Năm 2017 vẫn tiếp tục chứng kiến chuỗi hành động “lạ” mang tính phản kháng của dân chúng đối với chính quyền – điều mà ngày càng hợp lẽ với sắc thái “bất tuân dân sự” trong từ điển dân chủ hóa của các quốc gia phương Tây.
Bất tuân dân sự tiểu thương
Cuộc bãi thị – biểu tình của bà con tiểu thương chợ An Đông vào ngày 19/9/2017 là minh họa mới nhất về phong trào bất tuân dân sự không cần Luật Biểu tình đang nổi lên ở Việt Nam. Tuy nhiên, đặc thù nổi bật không kém của cuộc biểu tình này là không phải xuất phát từ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền theo truyền thống, mà từ chính những người dân bị xâm phạm nặng nề kế sinh nhai bởi chính sách nhà nước cùng sự lũng đoạn của những nhóm lợi ích.
Hoàn toàn không mang sắc thái chính trị trong cuộc bãi thị – biểu tình trên. Tất cả vẫn chỉ là vấn nạn cơm áo gạo tiền. Tiểu thương quận 5 đòi quyền lợi chính đáng, đòi minh bạch, yêu cầu câu trả lời thỏa đáng từ ban quản lý chợ và Ủy ban nhân dân quận 5 về việc số tiền hơn 200 tỷ đồng họ đóng góp sửa chợ sau bốn năm mà Ban quản lý chợ không thực hiện thi công; bắt tiểu thương ký hợp đồng thuê sạp trong khi họ đã mua hẳn sạp trước đó nhiều năm…
Thoạt nhìn, cuộc phản kháng này tiểu thương quận 5 cũng tương tự nhiều cuộc phản kháng của người dân bị biến thành dân oan đất đai ở nhiều khu vực, cũng bắt đầu bằng việc kiến nghị tập thể, khiếu nại tập thể, tố cáo tập thể, và thường là tập trung đông người tại văn phòng tiếp công dân của chính quyền để phản đối.
Tuy nhiên, cuộc phản kháng của tiểu thương quận 5 lại không chỉ dừng ở những điểm nhấn trên. Rất dễ để nhận ra rằng về mặt tổ chức, cuộc phản kháng này rất quy củ, thể hiện qua đồng phục màu đỏ và các yêu sách in trên băng rôn; quá trình bãi thị, tuần hành và biểu tình có tính tổ chức cao; người tổ chức đoàn đi nhắc nhở việc giữ hàng và bà con tiểu thương làm theo; chiếm được sự đồng cảm và ủng hộ của rất nhiều người dân; bước đầu đã đạt được kết quả: chính quyền quận 5 phải xin lỗi tiểu thương.
Con số biểu tình cũng lớn chưa từng có đối với loại hình “điểm nóng tiểu thương”: 2 ngàn người. Trước đây, một số cuộc biểu tình của tiểu thương ở Sài Gòn và những tỉnh khác như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Sài Gòn… cao lắm cũng chỉ vài trăm người.
Cuộc biểu tình của tiểu thương quận 5 cũng là cuộc phản kháng có con số người tham gia đông nhất kể từ cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và phản đối Formosa của người dân Sài Gòn vào tháng Năm năm 2016 với số người tham gia lên đến khoảng 5 ngàn người.
Nhưng như đã đề cập, điểm khác biệt chính của cuộc biểu tình của tiểu thương quận 5 với những cuộc biểu tình nhân quyền là vào lần này hoàn toàn xuất phát từ tính tự phát của người dân. Với số lượng người tham gia đến 2 ngàn và cũng khoảng 2 ngàn cái áo màu đỏ, chỉ riêng chi tiết này đã cho thấy công tác tổ chức may áo và phân phát áo, cùng công tác liên lạc, tổ chức hậu cần nói chung rất dễ bị công an phát hiện và tìm cách ngăn chặn như công an đã từng ngăn chặn rất nhiều cuộc biểu tình nhỏ trước đây.
Có thể cho rằng việc bảo đảm bí mật của công tác tổ chức hậu cần của cuộc phản kháng trên là một thành công đáng kể. Nhiều dấu hiệu bộc lộ sau đó đã cho thấy chính quyền và kể cả công an cũng bị bất ngờ trước cuộc xuống đường của bà con tiểu thương. Thậm chí cuộc biểu tình này còn biến thành một cuộc tuần hành thành công đến tận trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố số 86 đường Lê Thánh Tôn, quận Một.
Thắng lợi về công tác bảo mật của cuộc biểu tình An Đông lại có thể được khơi nguồn từ thắng lợi của một chiến dịch lớn hơn thế nhiều gần nửa năm về trước: “rào làng chiến đấu Đồng Tâm” ngay tại thủ đô Hà Nội. Cho tới nay và kể cả khi đã phải dùng tới các cơ quan điều tra của công an, Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng cùng nhiều cơ quan phối thuộc khác, việc tại sao người dân Đồng Tâm vẫn giữ được tính kỷ luật cao và tin tức nội tình kín đến thế vẫn là một dấu hỏi khiến chính quyền điên đầu.
