Quảng Cáo

Vì sao cấp visa thuốc quá nhanh?

Quảng Cáo
Bất luận phiên tòa hình sự vụ buôn lậu thuốc ung thư, làm giả con dấu, tài liệu xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma sẽ tạm kết phiên sơ thẩm như thế nào đi nữa, thì vấn đề phải được truy tới cùng là vì sao có những nhà nhập khẩu dược phẩm lại được cấp visa thuốc rất nhanh?
Ngoài bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty VN pharma) và Võ Mạnh Cường (giám đốc công ty Hàng hải Quốc tế H&C) được xác định là đứng đầu vụ, vụ án còn có 7 bị cáo đồng phạm cùng bị xét xử tại phiên tòa này.
Cáo trạng viết gì?
Theo cáo trạng công bố tại tòa, đầu năm 2013, Nguyễn Minh Hùng thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có thuốc Capicitabine 500mg dùng chữa trị bệnh ung thư. Khi VN pharma nhập 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg về kho, do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục quản lý dược yêu cầu Hùng, Cường giải trình rồi tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường.
Ngày 8/8/2014, Cục quản lý dược có văn bản gửi Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ công an đề nghị xác minh liên quan tới lô hàng trên. Sau đó, Cục An ninh chính trị nội bộ chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan sang Cơ quan điều tra, Bộ công an để điều tra, xử lý.
Cơ quan điều tra vào cuộc xác định, Hùng đặt mua thuốc Capicitabine 500mg với giá 0,8 USD/viên. Quá trình thương lượng, Hùng và Cường thống nhất giá mua Capicitabine 500mg 0,9 USD/viên. Sau đó Cường liên hệ và mua của người có tên Raymundo ở Philippines (không rõ lai lịch) với giá 0,6 USD/viên. Do không có hồ sơ kỹ thuật “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” để nộp cho Cục quản lý dược, Hùng chỉ đạo Bùi Ngọc Duy (trưởng phòng) và Hoàn Trúc Vy (nhân viên VN Pharma) thuê dược sỹ Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc Capicitabine 500mg. Ngoài hồ sơ thuốc Capicitabine 500mg, Hùng còn chỉ đạo Duy, Thông và các dược sĩ khác, chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác, lấy tên công ty Helix Canada để công ty VN Pharma đăng ký lưu hành thuốc và xin giấy phép nhập khẩu tại Cục quản lý dược.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ thuốc Capicitabine 500mg, Hùng chỉ đạo Nguyễn Trí Nhật (phó tổng giám đốc) và Phan Cẩm Loan (phó trưởng phòng) đề nghị Cục quản lý dược cấp phép nhập 200 ngàn hộp thuốc Capicitabine 500mg do công ty Helix sản xuất, thông qua nhà cung cấp là công ty Austin Specialities (Trung Quốc, địa chỉ ở Hồng Kông).
Được Cục quản lý dược cấp giấy phép, ngày 13/1/2014, Cường ký hợp đồng bán thuốc Capicitabine 500mg cho VN Pharma, đóng dấu công ty Helix. Từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251 ngàn USD.
Ngoài Hùng, Cường và các bị can nói trên, để thực hiện trót lọt hành vi buôn lậu này, Cơ quan điều tra kết luận Phạm Văn Kiệt (giám đốc công ty Dược Sài Gòn) đã có hành vi giúp sức các đối tượng sử dụng con dấu, chữ ký bất hợp pháp, giúp công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc. Các bị can Hùng, Cường, Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc (phó tổng giám đốc công ty VN Pharma), Phan Cẩm Loan và Lê Thị Vũ Phương bị Viện Kiểm sát buộc tội “Buôn lậu”; Bùi Ngọc Duy, Phạm Văn Thông và Phạm Anh Kiệt tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.
Nghiệp vụ kém hay…
Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, trong vụ án có hàng loạt cán bộ của Bộ Y tế sai phạm. Cụ thể là ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, Trưởng phòng pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) – là những người trong Tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của công ty VN Pharma.
Những cán bộ trên đã hoàn toàn không phát hiện công ty Austin (Trung Quốc) – đơn vị bán thuốc cho VN Pharma – đã hết hạn giấy phép hoạt động. Tổ thẩm định cho rằng “hồ sơ đạt yêu cầu” rồi đề xuất Cục Quản lý Dược ký duyệt, cấp phép cho công ty VN Pharma nhập hàng. Cũng theo Viện Kiểm sát Nhân dân, Cơ quan điều tra không truy cứu hình sự các công chức Bộ Y tế vì trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án do Cục Quản lý Dược đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra.
Một người khác cũng “thoát” vành móng ngựa là công chức Hải quan TP.HCM. Ông Phạm Đình Cung (công chức Hải quan Chi cục cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất), là người kiểm tra hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita nói trên. Ông Cung “thoát hiểm” vì tình tiết ông Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo và thực hiện hành vi công ty VN Pharma làm giả hợp đồng rồi ghi lùi ngày trên hợp đồng nhập khẩu. Chính hành vi gian dối “tinh vi” của VN Pharma khiến ông Cung không phát hiện ra sự gian dối của công ty này, đó cũng là lý do ông Cung “thoát” vành móng ngựa.
Những đồn đoán bên lề vụ án
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y Tế.

