“Người tính”
“Tôi dám cá dựa trên những gì mà tôi biết là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ và khi đó ông sẽ có được sự đồng thuận để ủng hộ bất cứ ai ông chọn lên thay thế.” – Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia khẳng định với đài VOA ngày 10/8/2017, trong bài “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lưu lại hết nhiệm kỳ?”.
“Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được vị trí. Ông lại không có người kế vị chính thức. Giờ đây, ông ấy có toàn quyền quyết định liệu ông có về nghỉ và khi nào thì nghỉ. Vị thế của ông ấy đang rất mạnh.” – ông Thayer nói thêm.
Những nhận định và dự báo của Giáo sư Carlyle Thayer là đáng được lưu ý đối với giới phân tích tình hình chính trị Việt Nam, lồng trong bối cảnh chính trường nơi đây đang xảy ra những xáo trộn mạnh cả bề nổi lẫn bề chìm, mang lại một cảm giác bất an đến mất ngủ đối với không chỉ các đối tượng nằm trong chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng, mà cả những quan chức tỏ ra trung dung không thuộc phe phái nào trong đảng.
Trong số các nhà phân tích chính trị Việt Nam, ông Thayer được xem là một người có kinh nghiệm, chiều sâu phân tích và đặc biệt có thể đã có được những mối quan hệ đủ sâu với giới quan chức Hà Nội, mà từ đó vị chuyên gia này khá thường nêu ra những tin tức tương đối chính xác và bình luận gần gũi với kịch bản thực tế, đặc biệt vào khoảng thời gian trước đại hội 12 của đảng cầm quyền cuối năm 2015 khi nổ ra cuộc chạy đua quyết liệt mang tên “Trọng – Dũng”.
Vào lần này, rất có thể Carlyle Thayer lại một lần nữa có lý khi thời điểm ông trả lời phỏng vấn của VOA lại ngay sau một sự kiện hiếm có cả đối nội lẫn đối ngoại: Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam.
Cũng là lúc mà Nguyễn Phú Trọng hưng phấn chưa từng có kể từ khi ông trở thành tổng bí thư đảng vào năm 2011: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
Tâm trạng tuyệt vời cùng quyết tâm chưa từng thấy trên đã phác ra một đáp án cho “phương trình chống tham nhũng”: không còn nghi ngờ gì nữa, Trịnh Xuân Thanh chính là con át chủ bài của ông Trọng để xử lý những người được coi là “vây cánh Nguyễn Tấn Dũng”, lấy lại thể diện và uy quyền cho ông Trọng; và nếu có thể, xử lý luôn những đối thủ chính trị đang nổi lên.
Có một nét gì đó từa tựa với “muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió đông” trong bài thơ của Gia Cát Khổng Minh hé cho đô đốc Chu Du trước khi trận Xích Bích Hỏa Công lịch sử ngùn ngụt lửa.
Tuy không có được binh hùng tướng mạnh như Chu Du, nhưng Tổng bí thư Trọng cũng có trong tay một sự ủng hộ, có lẽ ở mức độ vừa phải, của giới quân đội và cơ quan tình báo quân đội. Ông cũng nắm trong tay hệ thống tuyên giáo và tuyên truyền đủ để khuấy động cuộc chiến chống tham nhũng của ông thành một cái gì đó không mấy thua kém “những việc cần làm ngay” của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm về trước.
Vào tháng Năm 2017, Đinh La Thăng – người được xem là “đàn em thân tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” – bị Ủy ban Kiểm tra trung mương của Chủ nhiệm Trần Quốc Vượng – người mà gần đây đã được Nguyễn Phú Trọng khen là “làm việc gì ra việc nấy” – kỷ luật và loại khỏi Bộ Chính trị cũng như cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM.
Nhưng còn những người khác và đối thủ khác thì làm thế nào để “xử”?
Dường như phải chờ “Thanh về”.
Một cách nào đó, Trịnh Xuân Thanh có thể sánh với hình ảnh “gió đông” của Gia Cát Lượng, để Tổng bí thư Trọng có được một trận Xích Bích Hỏa Công riêng của ông, dữ dội và thần tốc, trong thời gian những tháng tới. Lý do đơn giản là từ Trịnh Xuân Thanh, người ta có thể “phăng” ra rất nhiều chuyện, trong đó có những “đường dây” và những mối thắt nút mà trước đây tưởng chừng không bao giờ gỡ được.
Sự kiện “Thanh về” có ý nghĩa đến mức đang khiến xoay chuyển cả cục diện tương quan lực lượng chính trị. Nếu trước khi “Thanh về”, cục diện này còn ngổn ngang và “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”, thì sau đó thậm chí có người còn ca ngợi ông Trọng là “sĩ phu Bắc Hà”. Một lần nữa sau sự kiện đại hội 12 vào đầu năm 2016, lại có một luồng chuyển động, dù vẫn chậm cùng mắt trước mắt sau, sang “ủng hộ Nguyễn Phú Trọng” từ một bộ phận quan chức mà trước đó “chẳng biết theo ai”.
Trong thực tế hiện thời, như nhiều nhà phân tích trong đó có ông Thayer, Nguyễn Phú Trọng không có đối thủ chính trị.
Thậm chí nếu vận hành được chiến dịch “chống tham nhũng” theo đúng ý đồ của mình, trong không bao lâu nữa ông Trọng còn có thể trở thành “Tập Cận Bình thứ hai”, tức chủ tịch nước kiêm tổng bí thư. Khi đó, triển vọng “ngồi” đến hết nhiệm kỳ, tức đến năm 2021, chỉ là “chuyện nhỏ”…
Tuy thế, câu chuyện trên mới chỉ là “người tính”.
Quy luật âm dương vốn dĩ tự sinh tự diệt.
Còn cả “trời tính”…
“Trời tính”
Khi nhận định “ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ”, Giáo sư Carlyle Thayer đã sát thực với những gì tương quan quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Nhưng ông Thayer mới chỉ là xét trên phương diện tương quan nội bộ đảng, dù hiện thời đang lan truyền một luồng dư luận cho rằng sau khi trừ được vây cánh ông Dũng, ông Trọng hoàn toàn thỏa mãn nên sẽ “nghỉ”.
Trong khi đó, còn nhiều yếu tố – biến số khác mà ông Thayer dường như chưa tính đến, hoặc không xem trọng.
Bởi trên phương diện hoàn toàn khách quan, một bài toán thách thức rất lớn là Tổng bí thư Trọng liệu có nhiều cơ hội để “ngồi” đến năm 2021 nếu từ đây đến đó xảy ra những xung động đủ lớn, đủ mạnh mà có thể khiến dẫn đến “nguy cơ mất chế độ, mất đảng chứ không phải chuyện đùa” – như ông Trọng vừa tán thán ngay vào tháng Tám này – trở nên trần trụi không thể cưỡng lại được.
Là một giáo sư ngành Mác – Lê, hẳn ông Trọng chẳng bao giờ quên quy luật “kinh tế quyết định chính trị”. Làm thế nào ông Trọng, hay bất cứ người nào khác, có thể ngồi yên trên ghế tổng bí thư nếu nền kinh tế Việt Nam – vốn đang suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp – sẽ rơi vào thảm trạng khủng hoảng trong ít năm tới, hay một thứ thảm họa đến giấy vệ sinh cũng không có để dùng như “người đồng chí” Venezuela?
Kinh tế suy sụp lại khiến gãy đổ các rường cột xã hội và khiến xã hội hỗn loạn. Xã hội giờ đây đang đầy ắp mầm mống hỗn loạn. Ông Trọng sẽ làm thế nào để xử lý các cuộc biểu tình, xuống đường liên tục do bức bách đời sống của nhiều tầng lớp người dân ở nhiều địa phương trong những năm tới?
Trong khi đó, xung đột nội bộ đính kèm xung đột lợi ích đã và sẽ trở thành “kẻ đào mô chôn đảng”. Một vài nhóm tham nhũng mà ông Trọng đang chống mới là những nhóm lộ diện, trong khi đó còn rất nhiều nhóm lợi ích khác, có thể tham nhũng không mấy kém thua những nhóm trước, đang tồn tại ở rất nhiều địa phương. Những địa phương này lại đang hội tụ những biểu hiện ngày càng mang tính cát cứ quyền lực và sứ quân khu vực. Nếu “ngồi” lại, sẽ cần đến bao nhiêu tổng bí thư Trọng để xử lý cơn khủng hoảng cát cứ sứ quân này?
Và sẽ cần đến bao nhiêu ông Trọng để chia ra nhằm đối phó với một triển vọng các quan chức tham nhũng hợp thành lực lượng lớn để chống lại tổng bí thư mà có thể sinh ra “nội chiến”?
Và đến khi đó, liệu ông Trọng có thể thẳng thừng lắc đầu với nhu cầu tách đảng hoặc đa đảng – phát sinh từ chính nội bộ của ông?
Chưa kể đến trường hợp nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, tình hình nội trị trong đảng và đất nước sẽ biến động ghê gớm ra sao…
Đó là những yếu tố – biến số mà chỉ cần một trong số đó xảy đến thực sự, không ai có thể đoan chắc là bất kỳ tổng bí thư đảng nào hiện nay cũng có thể yên vị đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021.
Leave a Comment