1. Trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, người ta chỉ có thể trở thành giàu có khi mang lại giá trị gia tăng cho các đối tác.
Trong nền kinh tế thị trường phát triển, ví dụ như ở Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật…, bạn chỉ có thể trở thành người giàu có nếu bạn đem lợi ích cho những đối tác của bạn, trong đó có những người cung cấp nguyên vật liệu cho bạn, người bán hàng của bạn, người tiêu dùng mua món hàng của bạn và cả những người công nhân làm việc cho bạn. Bởi vì đơn giản là nếu bạn không đem lại lợi ích cho họ thì họ sẽ không còn là đối tác của bạn nữa. Bạn sẽ bị bật ra khỏi thương trường.
Thậm chí, ngay cả các Mall, Mart… của các nước phát triển được đưa vào những nước đang phát triển như Trung Quốc hay Việt Nam và một số nước khác thì các ông chủ của những chuỗi giá trị này cũng mang lại giá trị gia tăng cho người Trung Quốc và người Việt Nam… vì nếu chúng ta không cảm nhận được những giá trị đó thì chúng ta sẽ không mua hàng trong siêu thị mà sẽ mua ở các cửa hàng nhỏ, mua ở chợ hay mua ngay trên hè phố. Chúng ta có quyền lựa chọn và nhất định chúng ta sẽ chọn nơi mang lại cho mình nhiều thoải mái nhất.
Băn khoăn lớn nhất có lẽ là các công ty có vốn FDI. Theo quan điểm của nhiều người ở những nước tiếp nhận vốn FDI và của hầu hết người dân các nước đã phát triển thì người lao động làm cho các doanh nghiệp FDI phải làm việc và sống trong những điều kiện quá tệ hại, với đồng lương chết đói. Nhưng hoàn toàn không phải như thế. Tại sao người nông dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành khác lại sẵn sàng vào Bình Dương tìm việc? Đấy là vì điều kiện làm việc trong các nhà máy may, nhà máy giầy, nhà máy lắp ráp… ở Bình Dương tốt hơn điều kiện làm việc trên những cách đồng ở quê nhà của họ và lương cũng cao hơn. Họ là những người có quyền tự do lựa chọn, chắc chắn là họ không đi làm xa quê với đồng lương thấp hơn. Tất cả những điều trình bày bên trên được thể hiện rõ trong tác phẩm Thị Trường và Đạo Đức (bản tiếng Anh còn có phụ đề: Những điều mà các giáo sư không nói với bạn)
Thậm chí người tiêu dùng ở các nước đã phát triển còn tẩy chay những món hàng do tù nhân sản xuất hay sản xuất mà không đáp ứng được điều kiện bảo vệ môi trường và an toàn lao động.
Đấy là chưa nói các nhà đại tư bản mang lại lợi ích cho toàn thế giới, mà gần đây nhất là Bill Gates, Mark Zuckerberg và rất nhiều người khác.
Tóm lại, câu của Balzac: “Đằng sau mọi tài sản kếch xù đều là tội ác”, chỉ đúng khi chưa có kinh tế thị trường hay khi thị trường còn sơ khai, thường được gọi là tư bản hoang dã, không thể áp dụng cho các nền kinh tế thị trường phát triển đương đại. Trong nền kinh tế thị trường đương đại, người ta chỉ có thể trở thành giàu có khi mang lại giá trị gia tăng cho các đối tác.
2. Đằng sau mọi tài sản kếch xù đều là tội ác là kết quả của luật pháp sai lầm
Khi chưa có nền kinh tế thị trường, người ta chỉ có thể tích lũy của cải bằng cách cướp bóc, vì thế mà tất cả các tôn giáo đều coi khả năng người giàu có được lên thiên đàng/giải thoát cũng khó chẳng khác gì con bò chui qua lỗ trôn kim.
