Quảng Cáo

BOT Cai Lậy không đủ tiền mua lại: cần truy trách nhiệm ông Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng?

Trạm thu phí Cai Lậy

Quảng Cáo

Trong đó, cần phải đặt ra quyết định cách chức tất cả những người liên quan trực tiếp đến sai phạm dự án, mà nổi bật là ông Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nay đương chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng vì những sai phạm và nghi vấn trong quá trình phê duyệt dự án (có yếu tố lợi ích nhóm trong này).

Mới đây, trong văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM về các vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), theo đó: Không có tiền mua lại dự án để dời trạm thu phí Cai Lậy.

Như vậy, theo đúng quy trình thì BOT Cai Lậy sẽ sớm hoạt động trở lại. Và những sai lầm gây ra bởi ông Hoàng Trung Hải (lúc làm Phó thủ tướng) và Bộ GTVT gây ra phải do dân chịu.

Và trong văn bản mới đây, Bộ GTVT đang có xu hướng đổ thừa cho chính quyền tỉnh.

Những câu hỏi đặt ra

Một là, Bộ GTVT gây cho người dân một sự bối rối không hề nhẹ khi diễn giải rằng, nếu mở rộng quốc lộ qua thị xã Cai Lậy, thì tất cả xe cộ đi trên Quốc lộ 1 sẽ mất phí, tổng phí người dân trả sẽ lớn hơn.

Nhìn vào quan điểm này, cứ tưởng Bộ GTVT “biết lo cho dân”, nhưng thực tế chỉ là một cái diễn giải vòng vo, vì ngay sau đó, Bộ này đã cho biết, sau khi nghiên cứu một cách tối ưu thì phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp với cải tạo mặt đường quốc lộ 1 lại “đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1”.

Và ý đồ của Bộ GTVT chính là việc “đảm bảo hoàn vốn và hiệu quả dự án tài chính” hơn là “cải tạo, tăng cường, giảm ùn tắc”.

Hai là, để tăng cường ý đồ “thanh minh, chối tội” của mình, Bộ GTVT lại cho rằng, dự án này đã được các cơ quan liên quan và cơ quan đại diện cho nhân dân khu vực xem xét, chấp thuận trên cơ sở so sánh các phương án đặt trạm. Hay chính xác hơn là, “tỉnh Tiền Giang đã thống nhất bằng văn bản về phương án đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 khi thực hiện dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4km quốc lộ 1 qua Tiền Giang”.

Nhưng thực tế cho thấy, trước đó không lâu, chính quyền tỉnh Tiền Giang cho báo chí biết là đầu tiên chỉ “đề nghị làm tuyến tránh Cai Lậy bằng tiền ngân sách”. Nhưng sau đó, “không rõ vì sao Bộ GTVT lại kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT”. Bản thân tỉnh này hoàn toàn “mù thông tin chi tiết” về dự án “của Bộ GTVT” (tỉnh chỉ làm công tác giải tỏa mặt bằng).

Ba là, Bộ GTVT nói dối đến mức, cho rằng chính tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa vào hạng mục “Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1”, nhưng lãnh đạo tỉnh đã khẳng định là không có.

Ông Nguyễn Văn Thể thời làm Thứ trưởng GTVT, nay là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: VNTB

Trên cơ sở này, có thể nhận thấy trách nhiệm cụ thể của sai phạm BOT Cai Lậy ngay từ thời điểm đặt bút ký phê duyệt dự án thuộc về Bộ GTVT (mà người ký duyệt là ông Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, cũng là người thêm cụm từ mang tính quyết định sai phạm của BOT Cai Lậy là từ “Tăng cường mặt đường đoạn Km1987+500 – KM 2014+000”) và ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (người có chủ trương đồng ý đầu tư tuyến tránh Cai Lậy theo BOT).


Bài liên quan:
BOT, ai đang làm nhục đảng, nhà nước?
Dân còn chịu được, thì bóp là đúng?
Đấu tranh bất bạo động: thất thủ BOT là tất yếu


Giờ đây, khi sai phạm của BOT gây bức xúc dư luận và những người bị buộc trả thuế 2 lần trên cùng 1 tuyến đường qua Cai Lậy, thì Bộ GTVT vẫn quyết tâm “phóng theo lao” khi cho rằng, không thể di chuyển trạm BOT Cai Lậy vào tuyến tránh bởi nếu di dời nhà nước phải mua lại nhưng không thể thực hiện được do ngân sách nhà nước hạn hẹp, không bố trí được. Đây là một điều đáng phê phán, bởi bản thân việc lên tiếng không còn đủ ngân sách chi để mua lại BOT Cai Lậy thể hiện tính vô trách nhiệm của Bộ GTVT. Tại sao người dân đóng hàng trăm thứ thuế, trong đó thuế bảo trì đường bộ, mà giờ bảo là không có ngân sách thì tiền đi đâu và về đâu? Hay Bộ GTVT coi dân như lũ ngu, quán triệt thu thuế như cách TS Vũ Đình Ánh từng đăng đàn: thuế là gì là thu thuế như vặt một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt.

Bộ GTVT từng kết luận về trạm thu phí Cai Lậy là “không sai, không dời, không mua lại” là thách thức dư luận, giờ đây tuyên bố “không đủ ngân sách mua BOT” là đổ tội cho người dân, tráo trở đối với chính quyền tỉnh Tiền Giang.

Giải pháp đặt ra đối với BOT Cai Lậy

Một là Bộ GTVT và những người có trách nhiệm trực tiếp gây ra sai phạm này cần phải bị xử lý trong trường hợp BOT Cai Lậy tiếp tục trở thành điểm nghẽn về bức xúc dư luận cũng như vận chuyển hành khách – hàng hóa qua địa bàn. Trong đó, cần phải đặt ra quyết định cách chức tất cả những người liên quan trực tiếp đến sai phạm dự án, mà nổi bật là ông Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nay đương chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng vì những sai phạm và nghi vấn trong quá trình phê duyệt dự án (có yếu tố lợi ích nhóm trong này). Đồng thời làm rõ trách nhiệm liên đới của ông Hoàng Trung Hải trong thời điểm “đồng ý về chủ trương” đối với dự án này. Một trong những hình phạt dành cho ông Nguyễn Văn Thể là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS 2015.

Trong trường hợp mua lại BOT Cai Lậy, nên trích quỹ Bảo trì đường bộ ra trả 400 tỷ – liên đới trực tiếp đến “Tăng cường mặt đường đoạn Km1987+500 – KM 2014+000” (BOT Cai Lậy được đầu tư chủ yếu dựa trên tăng cường mặt đường quốc lộ 1A qua Cai Lậy). Bởi bản thân đây là nguồn gốc của vấn đề gây xung đột giữa quyền lợi nhà đầu tư và người dân.

Trong một nhận định có liên quan, thì “không đủ tiền ngân sách mua BOT Cai Lậy” nghiệm đúng quan điểm của ông Nguyễn Quang Duy viết cho BBC Vietnamese gần đây, theo đó: “BOT là tảng băng chìm của nợ công. BOT đang tạo sóng ngầm và BOT Cai Lậy là một thách thức lớn mà giới chức cộng sản Việt Nam đang phải đương đầu”.

Và sau siêu Bộ (Bộ Công thương) thì giờ đây, ông Nguyễn Phú Trọng nên làm rõ hơn lợi ích nhóm trong Bộ GTVT.

Mẫn Nhi – VNTB (ijavn.org)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux