Chỉ có Trung Quốc thiệt? (*)
Kế hoạch liên quan tới dự án metro Cát Linh – Hà Đông (một trong chín tuyến metro ở Hà Nội) lại vỡ. Nhà thầu Trung Quốc lại thất hứa. Cam kết “chạy thử liên động toàn hệ thống” vào tháng 10 năm 2017 tiếp tục là “nguồn”, bổ sung cho một “tổng kho” chuyên chứa những thề thốt!
Tuần trước, ông Đường Hồng, Giám đốc Điều hành dự án Metro Cát Linh – Hà Đông, thông báo với báo giới Việt Nam rằng, nhà thầu đã cho “tàu công trình chạy trên một số đoạn” của tuyến metro này.
Ngay sau đó, đại diện Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam lên tiếng “đính chính”, hoạt động trên tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hôm 28 tháng 9 chỉ là “chạy nháp” của “tàu công trình” (một đầu máy kéo theo một toa) để kiểm tra đường ray, chuẩn bị cho việc “chạy thử kỹ thuật tàu khách” với tốc độ 5 km/h, sau đó sẽ nâng lên 20 km/h nhằm kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Chuyện sẽ tiến hành “chạy thử liên động toàn hệ thống” vào tháng 10 năm 2017 và tiếp tục thử nghiệm như thế từ ba tới sáu tháng để đến quý 2/2018 chính thức vận hành tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hổng… có!
Hồi trung tuần tháng 9, sau khi thị sát công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Ngọc Đông, một trong các thứ trưởng của Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam, xác nhận, ý định “chạy thử liên động toàn hệ thống” vào tháng 10 năm 2017 khó thực hiện vì nhiều hạng mục vẫn còn dở dang. Vào lúc này, nhà thầu Trung Quốc mới chỉ lắp đặt được chừng 40% thiết bị
Chưa rõ nhà thầu Trung Quốc hay Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam hoặc cả hai vừa đặt ra “mốc” mới: Sẽ tổ chức “chạy thử liên động toàn hệ thống” vào… tháng 4 năm 2018! Tuy nhiên chẳng ai dám chắc “mốc” mới đó đã là “mốc” cuối cùng cho công đoạn “chạy thử liên động toàn hệ thống” hay chưa…
***
Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là dự án metro đầu tiên tại Việt Nam. Lẽ ra dự án này phải hoàn tất hồi 2013 nhưng đến nay – 2017 – vẫn chưa thể “chạy thử liên động toàn hệ thống”.
Đó cũng là lý do dự án metro Cát Linh – Hà Đông được xem là điển hình cho hợp tác Việt – Trung về vốn, nhà thầu, công nghệ nhằm… phát triển kinh tế – xã hội mà Việt Nam luôn là phía phải “ngậm đắng, nuốt cay”.
Sau nhiều lần thất hứa, năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào tháng 6 năm 2015 tuy nhiên đến tháng 6 năm 2015 thì thời điểm khánh thành được dời lại tới cuối năm 2015. Cuối năm 2015, báo giới Việt Nam cho biết phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử…
Năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới dự án metro Cát Linh – Hà Đông không phải là Việt Nam bắt đầu vận hành công trình đường sắt nội đô đầu tiên mà là chính phủ Việt Nam sẽ phải ký một thỏa thuận, đề nghị vay thêm tiền từ Trung Quốc để hoàn tất tuyến metro Cát Linh – Hà Đông bởi nhà thầu Trung Quốc bảo rằng, không đưa thêm tiền thì công trình không xong.
Tuy các chuyên gia và dân chúng tỏ ra hết sức phẫn nộ vì lúc đầu, nhà thầu Trung Quốc bảo rằng, chi phí cho việc thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông chỉ có 553 triệu Mỹ kim nhưng lúc thực hiện gói thầu, vừa liên tục gây tai nạn chết người (cẩu đổ xong thì chuyển qua… đứt cáp, lúc thì làm rơi dầm thép, lúc thì làm rớt cọc thép, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông), vừa đòi thêm 339 triệu Mỹ kim nhưng chính quyền Việt Nam vẫn phải hỏi Trung Quốc xin vay thêm tiền vì trót phóng lao!
Trung tuần tháng 5 năm 2016, Việt Nam chính thức ký hiệp định vay thêm của Trung Quốc 250,62 triệu Mỹ kim. Đây là một trong năm “văn kiện hợp tác” giữa Việt Nam và Trung Quốc trong dịp ông Trần Đại Quang, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm Trung Quốc hồi giữa năm ngoái.
Đại diện Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam từng phân bua với dân chúng Việt Nam rằng, trong việc thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông, sở dĩ Việt Nam liên tục bị động, mọi thứ từ chuyện vay mượn đến thời gian thực hiện liên tục thay đổi vì phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Bởi vay tiền của Trung Quốc để thực hiện tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, ngoài việc phải giao dự án cho nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của Trung Quốc. Chi phí cho việc mua hệ thống đường ray, hệ thống thông tin – tín hiệu và 13 đoàn tàu vào khoảng 200 triệu Mỹ kim.
Việc nhà thầu Trung Quốc không thể tổ chức “chạy thử liên động toàn hệ thống” ở công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông trong tháng này được giải thích là do thiếu tiền. Giống như trước đây, tại công trường xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông dù “hạng mục nào cũng dở dang” nhưng nhà thầu Trung Quốc “không thi công”.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông của Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam tiết lộ, dù hiệp định vay bổ sung 250,62 triệu Mỹ kim đã được ký hồi trung tuần tháng 5 năm ngoái nhưng việc giải ngân đang gặp trục trặc. Giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và China Exim Bank (nơi cho vay) đang có bất đồng.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam thì trấn an rằng chuyện chậm giải ngân “chỉ gây thiệt thòi cho nhà thầu Trung Quốc” còn Việt Nam không bị ảnh hưởng.
Bao nhiêu người tin vào điều ông Nghĩa khẳng định?
(*) Tựa nguyên thủy của tác giả
Leave a Comment