Quân đội làm kinh tế: Lợi ít hại nhiều, phúc nhỏ hoạ lớn

Phạm Đình Trọng - Bauxite Việt Nam

- Quảng Cáo -

Lữ đoàn Lũng Lô thuộc binh chủng công binh chuyển sang làm kinh tế trở thành công ty Lũng Lô. Công ty Lũng Lô mang năng lực quân đội ra kinh doanh là mang nghề bắc cầu mở đường, mang xe công trình và máy chuyên dụng, mang kỹ sư công binh và lính cuốc xẻng ra làm những dự án, những công trình công nghiệp và dân dụng lớn. Công ty Lũng Lô còn kinh doanh cả ở lĩnh vực không liên quan đến nghề công binh như cho lính dựng cây xăng bên đường, kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Kinh doanh bằng năng lực quân đội là kinh doanh bằng quyền uy và công thần quân đội. Kinh doanh bằng mênh mông đất an ninh quốc phòng. Kinh doanh bằng vô tận nước sông công lính. Làm sao không lãi khẳm? Lãi khẳm đã làm mờ mắt, tối dạ nhiều người được trao những trọng trách lớn nắm giữ sức mạnh quân sự đất nước. Lãi khẳm đã làm nảy nòi ra quá nhiều nhóm lợi ích nhà binh và họ đang cố vơ công việc của Bộ Công thương, vơ cả chức năng của những chợ lao công, chợ bán sức người về cho Bộ Quốc phòng. Làm công việc của nhà kinh doanh chuyên nghiệp, nhiều nhóm quyền lực nhà binh còn bán sức lính cho các doanh nghiệp dân sự khai thác, bóc lột. Các nhóm quyền lực nhà binh cố đòi cho được chức nâng kinh doanh kiếm tiền trở thành chức năng đương nhiên của người lính và họ còn nống lên thành chủ trương nhất quán của đảng!

Nhưng lãi khẳm chỉ mang lại giầu có cho nhóm lợi ích nhà binh. Dù lãi khẳm bao nhiêu, dù số dương hạch toán có lớn bao nhiêu cũng không bù đắp được cái giá mà quân đội, mà đất nước phải trả cho việc làm kinh tế của những người lính.

Quân đội làm kinh tế đã tạo ra tầng lớp tư sản nhà binh, những ông chủ tư bản mang lon tướng, tá với cuộc sống đế vương hưởng thụ, lạc lõng với cuộc sống đang còn nhiều thiếu thốn, cơ cực của người dân, càng lạc lõng với cuộc sống gian khổ rèn luyện của người lính chân chính. Hình ảnh đã lộ sáng về cuộc sống đế vương của đại tá Phùng Quang Hải chỉ là một minh chứng. Còn bao nhiêu những tướng tá chủ tư bản đế vương chưa lộ sáng?

- Quảng Cáo -

Những ông chủ tư bản nhà binh đó đều giữ những trọng trách lớn trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Nhưng tư duy của ông chủ kinh doanh, tư duy của nhà đầu tư góp vốn vào sân golf Tân Sơn Nhất sẽ lấn át tư duy của nhà cầm quân. Tư duy hòa bình hưởng lạc sẽ lấn át tư duy của người lính vì nước quên thân, vì dân quên mình.

Trước sự hung hăng cướp đất, cướp biển của Tàu Cộng, trước tội ác của Tàu Cộng hàng ngày bắn giết dân lành Việt Nam, mọi người dân Việt Nam bình thường, từ ông cán bộ về hưu đến cô bé học trò tiểu học đều sôi sục căm thù giặc Tàu Cộng xâm lược mà những cuộc biểu tình tự phát bùng nổ liên tục suốt nhiều năm qua lên án hành động xâm lược của Tàu Cộng là bằng chứng. Căm thù giặc cướp nước và sẵn sàng xả thân giữ nước của người dân là sức mạnh để tồn tại của dân tộc Việt Nam. Mượn danh quân đội làm kinh tế, cha con ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mê mải làm giàu đã làm cho ông tướng đứng đầu ba quân của quân đội cộng sản Việt Nam Phùng Quang Thanh lú lẫn, mơ hồ, bạc nhược và đớn hèn đến mức đứng về phía kẻ thù hằn học với lòng yêu nước của người dân Việt Nam: Tôi thấy lo lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực đến Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc. Ông tướng Thanh đớn hèn và bạc nhược hiểu rằng lòng dân Việt sôi sục căm thù quân Tàu Cộng xâm lược là mối nguy hiểm khôn cùng cho quân xâm lược nhưng ông ta lại nói tránh đi là nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam.

