuột ký kiến nghị gì đó mà AVAZZ gửi cho, tôi cũng không nghĩ 1 chữ ký nhỏ nhoi từ một nước nhược tiểu của mình có bao nhiêu ý nghĩa! Thì ra tôi đã góp 1 phần triệu vào những thắng lợi trên. Tôi là 1 trong những chàng David nhỏ bé của thời đại!
Nhưng đó là chuyện thế giới. Còn đây là câu chuyện Việt Nam.
Gần mười năm trước đây, khi khởi xướng bản kiến nghị online đầu tiên (phản đối thu hồi tập Trần Dần-Thơ), nhóm nhà văn Hà Nội cũng không nghĩ là sẽ thắng lợi dễ dàng (sau 3 ngày Cục Xuất bản phải rút lệnh). Kiến nghị chỉ có chưa đến 150 người ký, nhưng các “ngành chức năng” bị bất ngờ, không kịp trở tay, vì trước đó họ ngăn chặn quá dễ những bản kiến nghị chuyền tay mất cả tháng trời mới đến được vài chục người (như kiến nghị của nhóm nhà văn Đà Lạt phản đối truất chức TBT báo Văn Nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc).
Ảnh: Trao kiến nghị cho Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Quốc hội (Bên trao: trái qua: GS Nguyễn Huệ Chi, nhà thơ Dương Tường, Hoàng Hưng. Bên nhận: GS Nguyễn Minh Thuyết – trái, trong).
Qua thời gian, các kiến nghị, tuyên bố ngày càng có đông người ký, bao gồm nhiều tên tuổi lớn, kể cả những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, các đảng viên lão thành nguyên cán bộ cao cấp. Từ sáng kiến của một vài nhóm trí thức, văn nghệ sĩ, “kiến nghị online” đã thành phong trào, bao gồm cả những nhóm bạn trẻ, với nội dung ngày càng đa dạng, thiết thực với đời sống người dân. Và đã có tác động ít nhiều tuy không chặn được hoàn toàn những kế hoạch hại dân hại nước (Kiến nghị phản đối giải tán tu viện Bát Nhã, Kiến nghị dừng khai thác Bauxite, Tuyên bố về vụ cướp đất Văn Giang, Kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, cho sinh viên Phương Uyên, cho blogger Quê Choa, Tuyên bố về vụ Formosa đầu độc biển,…).
Nhưng buồn thay, chỉ có một lần, kiến nghị đạt đến con số hằng vạn chữ ký là kiến nghị về Hiến pháp sửa đổi 2013. Còn thì chỉ vài ngàn là cao.
Không ít trí thức, trong đó có bạn bè tôi, vẫn làm lơ khi nhận được lời mời tham gia (vì thực tế đã có những người bị làm khó sau khi ký tên, nhưng số lớn vì… lo xa cầu an), hoặc nghĩ (hay chống chế?) rằng “kiến nghị làm gì vô ích, bọn họ đâu thèm để ý”. Và những kẻ có trách nhiệm thì ngày càng khôn ngoan, lì lợm trong việc đối phó. Kết quả là gần đây, tình trạng thờ ơ, buông xuôi thể hiện rõ trong sự giảm sút số người ký tên các kiến nghị.
Trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại Internet, sức mạnh “ngôn hành” (hành động bằng lời) không thể coi thường. Tất nhiên, không thể so sánh hiệu quả các kiến nghị của AVAAZ gửi đến những nhà nước hay đại công ty ở nước ngoài với các kiến nghị mà người dân gửi đến chính quyền VN hay Trung Cộng, vì bản chất nhà nước quá khác biệt. Nhưng tôi vẫn tin rằng sức mạnh “ngôn hành” sẽ phát huy hiệu quả khi hằng triệu David nhỏ bé liên kết với nhau. Nếu không, bọn Goliath vẫn có thể ngạo nghễ coi những người đấu tranh trên mạng chỉ là những “anh hùng bàn phím”. Có thể mượn câu nói lừng danh của một đại mafia: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền”, sửa thành “Kiến nghị không thành công với một ngàn chữ ký thì sẽ thành công với một triệu chữ ký”.
Những chàng David nhỏ bé chúng ta xin đừng nản chí! Riêng tôi, bắt chước nhạc sĩ họ Trịnh, tự nhủ mình: “Tôi ơi, đừng nản chí!”
Tác giả gửi BVN
Leave a Comment