Cuộc đấu khẩu về “đầu mối quản lý nợ công là ai?” giữa Quốc hội và Chính phủ ròng rã trong vài tháng qua đã thêm một lần nữa, trong rất nhiều lần, làm lộ ra một đặc thù lớn của buổi “chợ chiều chính thể”: “chỉ muốn ăn, không muốn làm”.
Trong khi phía chính phủ vẫn cố gắng bảo lưu quan điểm “cả ba bộ cùng quản lý nợ công” là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, thì phía quốc hội lại muốn phải có một bộ nào đó chịu trách nhiệm chính về quản lý chứ không thể “dàn hàng ngang cùng tiến” theo cách không cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Cuộc đấu khẩu trên lại diễn ra trong bối cảnh nguồn vốn ODA không còn là “chùm khế ngọt”, mà từ năm 2015 đến nay và trong những năm tới là “vay ít trả nhiều”. Nếu vào thời “tiền nhiều như quân nguyên” và “ăn của dân không chừa thứ gì” của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giới chức chính quyền thả giàn vay vốn ODA mà không thèm nghĩ đến việc phải hoàn trả, thì từ tháng Bảy năm 2017, các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu và kể cả người Nhật đã gần như đóng hẳn cánh cửa vay vốn ODA với lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn cho Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA với mức lãi suất cao gấp 3 lần và thời gian ân hạn giảm đi một nửa so với trước đây.
Liên tiếp từ năm 2015 đến nay, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 260 ngàn tỷ đồng, nhưng cũng hàng năm lại phải vay đến 350 ngàn tỷ đồng để bù đắp cho nạn rỗng ruột ngân sách.
Bài liên quan:
– Việt Nam chìm trong nợ công, có thể gây bất ổn xã hội
– Chính phủ từ chối ‘nợ riêng’: Doanh nghiệp nhà nước sẽ đua nhau phá sản
– Việt Nam in tiền ồ ạt, ngân hàng phải cấp tốc đẩy tín dụng?
Vào tháng Ba năm 2016, một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đã thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.
Trong khi đó, nợ công thực chất bao nhiêu vẫn là một nghi ngờ cực lớn đối với dư luận xã hội.
Vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng “ra lệnh” chỉ nằm vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào phạm trù nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011.
Nhưng cho đến nay, “người thừa kế” của ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa vượt thoát khỏi bức tường kiên cố giả tạo của các bộ ngành đảm trách việc vay và trả nợ. Số báo cáo về nợ công của chính phủ hiện thời vẫn chỉ “sát ngưỡng nguy hiểm,” tức sát mức 65% GDP, cho dù vào đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã buột ra một đánh giá xuất thần: “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần.”
Song một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã cho biết nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng Cục Thống Kê năm 2014 là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài Chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, lên đến 210% GDP.
Đó cũng là nguồn cơ sâu xa khiến Bộ Tài chính đề xuất và được Chính phủ lẫn Quốc hội “gật” ngay là “tống khứ” nợ của doanh nghiệp nhà nước khỏi phạm trù nợ công quốc gia để tỷ lệ nợ công/GDP giảm đáng kể.
Còn giờ đây là phần “quản lý trả nợ” mà đang khiến cho các bộ ngành đùn đẩy trách nhiệm, không một cơ quan nào muốn phải “đổ vỏ” cho thời Nguyễn Tấn Dũng.
Một sự thật về tình trạng “chỉ muốn ăn, không muốn làm” là từ rất nhiều năm qua, nhiều bộ ngành đã tìm cách “ôm” hết các thẩm quyền cấp giấy phép, từ giấy phép mẹ đến vô số giấy phép con, để thu lợi cho ngành và vô số thu lợi bất chính khác,… mà gần như không quan tâm đến vai trò và công tác “hậu kiểm.” Trong khi đó, nhiều chính quyền địa phương cũng chỉ chăm bẳm đòi hỏi buộc các bộ ngành trung ương phải “nhả” quyền cấp giấy phép cho mình mà cũng chẳng thèm đoái hoài đến việc phải quản lý kinh tế-xã hội sau khi cấp phép. Một cuộc tranh ăn không hơn không kém. Kết quả là trong lúc nạn cấp phép trở nên quá nhiều và bừa bãi, nền kinh tế lại xuất hiện quá nhiều doanh nghiệp “ma” mà chẳng ai biết ở đâu đến và biến mất đàng nào. Xã hội cũng bởi thế nhanh chóng rơi vào trạng thái “loạn”: loạn cấp phép, loạn cấp quản lý, loạn thanh tra, loạn hành dân…
Sau quá nhiều năm “ăn của dân không chừa thứ gì,” giới quan lại Việt Nam đã tích tụ được não trạng và thói quen “có ăn mới có làm,” đi cùng với “không ăn không làm.” Tất cả những gì thuộc về “không màu,” “không ăn” đều được đẩy cho nhau hoặc đẩy vọt lên cấp chính phủ để các phó thủ tướng và thủ tướng phải cùng chịu trách nhiệm…, mà cơ chế quản lý nợ công đang là một minh họa hùng hồn.
Thiền Lâm – Cali Today