Chống tham nhũng nhìn từ hồ củi Yên Bái (*)
Kỳ Lâm (VNTB) Nếu xét tham nhũng quốc gia là hồ củi kéo dài 4km, thì mất bao nhiêu “lò nóng” về tài nguyên, sức người, nguồn lực để triệt tiêu hết?
***
Vietnamnet ngày 4/8 đưa tin, lũ quét ở Mù Cang Chải biến Hồ thủy điện thành hồ củi suốt chiều dài 4km.
Ngày 4/8 cũng là ngày dự kiến thông báo kết quả thanh kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đối với sự vụ “Biệt phủ Yên bái”.
Nếu lũ quét ở Mù Cang Chải được bà Bí thư tỉnh ủy Yên Bái đánh giá là “lịch sử” khiến 31 người chết, mất tích. Và đối với công luận hiện giờ, nếu Thanh tra Chính phủ không tìm ra một lối đi minh bạch nhất cho kết luận của mình đối với sự kiện biệt phủ, thì đó cũng sẽ là sự kiện “lịch sử” trong công tác phòng chống tham nhũng Việt Nam.
Yên Bái giống như một Quận 1 phóng lớn, nơi mà dù có hai mươi mấy cán bộ có liên quan, ủy viên hay chủ chốt cũng “không dám làm” gì. Bởi đó là lợi ích nhóm, là sự san sẻ và phúng điếu về mặt quyền lực một cách tinh vi nhất.
Ai dám đứng lên công khai về khối tài sản của ông Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái nếu như ông ta có chị gái là Bí thư tỉnh ủy Yên Bái? Thế nên “ngậm miệng ăn tiền” là phương án tối ưu của hệ thống chính trị – đảng tại tỉnh nghèo này.
Điều đặt ra là, trong trào lưu “chống tham nhũng” hiện nay. Thì việc, “đánh một người cứu vạn người” có được ứng dụng không? Nói chính xác sự vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng nghiệp là bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có làm cho tính chất Yên Bái chìm, trong định hướng vụ việc tham nhũng của Đảng làm rất nghiêm, nên nếu kết luận của Đảng về sự vụ Yên Bái có “giảm nhẹ tình tiết” thì đó cũng thể hiện sự quyết tâm của Đảng.
Nhà báo, và là nhà văn George Orwell từng khẳng định: “Ngôn ngữ chính trị làm cho những lời nói dối trở thành sự thực, biến sự giết chóc thành điều đúng đắn và làm cho cơn gió cũng có vẻ bề ngoài cứng rắn”.
Ngôn ngữ chính trị Việt Nam diễn biến như thế, dưới sự “tuyên truyền” của những người Cộng sản, nó biến những đối chọi lợi ích thành một cuộc chiến tham nhũng vì dân tộc; biến những đối tượng của phe phái cũ thành những vật hiến tế – cứu chúa cho nhóm người thuộc lợi ích mới. Nhìn vào cuộc chiến chống tham nhũng, cứ tưởng là một sự triệt tiêu – nhưng thực ra là sự thỏa hiệp. Vì thế nếu Trịnh Xuân Thanh là điểm nhấn cao, thì có thể sự vụ Yên Bái lại là một nốt trầm “xao xuyến”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7 đã có câu nói mang tính hình tượng rằng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy“.
Nhưng cháy thế nào, cháy ra làm sao, cháy tốt cho ai mới là vấn đề. Lò nóng sẽ đến lúc nguội, vậy nguội lúc đó có phải là một sự thỏa hiệp sau khi triệt hạ xong vây cánh. Củi tươi bỏ vào cháy, nhưng là lúc “lò nóng”, vậy lúc nào lò nóng, nó duy trì thường xuyên hay chỉ là một thời điểm?
Nếu xét tham nhũng quốc gia là hồ củi kéo dài 4km, thì mất bao nhiêu “lò nóng” về tài nguyên, sức người, nguồn lực để triệt tiêu hết?
Thế nên mới nói, cũng giống như cuộc chiến chống tham nhũng, lò nóng là cần nóng về mặt cơ chế. Phải làm sao để triệt tiêu nó ở dạng khô, chứ không phải làm khó mình ở dạng ướt. Và muốn như vậy, cơ chế chính trị phải thay đổi, quá trình đun nóng tham nhũng phải thay đổi.
Nếu không, muôn đời dân vẫn chịu thiệt. Bởi dù Trịnh Xuân Thanh trở về, thì tiền thuế của dân vẫn và đã bị tiêu bừa bãi, hay như Yên Bái – lũ ống quét sạch nhà dân, còn biệt phủ vẫn ở ngưỡng an toàn.
Đó là tính suy thoái hệ thống mà Trịnh Xuân Thanh hay biệt phủ Yên Bái chỉ là biểu hiện.
Leave a Comment