Cách phản kháng khi đàn áp gia tăng
Trong hai năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thẳng tay đàn áp các hoạt động phản kháng của quần chúng ở cơ sở. Vì xem xã hội dân sự như một phương tiện qua đó những tư tưởng nguy hại của phương Tây có thể tràn vào Trung Quốc, chính quyền Tập Cận Bình đã liên tục bắt bớ những ai họ cho là vượt quá giới hạn, đã cầm giữ một số luật sư nhân quyền, bắt đầu từ tháng 7/2015, vài tháng sau đó họ lại bắt giam các nhà hoạt động bênh vực công nhân, và đặt ra những hạn chế mới với các Tổ chức Phi Chính phủ (NGO) hoạt động tại Trung Quốc.
Một hình thức phản kháng, không cần xuống đường rầm rộ, là “biểu tình chớp” (flash demonstration). Đó là các cuộc biểu tình cá nhân hay của những nhóm nhỏ, tồn tại không quá nửa giờ, đủ lâu để các nhà hoạt động chụp được những bức hình tiêu biểu về cuộc biểu tình, tung chúng lên mạng xã hội, nhưng cũng đủ ngắn để tránh những dòm ngó không đáng có của chính quyền…
Vụ đàn áp lộ liễu gần đây nhất diễn ra vào ngày 13/7 khi người đoạt giải Nobel Hoà bình Lưu Hiểu Ba chết vì ung thư gan, sau khi đã ở tù gần hết bản án 11 năm, chỉ vì đã viết một áng văn đòi hỏi dân chủ có tên là Hiến chương 08. Trong những ngày cuối đời, khuôn mặt thất thần của Lưu Hiểu Ba như đã gửi đi thông điệp về một thực tại nhức nhối, rằng guồng máy đàn áp của nhà nước có thể làm suy sụp cả những nhà hoạt động kiên định nhất. Và, cái chết của ông cũng khiến thế giới bên ngoài phải tự hỏi: Có phải thời kỳ phản kháng ở Trung Quốc đã chấm dứt?
Nhưng, phải thấy rằng mặc dù đàn áp ngày càng tăng, các hoạt động phản kháng của quần chúng vẫn không hề biến mất. Như một thành ngữ Trung Quốc diễn tả nôm na “trên càng đè nén, dưới càng bật phản”, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc biết khéo léo ra chiêu bao nhiêu thì các nhà phản kháng cũng khéo léo phản chiêu bấy nhiêu, họ ngày càng tinh nhạy và sáng tạo trong hành vi phản kháng.
Không như ở các nước dân chủ tự do, nơi các NGO có thể vận động đám đông xuống đường, Trung Quốc cấm chỉ các cuộc biểu tình công cộng. Rút cuộc là các nhà hoạt động Trung Quốc học được cách vận động nhưng không cần đám đông. Họ làm giảm rủi ro bị trấn áp khi phản kháng dưới hình thức cá nhân và quy mô nhỏ. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đôi khi miễn cưỡng chấp nhận, có khi còn khích lệ, một số hình thức phản đối tự phát ở địa phương, nhưng họ chưa hề cho các NGO đứng ra điều phối biểu tình. Dù sao, các cuộc biểu tình không được xã hội dân sự đứng sau lưng thì với nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn là ít nguy hiểm hơn.
Một hình thức phản kháng, không cần xuống đường rầm rộ, là “biểu tình chớp” (flash demonstration). Đó là các cuộc biểu tình cá nhân hay của những nhóm nhỏ, tồn tại không quá nửa giờ, đủ lâu để các nhà hoạt động chụp được những bức hình tiêu biểu về cuộc biểu tình, tung chúng lên mạng xã hội, nhưng cũng đủ ngắn để tránh những dòm ngó không đáng có của chính quyền.
Năm 2010, tôi chứng kiến một nhóm công nhân Quảng Châu làm cuộc “biểu tình chớp” ngay trước toà án huyện. Họ phản đối Hiệp hội các Nhà sản xuất Địa phương phạm pháp khi đưa vào danh sách đen những người bị gọi là công nhân “gây rối”, trong khi những người này chỉ là những công nhân có ý thức và khuyến khích đồng nghiệp đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người lao động. Công nhân có tên trong sổ đen đã gặp rất nhiều khó khăn khi đi tìm việc mới trong huyện. Nhóm công nhân này sau đó đã đệ đơn kiện hiệp hội kia.
Sau khi nghe toà phân xử, công nhân đã đeo khẩu trang che mặt và lôi các tấm bảng cứng, mỗi bảng mang một chữ tiếng Hoa, nhưng khi ghép các chữ lại với nhau thì dòng chữ có nghĩa “Chủ nhân vô đạo đánh đập công nhân nhập cư. Công nhân phản đối hành vi bêu xấu”. Lọt khỏi ánh mắt dò xét của đội bảo vệ, một công nhân, hoạt động trong tổ chức NGO bênh vực người lao động, đã đứng bên kia đường quay phim toàn bộ sự kiện. Các công nhân đứng đó, giương cao biểu ngữ trong vòng chưa đầy 5 phút, trước khi nhảy lên xe buýt, di chuyển và lập lại hình thức phản đối này ngay trước cổng toà nhà Hiệp hội.
Mặc dù gần như tự phát, cuộc biểu tình chớp vừa kể cũng được điều phối bởi các tổ chức lao động không phép, và bị buộc phải hoạt động ngoài vòng pháp luật, vì Trung Quốc chỉ cho phép các nghiệp đoàn do nhà nước quản lý được chính thức đại diện công nhân. Vào lúc đó, hoạt động kể trên của họ ít được biết đến vì truyền thông đang xôn xao vì những cuộc đình công quy mô lớn và các vụ công nhân tự tử diễn ra tại các nhà máy sản xuất iPhone. Tuy nhỏ về quy mô, nhưng dù sao các cuộc biểu tình chớp của công nhân cũng cho thấy một hình thức sáng tạo mới trong hoạt động phản kháng tại cơ sở, và hiệu quả của nó, dù không lôi kéo đám đông.
Biểu tình chớp tiếp tục diễn ra dưới thời Tập Cận Bình. Vụ mới đây nhất là chiến dịch chống quấy rối tình dục do một cô gái, 24 tuổi, đấu tranh cho nữ quyền, rất cá tính với mái tóc nhuộm toàn hồng, tên là Trương Lôi Lôi (Zhang Leilei). Cô chụp hình mình tay cầm bích chương, đứng trước một loạt các dinh thự tiêu biểu của Quảng Châu, bích chương vẽ con mèo hoạt hình với một chân xoè móng nói “KHÔNG” với bàn tay sờ soạng đang dấn tới. Cô cũng vận động 100 phụ nữ khác ở 26 thành phố trên toàn Trung Quốc chụp hình cầm bích chương như cô và đăng lên mạng Weibo, mạng xã hội tương tự như Twitter tại Trung Quốc.
Người ngoài có thể đánh giá chiến dịch của cô đơn thuần chỉ là một khoảnh khắc bộc lộ bản thân, nặng tính cá nhân. Nhưng thực ra, cô Trương là thành viên của một mạng lưới lớn hơn, gồm những nhà đấu tranh nữ quyền, họ không chỉ tham gia phát động chiến dịch của cô, mà còn giúp quảng bá cho chiến dịch lan toả, chẳng hạn họ cho in và phát hành hàng loạt các loại áo thun mang thông điệp chống quấy rối tình dục. Hoạt động của họ dường như đã tạo được ảnh hưởng với chính quyền tại đây. Giữa tháng 7/2017, Quảng Châu và Thâm Quyến trở thành hai thành phố đầu tiên tại Trung Quốc cho thử nghiệm những toa xe điện ngầm chỉ dành cho phụ nữ, trong nỗ lực chống quấy rối tình dục đang tràn lan trên các phương tiện giao thông công cộng. Mặc dù rất khó để khẳng định đâu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thử nghiệm này, nhưng có thể nói hình thức phản kháng của cô Trương cho thấy cũng có lúc mọi người không cần phải xuống đường rầm rộ mới bày tỏ được bức xúc.