Cuộc trước là nguồn cảm hứng cho cuộc sau
Trong một chế độ chính trị đậm não trạng và thói trấn áp dân theo lối “lấy thịt đè người”, số lượng người biểu tình chiếm vai trò quan trọng nhất. Thông thường, những cuộc biểu tình chỉ có từ vài chục đến dưới một trăm người luôn bị công an dùng chiến thuật vây bọc, chia tách xé lẻ thành từng nhóm nhỏ để dễ chia cắt và bắt giữ. Nhưng với những cuộc biểu tình có số lượng từ vài trăm người trở lên, xác suất an toàn và thành công là cao hơn hẳn. Ở Sài Gòn, cuộc biểu tình mang tính “kinh điển” vào tháng Năm 2014 phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lên đến hàng chục ngàn người khiến toàn bộ lực lượng công an, dân phòng, quân đội bất động.
Phong trào bất tuân dân sự đang lớn mạnh và khởi sắc hẳn. Cuộc trước là nguồn cảm hứng cho cuộc sau. Từ các cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh và tổng đỉnh công của công nhân một số tỉnh Nam Bộ vào năm 2015 đến phong trào biểu tình phản dối Formosa của người dân miền Trung vào năm 2016, để đến nay không thể không nghĩ đến việc bà con tiểu thương An Đông đã được cánh lái xe phản đối các trạm BOT thu phí truyền cảm hứng và kinh nghiệm phản kháng dân sự đối với chính quyền.
Bất tuân dân sự ở trạm thu phí BOT lại không còn là hiện tượng đơn lẻ.
Khởi nguồn từ tháng Tư năm 2017, phương cách phản ứng một cách sáng tạo và hợp pháp của người dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đối với trạm thu phí Bến Thủy 1 là dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng hay 1.000 đồng để mua vé. Không những tự mình phản kháng mà nhiều người đã thu góp một số lượng lớn tiền lẻ để phát cho những người khác và sau đó tập trung đi qua cầu để phản đối việc thu phí. Họ đi chậm cách nhau khoảng 15 m. Kết quả của việc phản kháng này là tạo nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng và khiến rối đầu chính quyền.
Lực lượng công an đã phải bó tay vì không thể đàn áp người dân trả phí đàng hoàng. Lực lượng này chỉ còn làm được chuyện duy nhất là giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều cây số.
Vào đầu năm 2017, việc nhà cầm quyền phải nhân nhượng miễn phí 100% cho người dân 4 huyện 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh qua cầu Bến Thủy 1 là thắng lợi tiêu biểu đầu tiên của cuộc đấu tranh bền bỉ và sáng tạo của nhân dân, đánh dấu những bước đi khởi đầu thành công của phong trào bất tuân dân sự tại Việt Nam.
Phương thức phản kháng đầy sáng tạo này của người dân Nghi Xuân đã được áp dụng và lan rộng sang nhiều lãnh vực khác. Đến tháng Tám và tháng Chín năm 2017, hàng loạt cuộc phản kháng khôn khéo nhưng có hiệu quả đã được giới lái xe ứng dụng thành công ở nhiều trạm thu phí BOT trên nhiều vùng…
Càng về sau này, yếu tố tổ chức và hơn nữa là tổ chức có kỷ luật chặt chẽ càng nổi lên trong những hoạt động bất tuân dân sự. Mối dây liên lạc và phổ biến kinh nghiệm đã hình thành càng rõ rệt giữa các nhóm lái xe ở các tỉnh thành, đặc biệt được chi tiết hóa về cách thức dùng tiền lẻ để trả tiền thu phí và cách “câu giờ” càng lâu càng tốt… Công an đành đứng ngoài cuộc mà không còn dám hầm hè đe dọa lái xe như trước đây. Một số chủ trạm BOT đòi truy tố lái xe nhưng nếu công an làm như vậy lại trái luật. Không còn cách nào khác, một số trạm thu phí đã phải “xả trạm”, để dòng xe lưu thông qua trạm mà không thu phí…
Từ bất tuân dân sự Đồng Tâm đến bất tuân dân sự BOT và bất tuân dân sự tiểu thương, phong trào này đang có triển vọng lan rộng và hiệu quả chiều sâu trong những hoạt động xã hội khác như phản đối tăng giá xăng, giá điện, phản đối chính sách trưng thu đất đai vô lối và những chính sách ảnh hưởng trầm trọng đến dân sinh. Dần vượt qua nỗi sợ hãi, người dân cùng nhau xuống đường!
Phong trào bất tuân dân sự đã đến giới hạn không cần đến Luật biểu tình nữa!
Xuống đường!
Công an chẳng biết phải làm gì để “siết” nữa. Từ lâu, những đòn phép đối phó với phong trào biểu tình dân oan từ năm 2007 và biểu tình chính trị từ năm 2011 đã được tung ra hết: trên hết là thói trấn áp và “biện pháp nghiệp vụ” của ngành công an, sau đó là luật Giao thông đường bộ, luật Hình sự về “gây rối trật tự công cộng”, kể cả những điều luật khắc nghiệt chính trị như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (258), “tuyên truyền chống nhà nước” (88), “lật đổ chính quyền nhân dân” (79) đã từ lâu được dùng để áp chế giới bất đồng chính kiến nhưng chỉ khiến nảy sinh “bắt một sinh mười”.
Trong thực tế, chế độ đã đau đầu tìm cách quay lưng lại với luật Biểu tình từ ít nhất một phần tư thế kỷ qua, nếu tính từ thời điểm quyền tự do biểu tình của dân chúng được Hiến pháp năm 1992 quy định.
Nhưng đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Bây giờ, mọi chuyện đã quá muộn đối với chính thể. Quá muộn để “lấy lại lòng tin của nhân dân”. Cũng quá muộn để ban hành luật Biểu tình.
Leave a Comment