Chuyện VN Pharma trúng thầu phân phối thuốc tại một loạt bệnh viện từ Bắc vào Nam được dư luận hoài nghi rằng ắt phải có sự hậu thuẫn của bà Bộ trưởng Bộ Y tế – Nguyễn Thị Kim Tiến.

Khi vụ án còn ở giai đoạn điều tra thì đã có dư luận đồn đoán VN Pharma đã chi ra khoảng gần 60 tỷ đồng để mua căn biệt thự liền kề với căn biệt thự mà gia đình bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bà Tiến là cháu ngoại Tổng bí thư Hà Huy Tập, chồng bà là PGS.TS.BS Hoàng Quốc Hoà, nguyên giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định, hiện là Giám đốc bệnh viện Quốc tế Vimmec Central Park) đang sở hữu ở khu Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) để tặng cho bà Tiến. Căn biệt thự này sau đó đã được sang tên con trai bà Kim Tiến là Hoàng Quốc Cường đứng tên. Ông Hoàng Quốc Cường được cho là giữ vai trò cố vấn của VN Pharma, và mỗi tháng lĩnh lương với số tiền tượng trưng 33 triệu đồng.
Ông Hoàng Quốc Dũng là em trai của ông Hoàng Quốc Hòa đứng tên đăng ký số cổ phần ít ỏi chỉ có 10.000 cổ phần với mã cổ đổng là VN042. Ông Hoàng Quốc Dũng là phó Tổng giám đốc VN Pharma, phụ trách mảng đối ngoại và quan hệ với các bệnh viện. Đây cũng chính là nguyên do của chuyện doanh số trúng thầu của VN Pharma trong đấu thầu thuốc cao khủng khiếp ở năm 2014.
Vì sao cấp visa thuốc quá nhanh?
PGS.TS. Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM nói rằng bên cạnh vấn đề tham nhũng, thì cần làm rõ hệ thống cấp số đăng ký thuốc đang sai ở quy trình nào, bởi nào không thì lại tiếp tục có rất nhiều VN Pharma khác.
“Vụ việc VN Pharma nếu các đối tượng trước tòa họ khai đúng thì bức tranh các công ty dược cứ nhập ở nơi tào lao về, thuê người viết hồ sơ rồi đi xin visa cho thuốc thì quá dễ dàng. Vì vậy cần xem lại cấp số hồ sơ đăng ký thuốc ở nước ta. Nếu chỉ cấp phép qua hồ sơ đăng ký như vậy thì trình độ của người thẩm định như nào để lọt lưới vụ việc lớn như thế? Bình thường bất cứ ai từng làm ở các công ty dược từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu nước ngoài về đều biết để có thể xin một visa cho loại thuốc là rất khó khăn, gian nan vô cùng dù đủ hồ sơ rồi nhưng trường hợp của công ty VN Pharma thì lại nhanh quá. Qua đây, người ta lại thấy lạ vì sao việc cấp số đăng ký thuốc lại dễ dàng như vậy mới xảy ra vụ việc. Chúng ta cần xem xét lại cả hệ thống cấp phép dược xem sai ở quy trình nào”. Bà Phạm Khánh Phong Lan, nhận xét.
Trách nhiệm người thầy thuốc?
Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội đã phê phán rất mạnh việc các thầy thuốc đã nhận hoa hồng để kê toa loại thuốc trị ung thư “giả” do VN Pharma nhập về. Theo dòng cảm xúc của hiệu ứng đám đông, với thông tin “hoa hồng cho bác sĩ lên tới 7,5 tỷ đồng” có trong bản cáo trạng khiến ít ai để ý đến một chi tiết rất bất ngờ và cũng rất khó tin: “VN Pharma đã nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita về kho. Do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu nên Cục Quản lý dược đã yêu cầu Hùng và Cường giải trình, đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô hàng trên không cho bán ra thị trường”.
“Không thể nào nói thuốc này chưa đưa ra thị trường được vì nếu chưa đưa ra thị trường thì tại sao lại phải hoa hồng cho bác sĩ lên tới 7,5 tỷ đồng. Câu hỏi này ai cũng có thể nhìn ra được”. Bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux