Vụ án kinh tế Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cuối cùng cũng đã được đưa ra xét xử. OceanBank được Nguyễn Phú Trọng trong cương vị thường trực Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng trung ương gọi là “đại án”. Đây có thể coi là một trong nhiều nỗ lực mà ông Trọng muốn cho mọi người thấy “quyết tâm” chống tham nhũng của triều đại ông.
Lâu nay ông Trọng đã nói nhiều về chống tham nhũng và chỉ nói những điều linh tinh nên để vuột mất nhiều con mồi tưởng chừng đã nắm chặt trong tay. Bị chê cười, mới đây ông Trọng liều mình chỉ thị cho đàn em “bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh” gây ra một vụ khủng hoảng ngoại giao chưa từng có với nước Đức. Lần này qua vụ án OceanBank, “quyết tâm” của tổng bí thư đảng được nhìn thấy ra sao?
Thứ nhất, trong thời gian hoạt động phô trương rầm rộ nhưng đầy sai lầm của mình, OceanBank đã làm thất thoát hàng trăm triệu đô la qua nhiều thương vụ mờ ám mà ngày nay ra trước tòa dư luận mới biết được. Liên minh ma quỷ giữa OceanBank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy có tới 246 tỷ đồng tiền “lại quả” hay còn gọi “tiền đấm bóp” dưới hình thức nghe rất êm tai là “chăm sóc khách hàng” được trao vào tay lãnh đạo đầu sỏ như cho không. Kết quả lối làm ăn tắc trách lấy tiền chung đút túi riêng khiến OceanBank đi dần đến phá sản nếu không được Ngân hàng Nhà nước cứu bồ, dang tay mua lại với giá 0 đồng.
Thứ hai, trước vành móng ngựa, ngày 15 tháng 9, Hà Văn Thắm nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị OceanBank bị đề nghị án chung thân, còn Nguyễn Xuân Sơn nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia bị tử hình. Xem ra đây là một mức án hơi lạ vì Thắm mới thực sự là chủ nhân của Ngân Hàng Đại Dương, người chịu trách nhiệm chính làm thất thoát 2.000 tỷ đồng trong khi ngân hàng họat động.
Nhưng chuyện lạ quan trọng hơn hết là mặc dù có bằng chứng rõ ràng, sự liên hệ giữa Nguyễn Xuân Sơn và Đinh La Thăng hoàn toàn vắng bóng trong vụ án này. Chính một luật sư bào chữa cho Sơn tiết lộ tại tòa rằng “có một văn bản thỏa thuận cam kết giữa PVN và OceanBank ký ngày 18 tháng 9 năm 2008 giữa ông Đinh La Thăng lúc đó là Chủ tịch HĐQT PVN và ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT OceanBank.”
Bài Liên Quan:
- OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn tử hình và Hà Văn Thắm chung thân?
- Đinh La Thăng là củi tươi hay củi khô?
- “Chống tham nhũng”: Xã hội dần bị định hướng bởi yếu tố phe cánh
- PetroVietnam có thể bị ‘mổ’ theo cách nào?
Theo đó, Đinh La Thăng là người đã ký văn thư yêu cầu các công ty con của Tập Đoàn Dầu Khí phải bỏ tiền vào OceanBank, biến OceanBank thành một thứ sân sau của Tập đoàn Dầu khí để dễ dàng lũng đoạn tài chánh và thủ lợi riêng. Cũng chính nhờ chỉ thị này của Thăng mới mở đường cho Nguyễn Xuân Sơn dùng chiêu thức “chi trả tiền lãi ngoài cho các khách gửi tiền”. Đây là một sự chiếm đoạt tài sản công, hay nói khác đi là một hình thức tham ô ngầm: lấy tiền nhà nước đưa vào túi riêng một cách hợp pháp. Thiên hạ gọi đó là luật ngầm ở PVN và nó tồn tại lâu dài được nhờ sự cấu kết chặt chẽ giữa các lãnh đạo ngân hàng Đại Dương và PVN. Không khác một tổ chức tội phạm mafia, chế độ toàn trị CSVN đã dung dưỡng những luật ngầm như thế này khắp các cơ quan đầu não của chính phủ và các công ty kinh doanh mà mọi người trong cuộc coi như một thứ luật lệ bất thành văn phải noi theo.
Nó cũng đích thực là luật ngầm của đảng CSVN khi mà các phe nhóm tìm cách tẩu tán tài sản quốc gia qua con đường “chi trả lãi”, “tiền cố vấn”, tiền trà nước”, “tiền tiếp khách”, “tiền huê hồng”, “tiền xây dựng công trình”… và biết bao thứ tiền cắn xé từ ngân sách. Cũng nhờ những trò ma mảnh bẩn thỉu ấy mà nền kinh tế èo uột của Việt Nam liên tục xuất hiện những “đại gia ngân hàng” loại Trầm Bê, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm v.v… bên cạnh những cán bộ nhà nước chuyên nghề làm đày tớ dân nhưng gia sản hàng trăm triệu đô-la.
Qua vụ án OceanBank đã cho người ta thấy vấn đề tham ô, nhũng lạm đã trở thành một hệ thống ngày nay lộ rõ trên bề mặt, nhưng CSVN chỉ thỉnh thoảng mang ra xử vài con dê tế thần.
Một mình Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm không thể và không dám “cố ý làm trái” nếu đèn xanh không được bật từ bên trên. Tất cả đều qua những tính toán khôn khéo để làm sao có được cái vỏ bao che an toàn và hợp pháp. Trong suốt một thời gian dài, thử hỏi Đinh La Thăng và trên đó là Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Phó thủ tướng đặc trách công nghiệp Hoàng Trung Hải, và trên hết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ liên đới trách nhiệm ra sao? Nhưng tất cả đều ngồi trên luật pháp và không sợ bất cứ một dư luận dòm ngó nào bên ngoài. Làm sao triệt hạ được vấn nạn tham nhũng khi nó là con đường sống, là chất keo gắn kết mọi loại cán bộ đảng tha hóa quyền lực từ trên xuống dưới.
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Phú Trọng đã khoát lác rằng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Giờ đây rõ ràng cái lò của ông Trọng chỉ dám đốt củi mục chứ không dám đốt củi tươi như ông Trọng huyênh hoang, thậm chí có khi chỉ là cái lò làm kiểng mua vui.
Cái gọi là “đại án OceanBank” chỉ cố quy trách nhiệm cho Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm mà không dám đụng đến Đinh La Thăng, trong khi PVN cũng mất trắng 800 tỷ vì Nguyễn Văn Bình quyết định mua OceanBank với giá 0 đồng.
Chừng nào Tổng Trọng còn loay hoay chống tham nhũng với những con dê tế thần như Sơn và Thắm chừng ấy hệ thống tham nhũng trong đảng CSVN càng vững mạnh và phát triển hơn bao giờ hết.
Leave a Comment