Quảng Cáo

Một nền tư pháp đa tốc độ

Quảng Cáo

Vụ án Trịnh Xuân Thanh, đang bị tạm giam 4 tháng để điều tra, rồi đây sẽ được xử án ra sao?

Có nhiều khả năng xảy ra vì đây sẽ là một vụ án chính trị, được dư luận trong ngoài nước rất quan tâm, không thể xử qua loa, theo nghị quyết của bộ chính trị như xưa nay được.

TV nhà nước đưa tin về vụ Trịnh Xuân Thanh.

Vụ án có thể bị kéo rất dài theo thời gian điều tra rồi bị ỉm đi, chìm vào vô tận vì liên quan quá rộng, quá dài, hồ sơ hàng vài nghìn trang, tài liệu hàng chục năm, hàng trăm nhân chứng đã thuyên chuyển hoặc chết, hóa đơn, thanh toán, thống kê, kế toán, văn kiện rất phức tạp, thật giả lẫn lộn, rất khó xác minh.

Cũng có thể lãnh đạo chọn kiểu xét xử thật nhanh gọn, thí mạng một vài kẻ liên quan rõ nhất thuộc phe nhóm thù địch, xử công khai nhưng rất hẹp, phòng xử nhỏ, công an mặc thường phục chiếm hết chỗ, không có chỗ cho các nhà báo và cả luật gia quốc tế. Họ sợ xử quá rộng sẽ tung tóe ra đến phe nhóm của họ

Đã không còn kiểu xử công khai thật sự thời trước. Tôi nhớ đến 2 phiên xử ông Tạ Đình Đề, cán bộ tình báo huyền thoại, sau là Trưởng ban thể thao và Giám đốc Xưởng dụng cụ thể thao Tổng Cục Đường sắt vào tháng 6/1976 và tháng 9/1987 tại Tòa án Nhân dân Hà Nội, có hơn 8 ngàn và 12 ngàn người dự, chật cứng phòng xử lớn, tràn ra đầy đường, có hệ thống loa phóng thanh truyền đi hàng cây số. Ông Đề 2 lần bị xử tội danh tham ô, làm sai chính sách, ông cùng luật sư tự bênh vực mình, được dư luận ủng hộ nhiệt tình, tòa phải tuyên bố cả 2 lần ông vô tội, trắng án, được tự do. Một sự kiện hiếm có dưới chế độ độc đảng.

Có một điều rất đáng chú ý trong vụ án Trịnh Xuân Thanh là Việt Nam đang hợp tác khá chặt chẽ với CHLB Đức về cải tiền nền tư pháp theo chế độ pháp trị dân chủ tiến bộ, sửa chữa bổ sung một số luật hình sự cho khớp với luật quốc tế và tôn trọng Nhân quyền, cải thiện cung cách xử án công bằng theo luật. Rất có thể phía CHLB Đức sẽ yêu cầu luật sư của ông Thanh ở Đức dự các phiên tòa.

Ở Việt Nam tuy có đủ Hiến Pháp, các bộ Luật ngày càng nhiều, cụ thể, nhưng có thể khẳng định còn lâu mới có thể gọi là một nền tư pháp văn minh, hiện đại, công bằng, vô tư. Sự thiếu sót này kéo dài từ khi Đảng Cộng Sản cướp chính quyền năm 1945, ngày một nghiêm trọng thêm, cho đến nay có thể gọi là một nền «tư pháp đảng trị», phi pháp, bất công, một nền tư pháp đa tốc độ, áp dụng tùy tiện, theo chỉ thị của đảng, cụ thể là theo chỉ thị của Bộ Chính trị, theo cái phương châm độc đoán: «đảng CS lãnh đạo toàn diện, thường xuyên, liên tục», nghĩa là ở mọi nơi, mọi lúc.

Vấn đề bất công, phi lý này diễn ra ở mọi nơi mọi lúc. Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam dù đau ốm, có con nhỏ, có mẹ già, chỉ vì cái tội «yêu nước thật lòng, thương dân thật bụng», kiên cường chống bọn bành trướng xâm lược, được cả thế giới khâm phục. Cô Trần Thị Nga cũng bị kết án 9 năm tù giam dù có con nhỏ cũng chỉ vì hăng hái bênh vực dân oan, chống nạn gây ô nhiễm môi trường, tham gia biểu tình chống bành trướng Trung Quốc, được bà con địa phương quý mến.

Có gì phi lý hơn là sau khi Chủ tịch Hà Nội về tại Đồng Tâm hứa không truy tố những công dân đòi lại đất, nay lại mở phiên tòa xử tội họ, lừa dối trắng trợn!

Đinh La Thăng

Trong khi đó, những quan chức tham nhũng hàng trăm, ngàn tỷ đồng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của công như Đinh La Thăng thì chỉ bị khiển trách, ra khỏi Bộ Chính trị nhưng vẫn còn ở trong Ban chấp hành TƯ, làm phó ban Kinh tế TƯ, vẫn còn là đại biểu Quốc hội, trong khi đó cái tội thật sự của Đinh La Thăng so với sự hoàn toàn vô tội của Mẹ Nấm và cô Trần Thị Nga thì thật là phi lý, một trời một vực, không có gì kỳ quặc hơn. Người vô tội thì bị đè nặng như quả núi, kẻ trọng tội hiển nhiên thì chỉ bị khiển trách qua loa, như phủi bụi!

Đã đến lúc Bộ Chính Trị và lãnh đạo đảng, Nhà nước phải giật mình, nhìn rõ nền tư pháp phải nói là bệ rạc đến ô nhục của mình, mặc dù đã ra nghị quyết về xây dựng nền tư pháp văn minh, hiện đại, công bằng, không để lọt kẻ gian, không để oan người ngay, để xử lý công khai vụ án Trịnh Xuân Thanh.

Mới đây nhà văn Vũ Thư Hiên đã có bài viết «Vì lịch sử và công lý chúng tôi lên tiếng», gửi cho Tổng bí Thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc Hội đòi phải lên tíếng minh oan cho hàng chục nạn nhân trong cái gọi là «Vụ án xét lại chống đảng, làm gián điệp cho nước ngoài» đúng 50 năm về trước. Bài báo nhấn mạnh đến nghĩa vụ của ban lãnh đạo hiện nay phải chịu trách nhiệm giải quyết các bất công trước đây theo nguyên tắc kế thừa, sòng phẳng với lịch sử. Bài báo nhắc đến các nạn nhân từng là công thần của chế độ như các vị: Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Đỗ Đức Kiên, Hoàng Thế Dũng, Đinh Chân, Nguyễn Kiên Giang, Trần Minh Việt, Phạm Viết v.v… đều là cán bộ cộng sản cấp cao đã bị tra tấn, tù đầy và chết trong tủi nhục. Nhà văn Vũ Thư Hiên đã thay mặt cho 11 gia đình nạn nhân và gia đình thân nhân các nạn nhân còn sống sót để lên tiếng đòi hỏi công lý, giữa lúc đảng lên tiếng kêu gọi mọi người sống theo pháp luật, đổi mới ngành tư pháp, xây dựng nền tư pháp độc lập, văn minh, hiện đại.

Tứ trụ.

Bốn nhân vật cầm quyền cao nhất có ai sẽ trả lời bài viết mang theo yêu cầu khẩn thiết đòi công lý của nhà văn Vũ Thư Hiên? Theo nếp đối xử của một xã hội văn minh thì Văn phòng của bốn vị trên đây ít ra là phải có công văn trả lời là đã nhận được bài viết đó và sẽ giải quyết ra sao. Nhưng rồi họ sẽ im thin thít cho mà xem.

Trước đây, vào năm 2004 đến 2010, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng gửi 5 lá thư tâm huyết đến Ban lãnh đạo Đảng và Nhà Nước nêu rõ “Vụ án siêu nghiêm trọng Tổng cục II” và về việc không nên khai thác quặng Bôxit trên vùng chiến lược Tây Nguyên, rất có hại, nhưng không có một lời hồi âm nào.

Sắp tới, nhà kinh doanh Trịnh Vĩnh Bình ở Hà Lan khởi kiện lần thứ hai nhà cầm quyền Việt Nam tại Tòa án Quốc tế về sự đối xử bất công, vô luật pháp, kết án 11 năm tù hồi 1999 khi ông Bình về nước làm ăn.

Ngày 21/8 này, tại Paris, Tòa án quốc tế sẽ xử vụ án này, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết số đền bù tài sản của phía Nhà Nước VN phải trả cho ông có thể lên đến hơn 1 tỷ đôla.

Trịnh Vĩnh Bình

Vụ xử án này có thể mở ra một loạt vụ xử của Tòa án án quốc tế do công dân gốc Việt Nam hiện ở nước ngoài phát đơn kiện Nhà nước Việt Nam đã bắt giam, hành hạ, tra tấn, tịch thu tài sản của các quân nhân, sỹ quan, viên chức Việt nam Cộng hòa sau 30/4/1975, cũng như các vụ xử án bất công đối với các chiến sỹ dân chủ, yêu nước, chống bành trướng, bênh dân oan mất đất, đòi nhân quyền cho toàn dân, như nhà báo Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Mẹ Nấm và cô Trần Thị Nga và hàng trăm người khác.

Rất mong đội ngũ đông đảo các luật sư và sinh viên Luật trẻ nước ta tham gia phổ biến hiểu biết về Luật Quốc tế, về Tòa án Quốc tế, góp phần buộc Đảng CS và Nhà nước VN phải chấm dứt ngay nền Tư pháp đa tốc độ, mang bản chất độc đoán đảng trị, phi lý, bất công đã quá dài và tệ hại vô kể, một tai họa khủng khiếp cho đất nước và nhân dân ta vốn yêu công lý và lẽ phải.

ưphápBùi Tín Blog – VOAt

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux