(Nhân đọc bài : “ “Lỗ hổng” trong tiêu chí chọn lựa cán bộ cao cấp” của tiến sỹ Tô Văn Trường).
Tiến sỹ Tô Văn Trường là một chuyên gia hàng đầu về thủy lợi và môi trường thì trong nước và nước ngoài ai cũng biết. Nhưng bài viết nhan đề: “Lỗ hổng” trong tiêu chí chọn lựa cán bộ cao cấp” của ông vừa qua trên mạng xã hội (17.8.2017) thì khiến giới nghiên cứu xã hội học, chính trị học…phải suy ngẫm và tán thưởng vì tính khoa học, sắc bén, kịp thời và đầy chất humour của nó!
Ông phê phán và chỉ ra những sai lầm trong tiêu chí chọn lựa cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký. Ông chỉ rõ, về cơ bản ông Trọng là người chủ trương “Đức trị”. Tức, chọn lựa cán bộ lấy đức làm chính, không đề cập gì đến những tiêu chuẩn của pháp trị trong thời đại văn minh. Đã nói đến “Đức trị” thì không thể không nhắc đến cha đẻ của nó là Khổng Tử (551-479 trước CN). Toàn bộ triết thuyết của Khổng Tử là lý thuyết vè người quân tử. Quân là cai trị, tử là người cai trị. Theo Khổng Tử, muốn trở thành người quân tử thì phải tu thân, để trở thành người có đạo đức ( giống như học tập đạo đức Hồ Chí Minh ngày nay). Vẫn theo thầy Khổng thì đạo là các mối quan hệ mà con người phải biết để ứng xử, bao gồm: đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo chồng-vợ, đạo anh-em, đạo bè-bạn…được gọi là ngũ luân. Đức theo Khổng Tử có ba điều: nhân, trí, dũng. Sau này Mạnh Tử bỏ chữ “dũng” vì sợ bề tôi có “dũng” dễ làm phản nên thay bằng lễ và nghĩa. Đến đời Hán thêm chữ tín thành năm đức: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín…được gọi là ngũ thường. Vì thế mới có câu ngạn ngữ: Luân thường đạo lý. Nói đến “Luân thường đạo lý” là nói đến triết lý của Khổng Mạnh để trị quốc.
Với lý thuyết đức trị đó, lịch sử Trung Hoa và cả Việt Nam đã thăng trầm mấy ngàn năm. Khi vua có đạo đức thì xã hội bình yên, khi vua vô đạo thì lại có cuộc khởi nghĩa đẫm máu để thay vua, thay thế triều đại…cứ thế máu đổ suốt mấy ngàn năm mà lịch sự vẫn dậm chân tại chỗ. Vẫn nghèo đói, u mê. Lý thuyết về chế độ tam quyền phân lập ( khởi đầu từ Montesquieur) và dân chủ đa nguyên là một bức tiến vượt bậc của nhân loại. Từ đó, người ta thay đổi một triều đại một vị đứng đầu quốc gia bằng lá phiếu của cử tri, không cần đến máu đổ.
Vậy chọn cán bộ, nhân tài lãnh đạo quốc gia thì trước hết phải chọn cái ghế có độ rung dân chủ. Ai ngồi vào cái ghế ấy, không đủ tài, đủ đức sẽ bị độ rung của cái ghế hất văng ra. Độ rung ấy là thể chế tam quyền phân lập, chế độ đa nguyên, nhà nước pháp quyền, bầu cử tự do, báo chí độc lập…Nếu chỉ chọn cán bộ “không tham vọng quyền lực” và “kiên trì chủ nghĩa Mác- Lê Nin” như tiêu chí ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra mà không nói gì dến những thiết chế kể trên thì nó mơ hồ đến huyền bí! Nó lại quay về với triết thuyết Đức trị của thầy Khổng mấy ngàn năm trước! Vì thế mà tiến sỹ Tô Văn Trường đã ví, kêu gọi các tiêu chí để chọn lựa cán bộ lãnh đạo như người ta đang làm chẳng khác nào trao bằng “Tiết hạnh khả phong” cho “cô Tư Hồng”!
Lâu lắm tôi mới được đọc một bài viết giàu chất humour như thế. Hay!
Leave a Comment