Một phương thức khác là tổ chức các nhóm người viết kiến nghị cá nhân gửi chính quyền. Ví dụ tiêu biểu là việc làm của các nhà vận động tự do thông tin, là nhóm trong gần mười năm qua đã nỗ lực đòi chính quyền phải minh bạch. Cũng nên biết là vào năm 2008, Trung Quốc đã áp dụng đạo luật về tự do thông tin đầu tiên, luật này được xây dựng dựa theo mẫu “Đạo luật về Tự do Thông tin” của Mỹ. Phiên bản Trung Quốc của luật này cho phép công dân quyền đòi mọi loại thông tin, kể cả thông tin về ngân sách chính phủ. Nhưng, một nghiên cứu gần đây cho thấy, trên thực tế, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc chỉ đáp ứng được 14% yêu cầu cung cấp thông tin của người dân chiếu theo luật này.
Việc chính quyền không đáp ứng được yêu cầu thông tin đã góp phần làm xuất hiện một lớp người phản kháng đặc biệt – tạm gọi đó là những “chiến binh tự do thông tin”. Ông Ngô Tuấn Lương (Wu Junliang), một trong những nhà vận động hàng đầu vì sự minh bạch, đã tổ chức một nhóm công dân Thâm Quyến viết thư yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp thông tin về ngân sách. Làm việc tại văn phòng riêng, ông Ngô trả công cho một số “tình nguyện viên” (thực ra, họ là nhân viên được ông trả lương), để viết thư lên hàng loạt các sở ban ngành của chính quyền, yêu cầu cung cấp thông tin.
Các tình nguyện viên viết với tư cách cá nhân để giấu việc họ là thành viên của một nhóm có điều phối. Khi chính quyền địa phương phớt lờ các lá thư này, ông Ngô và cộng sự đã liên hệ với giới truyền thông để đưa ra ánh sáng vụ các quan chức địa phương không trả lời dân, và kết cục dẫn tới việc 114 sở ban ngành của chính quyền Quảng Châu phải công khai thông tin về ngân sách của họ trên mạng.
Viết thư tiếp tục là một cách hoạt động trong tình hình hiện nay ở Trung Quốc. Người dân đã rất khéo léo tận dụng các kênh thông tin được nhà nước cho phép, như “Hộp thư của Chủ tịch” (hộp thư ở đây là email của lãnh đạo địa phương) để nói lên những gì dân bức xúc. Hộp thư của Chủ tịch được thực hiện vào đầu những năm 2000 như một phần chiến dịch thúc đẩy chính quyền địa phương toàn Trung Quốc cung cấp dịch vụ qua mạng. Đến năm 2014, có 98% chính quyền địa phương cấp tỉnh và huyện có dịch dụ này. Dịch vụ cho phép người dân bình thường yêu cầu quan chức địa phương khắp Trung Quốc, tức những người mà dân không bầu chọn, phải cung cấp thông tin.
Điều vừa kể cũng mở ra một hình thức hoạt động trên mạng khá bất ngờ. Một nghiên cứu gần đây, bao gồm việc phân tích những lá thư gửi chủ tịch địa phương tiêu biểu trên toàn quốc năm 2013, cho thấy một số thư chứa đựng những chỉ trích rất cay độc về các vụ chính quyền tham nhũng và sai trái. Ví dụ, trong một lá thư tiêu biểu khiếu nại vụ cướp đất trái phép, tác giả đã viết với lời lẽ như sau: “Tôi có lời khen ngài vì ngài hoạt động cực hiệu quả nhé! Tôi đã từng viết cho Bí thư Lưu vào tháng 11/2012 rằng đất của tôi đã bị lấy mất, còn nhà của tôi thì bị cưỡng bức phá huỷ. Tuy vậy, chẳng có ai giúp gì tôi cả!… Có phải đây là cách chính quyền thực thi nghĩa vụ với dân chăng, phục vụ bằng cách hành dân, khiến dân chạy lòng vòng, hay là chính quyền chỉ biết mỗi đấu tranh trên giấy?” Một lá thư khác viết từ Vũ Hán còn thẳng đuột hơn, tác giả doạ sẽ hành động nếu ông không nhận được phản hồi. Ông viết: “Nếu tôi không nhận được thư trả lời, tôi sẽ liên hệ với báo chí và kiện lên đến Công an Tỉnh!” Dù nội dung gay gắt như thế, những lá thư này vẫn được đăng trên các trang mạng của chính quyền tỉnh và quận huyện khắp Trung Quốc. Điều này cho thấy trong hệ thống vẫn còn kẽ hở để người dân nhanh tay lẹ mắt có thể tận dụng, và không phải tiếng nói phản kháng nào cũng bị dập tắt.
Ngoài phản kháng trên mạng như vừa kể thì phản kháng ngoài đời thực với quy mô nhỏ hiện vẫn tiếp tục, dù rằng mức độ đàn áp có gia tăng. Như trong tháng 7/2017, có ít nhất 320 luật sư nhân quyền ở Trung Quốc bị cầm giữ, thẩm vấn, hoặc bị ảnh hưởng bởi chiến dịch bủa vây luật sư rầm rộ chưa từng có, tính từ khi chiến dịch bắt đầu vào tháng 7/2015. Nhưng, mặc dù hoạt động của các luật sư hầu hết bị chựng lại thì vợ của họ vẫn tiếp tục lên tiếng thay họ. Một nhóm nhỏ những người vợ của các luật sư bị cầm giữ đã diễu hành qua đường phố Thiên Tân vào tháng 5/2017, họ mang theo những thùng màu đỏ và mặc áo trắng có chữ đỏ ghi tên chồng họ. Dù số lượng có hạn nhưng sự bất tuân của họ cho thấy hoạt động phản kháng không thể nào bị dập tắt hoàn toàn. Những người vợ này đã tiếp tục lên tiếng, dù rằng những người chồng có tiếng tăm của họ đã bị chế độ bịt miệng.
Ngay cả những đợt đàn áp khốc liệt nhất cũng không, tính đến nay, bịt miệng được những công dân Trung Quốc có quyết tâm mạnh mẽ. Thay vì đưa ra những tuyên bố ủng hộ dân chủ cấp tiến, như Lưu Hiểu Ba và những người ký tên vào Hiến chương 08 đã làm, các nhà hoạt động xã hội dân sự hiện nay đã biết cách đương đầu với con bò điên bằng cách chích nó những mũi nhỏ mà đau, thay vì đâm nó trọng thương.
Đúng là hiệu quả tức thì của những hình thức phản kháng cá nhân có thể khó nhận biết. Nhưng, hành vi của họ chứng tỏ rằng bất chấp những cuộc đàn áp chưa từng có nhắm vào xã hội dân sự, phản kháng vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ, không to thì nhỏ.
Như cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình có lần nói về thời kỳ thay hình đổi dạng của Trung Quốc, rằng quá trình đổi thay sẽ gian nan, vất vả như người phải “dò đá qua sông”. Cũng vậy, các nhà hoạt động thường dân Trung Quốc cũng phải dò đường mà đi trong giai đoạn hậu Lưu Hiểu Ba, và cần hiểu ra rằng họ phải nhẫn nại đò đi từng bước một, qua được hòn đá trơn trượt trước mặt, rồi mới đến hòn đá khác.
__________
* Tiêu đề do người dịch đặt.
Nguyên bản Anh ngữ: The End of Activism in China? By Diana Fu
Người dịch Phan Trinh – Blog Bauxite Việt Nam
Leave a Comment