Đấu tranh bất bạo động có thể là một cách an toàn, hiệu quả, và lâu dài để chống lại bất công trong cuộc sống. Tuy nhiên, cách đấu tranh này là cả một khoa học yêu cầu những người đấu tranh phải có kiến thức, lòng can đảm, và tinh thần quyết đoán.
- Trâm Huyền. Phỏng dịch từ bài “Six principles of nonviolence” của nhà hoạt động hòa bình Michael Nagler trên trang Open Democracy. Tựa bài, hình minh họa, và phân dòng là của người dịch.
Dưới đây là sáu “bí kíp” có thể giúp bạn đấu tranh bất bạo động một cách hiệu quả. Sáu “bí kíp” này được dựa trên ba nguyên tắc cơ bản phải luôn được ghi nhớ:
- Chúng ta không chống lại người khác, chúng ta chống lại việc họ đang làm.
- Phương tiện và mục đích không bao giờ có thể biện minh cho nhau.
- Bạo lực chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả.
Bí kíp số 1: Tôn trọng tất cả mọi người, kể cả chính mình
Càng tôn trọng người khác thì chúng ta càng dễ thuyết phục họ thay đổi.
Không bao giờ nên coi sỉ nhục người khác là công cụ – hay chấp nhận để cho người khác sỉ nhục. Sỉ nhục chỉ làm cho tất cả chúng ta trở nên thấp hèn đi.
Nên nhớ rằng, không ai có thể làm cho bạn trở nên thấp hèn, trừ phi chính bạn cho phép điều đó.
Hàn gắn các mối quan hệ chính là thành công thực sự của đấu tranh bất bạo động. Thành công đó, đấu tranh bạo lực không bao giờ có được.
Ngay cả khi đang chịu đựng bạo lực đẫm máu, nhà cách mạng Ấn Độ Mahatma Gandhi vẫn cảm thấy rằng chúng ta chỉ có thể căm ghét tội ác, chứ không nên căm ghét người gây ra tội ác.
Năm 1942, khi Ấn Độ đang chịu ách đàn áp của thực dân Anh và đang lo sợ một cuộc xâm lược của quân đội Nhật Bản, Gandhi đã khuyên nhủ những người đồng hương của mình:
“Nếu như chúng ta là một đất nước độc lập, chúng ta có thể có những biện pháp bất bạo động để ngăn chặn người Nhật tiến vào nước ta. Việc đấu tranh bất bạo động có thể bắt đầu ngay từ khoảnh khắc người Nhật đặt chân lên lãnh thổ chúng ta.”
Theo đó, Gandhi chỉ định rằng, những người dân Ấn Độ phản kháng bất bạo động sẽ từ chối giúp đỡ quân đội Nhật, cho dù chỉ là cho họ nước uống. Bởi vì không người Ấn Độ nào có nghĩa vụ giúp đỡ những kẻ đang cướp nước họ cả.
Nhưng khi một người Nhật bị lạc đường, đang chết vì khát nước và cầu xin sự giúp đỡ, một người phản kháng bất bạo động, vốn không xem ai là kẻ thù của họ, sẽ cho người sắp chết khát ấy uống nước.
Trong trường hợp quân Nhật ép buộc người dân cho họ nước uống, những người phản kháng bất bạo động sẽ sẵn sàng chết như một hành vi phản kháng.
Bí kíp số 2: Luôn luôn khởi xướng những giải pháp thay thế có tính xây dựng
Các hành động thực tế luôn luôn có sức ảnh hưởng hơn các hành động mang tính biểu tượng.
Đặc biệt là các hành động mang đến những giải pháp thay thế có tính xây dựng: xây dựng trường học, lập xưởng thủ công gia đình, mở các hợp tác xã nông nghiệp, thiết kế hệ thống ngân hàng tín dụng thân thiện với cộng đồng dân chúng, v.v.
Như nhà phát minh người Mỹ Buckminster Fuller từng nói:
“Bạn không bao giờ có thể thay đổi điều gì bằng cách đấu tranh với thực tế đang diễn ra. Để thay đổi một điều gì đó, hãy xây lên một mô hình mới có khả năng làm cho mô hình đang tồn tại trở nên vô dụng.”
Trong cuộc cách mạng giành độc lập cho Ấn Độ của mình, Gandhi đã khởi xướng 18 dự án tạo điều kiện cho người dân Ấn Độ gánh thêm trách nhiệm điều hành xã hội và đất nước họ, mở đường cho việc “đuổi cổ” nền thống trị thực dân của người Anh, và tạo nền tảng cho nền dân chủ của riêng người Ấn.
Các công tác mang tính xây dựng có nhiều lợi thế:
Chúng tạo điều kiện cho người dân phá bỏ tình trạng phụ thuộc vào một chế độ đang đàn áp họ, bằng cách tự làm ra hàng hóa, tự cung cấp dịch vụ cho chính mình. Bạn không thể loại trừ những kẻ đàn áp trong khi bạn vẫn phải phụ thuộc vào những kẻ đàn áp đó về những mặt thiết yếu nhất. Bạn không chỉ đang phản ứng lại các hành vi đàn áp bóc lột, mà bạn đang giành lấy quyền tự chủ. Ứng xử một cách chủ động giúp bạn cởi bỏ tâm lý thụ động, nỗi sợ hãi, và cảm giác bất lực.
Các công tác mang tính xây dựng giúp cho phong trào phản kháng tiếp diễn lâu dài. Phong trào vẫn có thể tiếp diễn ngay cả khi việc phản kháng và đối đầu trực tiếp không còn là thượng sách.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, làm việc cùng nhau là cách hiệu quả nhất để đoàn kết tất cả mọi người. Làm việc cùng nhau giúp tạo ra các cộng đồng và giúp cho quần chúng cảm thấy yên tâm rằng phong trào của bạn không phải là một mối đe dọa với an ninh trật tự xã hội.
Quan trọng nhất, các công tác mang tính xây dựng tạo ra một nền tảng xã hội cần thiết khi mà chế độ đàn áp sụp đổ. Đã có quá nhiều cuộc cách mạng khi thành công chỉ làm được một việc là thay thế một chế độ đàn áp này bằng một nhóm những kẻ đàn áp mới, trỗi dậy lấp vào khoảng trống quyền lực.
Vậy nên, một nguyên tắc chung phải nhớ: luôn đóng góp xây dựng bất cứ khi nào có thể, trong khi vẫn phản kháng bất cứ khi nào cần thiết.
Bí kíp số 3: Hãy có cái nhìn dài hạn
Phản kháng bất bạo động luôn mang lại những kết quả tích cực, thỉnh thoảng còn tích cực hơn cả mường tượng của chúng ta.
Hồi những năm 1950, khi Trung Quốc đang gặp phải nạn đói lớn, tổ chức Hiệp hội Hòa bình Hòa giải Quốc tế (Fellowship of Reconciliation) khởi xướng một phong trào viết thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Eisenhower cho gửi thực phẩm dư thừa đến Trung Quốc.
Khoảng 35.000 người Mỹ đã viết thư tham gia phong trào này. Thông điệp mà mỗi người họ viết chỉ là một dòng đơn giản từ sách Rô-ma trong Kinh Thánh: “Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn.”
Chính phủ Mỹ đã không có hồi âm nào. Nhưng 25 năm sau, người ta mới biết rằng phong trào ngày đó đã giúp ngăn cản một kế hoạch ném bom Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Trong một cuộc họp với Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã nói: “Các ông ạ, vì có đến 35.000 người Mỹ muốn chúng ta cho người Trung Quốc ăn, đây không phải là lúc chúng ta đánh bom họ.”
Bạo lực thỉnh thoảng có thể “có hiệu quả” theo nghĩa là nó ép dẫn đến một thay đổi cụ thể nào đó, tuy nhiên về lâu về dài, nó dẫn đến khổ đau và rối loạn.
Chúng ta không có khả năng kiểm soát các kết quả từ hành động của mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát các phương tiện chúng ta đang sử dụng. Chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc và tâm trí của chính mình.
Đây là một công thức tiện dụng: Bạo lực thỉnh thoảng “có kết quả”, nhưng nó không bao giờ có hiệu quả (ví dụ, trong việc kiến tạo, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn). Bất bạo động thỉnh thoảng “có kết quả” nhưng luôn luôn có hiệu quả.
Hãy đặt ra những mục tiêu rõ ràng. Luôn nắm giữ lấy những gì thiết yếu (như phẩm giá con người) và gìn giữ những nguyên tắc của chính mình, nhưng luôn sẵn sàng thay đổi chiến thuật hay thỏa hiệp với tất cả những gì khác.
Hãy nhớ, bạn không phải đang tham gia một cuộc tranh giành quyền lực (trong khi đối phương của bạn có thể nghĩ như thế): bạn đang tranh giành công lý và phẩm giá con người. Trong đấu tranh bất bạo động, bạn có thể thua tất cả mọi trận đánh, nhưng vẫn sẽ giành được chiến thắng sau cùng.
Bí kíp số 4: Luôn tìm kiếm những giải pháp đôi bên cùng có lợi
Khi đấu tranh bất bạo động, bạn đang sửa chữa các mối quan hệ, chứ không phải đang “đánh thắng” để “ghi điểm”.
Trong một cuộc đấu tranh, con người ta có thể cảm thấy rằng để một bên chiến thắng thì bên còn lại bắt buộc phải thua. Điều này không phải khi nào cũng đúng.
Chúng ta không tìm cách trở thành những kẻ chiến thắng, vượt lên trên những kẻ khác; chúng ta đang tìm cách học và làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, cho tất cả mọi người.
Trong những cuộc thương lượng căng thẳng liên quan đến luật phân biệt chủng tộc tại Montgomery, bang Alabama (Mỹ), mục sư Martin Luther King Jr. đã có một nhận xét thú vị mà ông ghi lại trong cuốn sách “Bước đến Tự do: Câu chuyện Montgomery” (Stride Toward Freedom: The Montgomery Story):
“Nếu chúng ta giành được cho người da đen những quyền lợi kia, họ sẽ đi lòng vòng khoác lác về một chiến thắng mà họ giành được trước người da trắng; điều này không phải là thứ chúng ta đấu tranh để giành được.”
Suy ngẫm từ đó, mục sư King khuyên nhủ các thành viên của phong trào dân quyền đòi bình đẳng cho người da màu tại Mỹ: không tỏ ra hả hê, không khoác lác. Ông nhắc họ rằng:
“Qua đấu tranh bất bạo động, chúng ta tránh được cái cám dỗ của việc mang lên mình tâm lý của những kẻ chiến thắng.”
Cái “tâm lý của những kẻ chiến thắng” thuộc về một trạng thái xưa cũ của việc ta-chống-lại-người. Trong khi đó, một con người bất bạo động sẽ nhìn cuộc sống như một công cuộc tiến hóa chung của tất cả mọi người, tiến đến việc hình thành một cộng đồng chung đầy yêu thương mà trong đó tất cả mọi thành viên đều hạnh phúc.
Hả hê với vài cái “chiến thắng” thực sự có thể làm mất đi những thành quả mà gian khó lắm cuộc đấu tranh mới giành được.
Bí kíp số 5: Sử dụng quyền lực một cách cẩn trọng
Con người chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng quyền lực “sinh ra từ nòng súng”. Đúng là có một loại quyền lực chỉ đến từ những lời đe dọa hay vũ lực – nhưng thứ quyền lực đó sẽ trở nên vô hiệu nếu chúng ta từ chối tuân theo nó.
Có một thứ quyền lực khác. Một thứ quyền lực đến từ sự thật.
Ví dụ, bạn đang thỉnh cầu việc xóa bỏ một điều bất công nào đó. Có thể là bạn đã tỏ rõ cảm xúc của mình bằng những hành động biểu tình lịch sự mà cương quyết. Tuy nhiên phía bên kia không có phản ứng gì.
Nếu thế thì bạn phải làm như Gandhi đã dạy, đó là “không chỉ nói với lý trí không mà còn phải xoay chuyển tâm can nữa.”
Chúng ta có thể làm cho bất công hiện rõ bằng cách tự bản thân mình hứng chịu những khổ đau vốn có trong hệ thống bất công đó.
Việc này cho phép chúng ta tận dụng Satyagraha, hay là “sức mạnh chân lý”. Trong một số trường hợp hạn hữu, chúng ta phải làm việc này theo cách gây rủi ro cho tính mạng của mình. Chính vì thế nên phải luôn rõ ràng về mục tiêu của chúng ta. Và nên sử dụng cách đấu tranh này một cách cẩn thận.
Lịch sử cho thấy rằng ngay cả những kẻ ác nghiệt nhất cũng phải nhún nhường trước một hành vi có tính thuyết phục, một hành vi tìm cách giúp kẻ thù tự mở mắt, thay vì bị ép buộc họ phải theo chúng ta.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta bắt buộc phải dùng các biện pháp ép buộc. Ví dụ, khi một nhà độc tài từ chối thoái vị, và tình thế yêu cầu chúng ta phải hành động gấp rút để chấm dứt vô vàn những thương đau đến từ việc lạm dụng quyền lực của kẻ độc tài đó.
Ngay cả khi phải dùng biện pháp ép buộc, vẫn cần phải sử dụng tư duy chiến lược và suy nghĩ theo hướng bất bạo động để có thể làm công việc ép buộc đó một cách đúng đắn.
Nhưng trong các trường hợp mà tình thế và thời gian cho phép, chúng ta nên sử dụng sức mạnh của lòng kiên nhẫn và của tính thuyết phục, sức mạnh của việc chịu đựng đau thương thay vì gây ra đau thương.
Những thay đổi đến từ tính thuyết phục thường là những thay đổi lâu dài: một người khi đã được thuyết phục rồi sẽ khó mà thay đổi, trong khi một kẻ bị ép buộc sẽ luôn chực chờ cơ hội trả thù.
Bí kíp số 6: Luôn tự hào về đóng góp của chính mình vào thành quả chung
Luôn nhớ rằng khi bạn đấu tranh bất bạo động bằng lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm, và một chiến lược rõ ràng, thì nhiều khả năng là bạn đang thành công rồi: thành công hay thất bại, bạn đã đóng góp phần mình vào một công cuộc vĩ đại đảm bảo tương lai của loài người, công cuộc chuyển biến các mối quan hệ con người.
Sáu “bí kíp” nói trên đều được xây dựng dựa trên một niềm tin, đó là mọi cuộc đời đều liên kết với nhau, và nếu chúng ta hiểu được những nhu cầu thực sự của mình, chúng ta không phải tranh giành đấu chọi với ai cả.
Như mục sư Martin Luther King Jr. đã nói:
“Tôi không bao giờ có thể trở thành một con người tôi nên trở thành trước khi bạn trở thành con người bạn nên trở thành. Và bạn không bao giờ có thể trở thành con người bạn nên trở thành, chừng nào tôi chưa trở thành con người tôi nên trở thành.”
Bài này được đăng lần đầu tiên trên trang Nonviolence.
Tác giả Michael Nagler (sinh năm 1937), tốt nghiệp tiến sỹ ngành Văn học So sánh tại Đại học California, Berkeley (Mỹ). Ông đã tham gia nhiều chương trình nghiên cứu về đấu tranh bằng phương pháp hòa bình và giải quyết xung đột trên thế giới. Hiện ông là giáo sư văn chương tại Đại học California, Berkeley.
Ông đồng thời là chủ tịch Trung Tâm Metta chuyên nghiên cứu về giáo dục tinh thần bất bạo động. Trung tâm Metta có mục đích tuyên truyền phổ biến nhận thức về đấu tranh bất bạo động cho các nhà hoạt động trên toàn thế giới.
Leave a Comment