Quân đội làm kinh tế đã tạo ra một đội ngũ lính có nếp sinh hoạt riêng hoàn toàn không biết đến điều lệnh nội vụ của quân đội, không biết đến thao trường, không có kỹ năng, bản lĩnh và lẽ sống cao đẹp của người lính nhưng họ lại có mức sống cao hơn, có đời sống an nhàn, thanh bình hơn những người lính thực sự. Điều đó đã tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ quân đội, tạo ra sự cách biệt, bất bình đẳng không lành mạnh trong quân đội.

Quân đội là môi trường, là không gian của lý tưởng. Nơi công dân làm nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng với đất nước: Bảo vệ Tổ quốc. Nơi người sĩ quan nắm trong tay sức mạnh phòng vệ của đất nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử về sự toàn vẹn cương vực lãnh thổ. Nơi khái niệm về Tổ quốc, về Nhân Dân, khái niệm về sự hi sinh, sự dâng hiến sáng rõ nhất, cụ thể nhất, thiết thực nhất và cũng cao đẹp nhất.

Quân đội cũng là nơi mọi người dân gửi trọn lòng tin yêu và nhận được sự ưu ái, đãi ngộ lớn nhất của người dân và của đất nước. Thời chiến tranh vừa qua, cả miền Bắc đói dài đói rạc. Từ người già đến đứa trẻ mới sinh đều không được ăn no, không được ăn đủ. Nhưng hạt thóc đóng thuế nuôi quân thì “thóc không thiếu một cân” và góp người ra trận thì “quân không thiếu một người”. Với người dân, người lính là con người của sự hy sinh và cống hiến, là những người đẹp nhất, những người đáng yêu nhất, những người lấy thân mình làm cột mốc biên cương, lấy máu mình vạch ranh giới quốc gia. Dù đói ăn đến đâu, người dân cũng không để những người lính phải đói một bữa, để mong những người lính vững tay súng, đừng một phút giây xao lãng với nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.

Dân còn nghèo xơ xác, kinh tế đất nước còn thiếu trước, hụt sau vẫn dành cho quân đội lương cao bổng hậu chỉ mong quân đội tập trung vào bổn phận giữ gìn toàn vẹn cương vực lãnh thổ. Ơn dân, lộc nước lớn như vậy nhưng hơn chục năm qua, đất biên cương mất, biển đảo mất, chủ quyền lãnh thổ bị Tàu Cộng xâm lấn ngày càng nghiêm trọng mà những nhóm lợi ích nhà binh vẫn mê mải mang năng lực quân đội ra làm kinh tế. Không phải chỉ là vô lương tâm, vô trách nhiệm mà còn là sự phản bội nhân dân.

Là không gian của lý tưởng, có người còn coi quân đội là nơi sạch nhất. Nhưng quân đội làm kinh tế thì không gian của lý tưởng không còn nữa. Nơi sạch nhất đã nhốn nháo cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận, đã làm hao hụt, mất mát đáng kể tình cảm yêu thương của người dân dành cho người lính. Nơi của những lý tưởng cao cả đã trở thành nơi ngự trị của đồng tiền, nơi bon chen, ráo riết tìm kiếm lợi nhuận của những nhóm quyền lực nhà binh.

Quân đội làm kinh tế mới có cuộc cướp đất bằng sức mạnh tàn bạo ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Cuộc cướp đất ở Đồng Tâm sẽ khắc ghi vào lịch sử Việt Nam một vết nhơ, một nỗi đau về một thời cộng sản đen tối và về một nhà nước cộng sản dùng sức mạnh quyền lực và sức mạnh bạo lực chà đạp lên pháp luật cướp mảnh đất của dân không thuộc đất sân bay Miếu Môn, cướp mảnh đất đã và đang thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt người dân Đồng Tâm cho một nhóm lợi ích nhà binh. Với sức mạnh của quyền lực và sức mạnh của bạo lực, đơn vị quân đội làm kinh tế mang tên Viettel sẽ cướp được đất của dân Đồng Tâm nhưng lòng tin của người dân với nhà nước và tình yêu của người dân với người lính sẽ mất trắng. Nhà nước và quân đội đó không còn có nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân nữa.

Tư liệu sản xuất tạo ra lợi nhuận của những nhóm quyền lực nhà binh là đất đai, sức lính và trang, thiết bị của quân đội thì đơn vị quân đội nào cũng có. Đơn vị làm kinh tế được chính danh và công khai mang đất đai, sức lính và trang thiết bị ra làm giàu thì đơn vị quân đội không làm kinh tế cũng làm giàu bằng đất đai, sức lính và trang thiết bị quân đội một cách lén lút. Và bao điều đau lòng, nhục nhã đã xảy ra.

Lính biên phòng Quảng Trị được trang bị tàu tuẫn tiễu biển, được cung cấp xăng dầu cho những chuyến ra khơi canh biển. Toàn quân nhộn nhịp làm kinh tế thì nhóm quyền lực nhà binh biên phòng Quảng Trị không có chức năng làm kinh tế cũng lén lút làm kinh tế bằng cách không thực hiện những chuyến tuần tra canh biển, neo tàu tuần tiễu tại bến nhưng khai khống những chuyến ra khơi rồi lấy xăng dầu của những chuyến đi biển khống đó bán đi lấy tiền chia nhau trong nhóm quyền lực.

Thời chiến tranh, người dân nhường đất ruộng đang cấy lúa cho lính phòng không lập trận địa pháo cao xạ. Người dân nhường cả hồ sen đẹp để người lính có trận địa pháo phòng không nổi trên hồ đón đúng hướng bay của máy bay Mỹ. Chiến tranh qua đi. Những khẩu pháo cao xạ đã được đưa về kho quân khí, đưa về bảo tàng. Nhưng đất ruộng trận địa, mặt hồ trận địa không được trả lại cho dân mà trở thành tài sản của quân chủng Phòng không – Không quân để tài sản đó trở thành vốn liên doanh với doanh nghiệp dân sự. Nhà hàng nguy nga mọc lên trên đất ruộng trận địa. Nhà hàng trên du thuyền giữa hồ dập dìu khách thâu đêm. Hàng trăm hecta đất sân bay dân sự, sân bay quân sự cũng được nhóm quyền lực Phòng không – Không quân mang ra liên doanh để trở thành sân golf, sân tennis, nhà hàng, khách sạn, biệt thự cho thuê. 10 năm qua, 2006 – 2016, quân chủng Phòng không – Không quân là sắc lính làm kinh tế lớn nhất, mạnh nhất và say mê nhất.

Cũng 10 năm qua, 2006 – 2016, thời nhóm quyền lực Phòng không – Không quân làm kinh tế rầm rộ nhất, mê mải nhất cũng là thời hòa bình, máy bay quân sự chỉ có những chuyến bay huấn luyện, bay tuần tra nhưng máy bay bị rơi rụng, bị tan xác nhiều nhất. 19 máy bay bị tai nạn tan xác cùng với 49 người lính chết theo máy bay. Trong số máy bay tan tành có 6 máy bay tiêm kích Mig 21 và 5 máy tiêm kích hiện đại nhất, đắt tiền nhất, Su 22 và cả Su 30. Không thể không có mối liên hệ giữa sự mê mải làm kinh tế của nhóm quyền lực Phòng không – Không quân với sự tăng vọt những máy bay quân sự tan xác.

Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được tính mạng của 49 người lính không quân mất đi cùng sự tan xác của 19 máy bay quân sự.

Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được máu của người dân Việt Nam hàng ngày đổ ra trên biển Việt Nam bởi quân đội bám bờ, ngư dân bám biển, quân đội mê mải làm kinh tế bỏ trống biển cho lũ cướp biển Tàu Cộng làm chủ biển Việt Nam, mặc sức hung hăng bắn giết dân chài Việt Nam.

Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được sự mất mát của không gian lý tưởng mà quân đội nào cũng phải có. Lời lãi nào có thể bù đắp được sự mất mát lòng tin và tình cảm yêu thương của người dân dành cho người lính.

Quân đội làm kinh tế mang lại chút lợi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh. Cái phúc nhỏ nhoi của một dúm người. Quân đội làm kinh tế mang về cho ngân sách vài đồng tiền thuế. Cái lợi nhỏ xíu của nhà nước. Nhưng quân đội, nhân dân và đất nước phải gánh chịu thiệt hại quá lớn. Tâm hồn người lính bị tha hóa. Kỷ luật quân đội bị xói mòn. Sức mạnh quân đội bị phân tán vào công việc tìm kiếm lợi nhuận. Tổ chức quân đội bị phân hóa. Tính thường trực và tính chuyên nghiệp của quân đội không còn nữa. Sức mạnh chiến đấu của quân đội bị giảm sút nghiêm trọng. Trong khi biên cương biển đảo đang bị sức mạnh quân sự của Tàu Cộng xâm lấn ngày càng trắng trợn và dữ dằn mà quân đội cứ mê mải làm kinh tế, tối mắt với lợi nhuận, đó là họa vô cùng lớn của đất nước.

Quân đội cố giành chức năng làm kinh tế cho thấy thống lĩnh quân đội hiện nay chỉ là mấy ông tướng nông dân, những người chỉ có tầm nhìn quá hạn hẹp, không vượt ra khỏi mảnh ruộng manh mún, riêng tư của gia đình mình. Như thời hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân chỉ lo chăm chút cho mảnh ruộng năm phần trăm của gia đình mình còn ruộng hợp tác xã chỉ làm qua quýt theo tiếng kẻng cho hết giờ, cho đủ công điểm. Ruộng hợp tác xã cỏ tốt hơn lúa cũng bỏ mặc.

Những ông tướng nắm sức mạnh quân sự của đất nước, bảo đảm lợi ích của đất nước là toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích của nhân dân là được sinh sống trên đất nước bình yên, là thế đứng của dân tộc Việt Nam trước thế giới. Ở tầm quốc gia lớn lao như vậy nhưng những ông tướng nông dân cố níu giữ chức năng quân đội làm kinh tế là đã đặt lợi ích cục bộ của nhóm quyền lực nhà binh lên trên lợi ích của đất nước, của nhân dân. Quân đội làm kinh tế thực ra chỉ là nhóm quyền lực nhà binh khai thác năng lực quân đội vào hoạt động kinh tế mang lại lợi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh mà thôi.

5. LỜI CUỐI

Trong xã hội công nghiệp hiện đại, ở các nước công nghiệp phát triển cũng là các nước dân chủ thực sự, tổ chức xã hội hợp lý và hài hòa, mọi ngành nghề, mọi công việc đều phải chuyên nghiệp hóa triệt để. Xã hội hiện đại đòi hỏi mọi việc đều phải chuyên nghiệp đến nỗi thế giới tội phạm cũng phải chuyên nghiệp để có một tổ chức tội phạm lớn mạnh mới tồn tại được, đó là tổ chức tội phạm mafia.

Đi qua thời văn minh công nghiệp, loài người đã bước lên một nền văn minh rất cao, văn minh tin học. Nhưng xã hội Việt Nam vẫn ở thời văn minh trước công nghiệp. Các tổ chức, các hoạt động ở xã hội Việt Nam đều chưa có tính chuyện nghiệp.

Hai tổ chức quan trọng nhất đòi hỏi hoạt động chuyên nghiệp cao nhất là Quốc hội và quân đội đều không chuyên nghiệp.

Quốc hội là cơ quan lập pháp, nơi làm việc của những chính khách chuyên nghiệp và những nhà lập pháp chuyên nghiệp để tạo ra những bộ luật của thời đại văn minh ngang tầm thế giới. Quốc hội Việt Nam chỉ là bộ sưu tập về hình ảnh con người Việt Nam, có đầy đủ thành phần các dân tộc và đầy đủ các tầng lớp xã hội. Vì thế mỗi kỳ họp Quốc hội chỉ như một festival đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Đại biểu Quốc hội hầu hết đều chỉ là những nghị sĩ nghiệp dư. Bà bí thư đảng ủy. Ông chủ tịch tỉnh. Ông giám đốc sở. Ông Bộ trưởng. Ông tướng quân đội, tướng công an. Tất cả đều là đảng viên, đều mang ý chí của độc đảng đến nghị trường áp đặt cho Quốc hội. Không có nhà lập pháp chuyên nghiệp ở tầm chính khách. Những quan chức quan liêu chỉ biết những điều đã lạc hậu của cuộc sống trở thành nghị sĩ nghiệp dư làm luật ở Quốc hội. Luật chưa xây dựng xong đã lạc hậu với cuộc sống đất nước, lại càng lạc hậu với thế giới.

Quân đội là lực lượng vũ trang mang sức mạnh nền kinh tế đất nước và ý chí của dân tộc trong phòng vệ đất nước. Hai yếu tố về tổ chức tạo lên sức mạnh quân đội là tập trung và chuyên nghiệp. Không tập trung và chuyên nghiệp không thể phát huy sức mạnh vũ khí và sức mạnh của kỹ chiến thuật. Không tập trung và chuyên nghiệp, không thể là quân đội chính qui, hiện đại.

Quân đội làm kinh tế đã phá hỏng cả hai yếu tố về tổ chức bắt buộc phải có của quân đội là tập trung và chuyên nghiệp. Quân đội làm kinh tế thì đội quân đó chỉ là những lao binh chuyên nghiệp và những chiến binh nghiệp dư.

- Quảng Cáo -

5 CÁC GÓP Ý

  1. Quân đội làm gì bây giờ mà không làm kinh tế, biển đảo thì xúi ngư dân ra trong nước thì công an, côn đồ tấn công trấn áp , quân đội chuyển qua làm kinh tế .

  2. Cơm ao gạo tiền dân nuôi lại đứng ra làm cho nhóm lợi ich trong đó có cả tướng tá hỏi sao mà ko gìau , ko quên nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đất nước hải đảo biên cương

  3. Qđôi làm kte thì lãi khủng vì: Đát đai của quốc gia, máy móc thiết bị của nnuoc cấp, xăng dầu nnuoc cấp nhân lưc thì đào tạo bằng ngân sách nnuoc công lính như nước.cứ thế thoải mái dung

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here