Ngay cả khi đã có thị trường rồi, nhưng nếu nhà nước can thiệp vào lĩnh vực kinh tế, tức là khi nhà nước vượt ra khỏi chức năng của nó: Bảo vệ tính mạng, bảo vệ quyền tự do và tài sản của của các công dân, và đặt ra những luật lệ nhằm chuyển tài sản của người/nhóm người này cho người/nhóm người khác (Trong tác phẩm Luật Pháp, Frédéric Bastiat gọi là cướp bóc hợp pháp) thì sẽ xảy ra hiện tượng “Đằng sau mọi tài sản kếch xù đều là tội ác”
Ví dụ rõ nhất là luật đất đai. Luật này qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một ví dụ về cướp bóc hợp pháp. Nếu luật đất đai qui định đa sở hữu về đất đai, tức là những người đang ở/canh tác trên mảnh đất nào đều là chủ sở hữu của mảnh đất đó, thì các doanh nghiệp muốn xây nhà máy/chung cư sẽ phải đàm phán và mua lại mảnh đất đó theo giá thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, các doanh nghiệp sẽ phải tìm chỗ khác để xây dựng. Rất đơn giản và sòng phẳng. Nhưng, theo luật hiện hành, họ chỉ cần đàm phán với các quan chức địa phương là có thể “thu hồi”, thậm chí dùng cả quân đội, công an (những lực lượng vũ trang của nhà nước, không phải làm những nhiệm vụ này) để cưỡng chế. Giá đất sau khi “thu hồi” đã tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Có thể kể thêm những ví dụ khác như độc quyền nhập khẩu và phân phối xăng dầu, BOT, xe búyt nhanh BRT ở Hà Nội, PMU18 hay những dự án “quả đấm thép” phá sản, làm thiệt hại nhiều tỉ USD mà ai cũng biết.
Đằng sau những vụ “thu hồi” đất đai, những BOT, những BRT, PMU18… là những kẻ tìm kiếm độc quyền, tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking) và đằng sau họ là:
Những ông quan thật to hay đeo một cái cặp thật nhỏ
Những cái cặp thậtnhỏ thường có những dự án thật to
Những dự án thật to nhưng hiệu quả lại thật nhỏ
Hiệu quả thì thật nhỏ nhưng thất thoát thật to
Honoré de Balzac đã nói đúng cho những trường hợp như thế: “Behind every great fortune lies a great crime”
3. Vĩ thanh
1. Ngáo ộp của sách báo cánh tả:
Sách báo cánh tả, khi nói về chủ nghĩa tư bản hay kinh tế thị trường thường dùng những thuật ngữ đao to búa lớn, có tính dọa nạt như: “cạnh tranh khốc liệt”, “cá lớn nuốt cá bé”..v.v.. Vô hình trung đã gieo vào lòng người mối ác cảm với kinh tế thị trường và giai cấp tư sản.
Thực tế thì sao?
Đúng là khi xem những cuộc triển lãm, ví dụ, của các hãng ô tô thì ta thấy không khí cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng ít người biết rằng đấy chỉ là bể nổi, chỉ là những đợt sóng trên mặt biển mà thôi. Bên dưới nó là những tầng sâu của sự hợp tác, rất bình lặng. Đấy là sự hợp tác của tất cả các nhân viên trong công ty sản xuất ô tô. Đấy là sự hợp tác của công ty chế tạo ô tô với các công ty chế tạo sắt thép, chế tạo sơn, chế tạo da, chế tạo động cơ…v..v.. Không thể nào kể hết được. Đấy còn là sự hợp tác của nhân viên công ty chế tạo ô tô với những người cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo cho họ, hợp tác với các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho họ, với các thày cô giáo dạy con cái họ..v.v. và ..v.v.. Như vậy là, xu hướng chủ đạo trong nền kinh tế thị trường là hợp tác chứ không phải cạnh tranh. Cạnh tranh chỉ là bề nổi.
Cá lớn nuốt cá bé cũng là khái niệm sai. Giả sử sau đây vài năm, Trung tâm tiếng Anh của bạn Nguyễn Trưởng trở thành một trong những trung tâm tiếng Anh lớn của khu vực Nam Bộ, cửa hàng Lekima của bạn Lê Tư hay cửa hàng rau sạch của bạn Hiếu Nguyễn trở thành những công ty cung cấp rau sạch lớn trên cả nước, cửa hàng máy vi tính của Vinh Le trở thành tổng đại lý máy và thiết bị máy tính trên toàn quốc, Homestay của Mau Son lấn át nhiều khách sạn hiện nay… nhiều trung tâm tiếng Anh, nhiều công ty cung cấp rau sạch và nhiều công ty bán thiết bị máy tinh, nhiều khách sạn sáp nhập vào trung tâm/công ty của các bạn thì đấy hoàn toàn không phải là “cá lớn nuốt cá bé”, không có ai bị “nuốt” hết. Các ông chủ hay giám đốc công ty/trung tâm bị sáp nhập sẽ trở thành giám đốc/quản đốc chi nhánh của các bạn, công nhân của các công ty/trung tâm cũ trở thành người lao động trong doanh nghiệp của các bạn. Các nhà kinh tế học nói rằng, đấy là những nguồn lực khan hiếm được đưa tới những nơi mà chúng được sử dụng với hiệu quả cao hơn. Tất cả mọi người, cả xã hội, đều được lợi.
2. Thái độ thù địch với người giàu
Người giàu có, như ta đã biết, chính là người có thể đầu tư nhằm mở rộng và cải thiện điều kiện sản xuất, làm cho xã hội ngày càng giàu thêm, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng còn một số khía cạnh nữa, ít được nói tới.
a. Khi đứng trước một ngôi biệt thự hay trong khi đang đạp xe đạp giữa trời nắng mà thấy chiếc Mercedes phóng qua thì tất cả mọi người đều nghĩ rằng người sống trong ngôi biệt thự/ngồi trong xe chắc chắn là rất hạnh phúc. Và đấy chính là một trong những động cơ để chúng ta lao động, tiết kiệm để mong sau này mình cũng có cái nhà, cái xe như thế. Mà nếu mình không thể có, thì mình sẽ chăm sóc cho con em mình, tạo điều kiện cho họ học lấy những nghề cao sang..v.v.
b. Năm 1961, Tố Hữu hả hê viết: “Đời hết kẻ sống lười ăn bám”, tưởng là quá đúng. Ai ngờ đó là sự hả hê của một kẻ dốt nát. Đời hết kẻ sống lười ăn bám thì ngoài chợ chỉ còn chổi cùn rế rách mà thôi. Theo các nhà kinh tế học, những người sử dụng những món hàng gọi là xa xỉ phẩm lại là tác nhân góp phần thúc đẩy kinh tế. Trước hết, xa xỉ phẩm là những món hàng mà đa số người dân lúc đó không thể với tới được. Do những người giàu có sử dụng trước, mà nhà sản xuất mới tăng công suất và giá thành hạ, làm cho người nghèo cũng có cơ hội sử dụng những món hàng mà hôm qua còn là xa xỉ phẩm (ví dụ rõ nhất là Iphone).
Như đã trình bày bên trên, câu “Đằng sau mọi tài sản kếch xù đều là tội ác” có thể vẫn đúng đối với một nửa thế giới và có thể rất đúng đối với VN hiện nay. Nhưng chúng ta rất nên thận trọng khi sử dụng, bởi vì chúng ta đã bị nhồi sọ quá lâu “địa chủ ác ghê”, rất cần phải tránh hay chí ít là không nên khuếch đại thái độ kỳ thị đối với người giàu.
—
(*) Tựa nguyên thủy: Bàn về câu nói của Honoré de Balzac (1799-1850): “Behind every great fortune lies a great crime” (Đằng sau mọi tài sản kếch xù là một tội ác).
Leave a Comment