Vụ Trịnh Xuân Thanh, người từng đào thoát khỏi Việt Nam một cách bí ẩn hồi tháng Chín năm ngoái, đột nhiên biến khỏi Berlin (nơi anh ta tá túc lâu nay) vào ngày 23/7 trước khi ra “đầu thú” tại cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ngày 31/7 đang khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
“Chiến công” của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN?
Mặc dù giới chức Việt Nam cho rằng Trịnh Xuân Thanh đã “tự nguyện” về Việt Nam “đầu thú”, song hầu hết mọi người vẫn tin vào những gì mà Bộ Ngoại giao Đức đưa ra, theo đó tình báo Việt Nam đã thực hiện một vụ bắt cóc theo kiểu luật rừng ngay tại Berlin. Và một khi Ngoại trưởng Đức đã lên tiếng về vụ việc, cho biết Berlin đang xem xét những biện pháp đối với Hà Nội về vụ bắt cóc này thì người ta hiểu rằng đây là một vụ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.
Đức là quốc gia đầu tàu của Liên minh Châu Âu (EU) và là một cường quốc trên thế giới. Vì vậy, vụ khủng hoảng ngoại này không đơn giản là chỉ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương Việt – Đức, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam với EU cũng như giữa Việt Nam với phương Tây. Quả thực, đây là một dịp hiếm có khi hầu như tất cả các cơ quan truyền thông quốc tế lớn, từ BBC, CNN cho đến Washington Post… đều đồng loạt đưa tin về một vụ việc liên quan đến Việt Nam.
Theo dõi những phát biểu hùng hồn trong tâm trạng rất chi là phấn chấn của TBT Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7, giữa lúc những thông tin về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và đưa về Hà Nội bắt đầu loan ra, người ta hiểu rằng người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính là nhân vật đứng đằng sau vụ bắt cóc. (Trước đó, trong cuộc trao đổi với cử tri huyện Đông Anh sáng 6/12, ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chắc nịch rằng “Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu.”)
Ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhằm vào ai?
Trong hệ thống phẩm trật ở Việt Nam, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bình thường, hay phỏng theo lối nói thịnh hành trong chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình phát động ở Trung Quốc thì anh ta chỉ là một quan chức “hạng ruồi”. Dĩ nhiên, việc xử lý một quan chức “hạng ruồi” không phải là đích đến cuối cùng mà ông Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt cho bằng được.
Không ít người cho rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng quyết tâm bắt Trịnh Xuân Thanh là để “xử” cựu Bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng hoặc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, liên quan đến Đinh La Thăng, đệ tử ruột của ông ta là Vũ Đức Thuận (người từng được điều về làm Chánh Văn phòng Bộ GT-VT dưới thời Bộ trưởng Đinh La Thăng và khi ông Đinh La Thăng chuyển vào làm Bí thư Thành uỷ TP HCM thì được Thành uỷ đề nghị điều từ Bộ GT-VT vào) đã bị bắt. Từ đầu mối đó, Đinh La Thăng đã bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và mất chức Bí thư TP HCM. Vì thế, nếu muốn xử lý hình sự Đinh La Thăng thì không nhất thiết phải cố sống cố chết để bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh. Còn trong bài “Phe cấp tiến từng trỗi dậy ngoạn mục ra sao?” ngày 13/2/2017, chúng tôi đã chỉ ra rằng: Việc ông Nguyễn Phú Trọng thoả hiệp và bắt tay với liên minh Hoàng Trung Hải – Nguyễn Tấn Dũng – Nông Đức Mạnh (và sau lưng bộ ba này là Bắc Kinh) là nhân tố quyết định giúp ông ta giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh với đối thủ Trương Tấn Sang nhằm tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư từ người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh.
Vụ scandal ngoại giao mang tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra giữa lúc Hội nghị Trung ương 6, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, đang đến gần. Đây là kỳ hội nghị mà người ta chờ đợi là sẽ có những quyết sách nhân sự quan trọng, chuẩn bị cho việc ông Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Từ sau Đại hội XII cho đến nay, hai ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Đinh Thế Huynh thì vừa mới được thông báo là đang trong thời gian “điều trị bệnh” và vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông đã được Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng thay thế từ ngày 1/8. Sau suốt 3 tháng im hơi lặng tiếng trên truyền thông, nay lại được thông báo là đang chữa bệnh và chiếc ghế của mình thì đã được (tạm) giao cho người khác, cơ hội của ông Đinh Thế Huynh xem ra chỉ còn trên lý thuyết.
Sự biến mất bí ẩn của ông Đinh Thế Huynh khiến ông Trần Đại Quang càng trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng Bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, trong khi dư luận còn chưa hết bàn tán về căn bệnh bí hiểm của ông Đinh Thế Huynh thì người ta càng lúc càng “băn khoăn” trước sự im hơi lặng tiếng của ông Trần Đại Quang, nhân vật vốn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông chính thống, nhất là giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này.
Hình ảnh gần đây nhất của ông Trần Đại Quang trên truyền thông là trong chuyến ông đến thăm 3 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh tại tỉnh Hà Nam vào ngày 26/7. Từ đấy, ông hoàn toàn biến mất trên báo đài nhà nước, kể cả dịp Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ vào sáng 27/7, một buổi lễ mà một nhân vật mang tính chất “lễ nghi” như Chủ tịch nước xưa nay chưa bao giờ vắng mặt.
Đến tối 7/8, trong chương trình thời sự 19h hàng ngày, khi đưa tin về việc Chủ tịch nước và Thủ tướng quyên góp ủng hộ nhân dân Tây Bắc, người ta chỉ thấy VTV công bố hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các PTT Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và tập thể cán bộ Văn phòng Chính phủ bỏ phong bì vào thùng quyên góp, chứ tuyệt nhiên không thấy bất kỳ hình ảnh nào tương tự ở Văn phòng Chủ tịch nước. Điều này chẳng khác nào gián tiếp xác nhận về sự biến mất bí ẩn của ông Trần Đại Quang.
Như chúng tôi đã chỉ ra trong nhiều bài viết trước đây, trước thềm chuyến công du Bắc Kinh của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang từ ngày 19-21/6/2013, ông Trương Tấn Sang đã từ bỏ vị trí thủ lĩnh phe cấp tiến và trở thành một nhân vật cơ hội, quy thuận Bắc Kinh hầu mong được tiếp quản chiếc ghế TBT của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nổi lên đóng vai trò thủ lĩnh của nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy, nhưng lại chưa đủ sức lãnh đạo phe cấp tiến do viễn kiến và uy tín của một nhân vật xuất thân từ ngành công an.
Mặc dù ngăn chặn được “hiểm hoạ bắc thuộc” mang tên Nguyễn Tấn Dũng, nhưng từ trước và sau Đại hội XII cho đến nay, ông Trần Đại Quang vẫn thoả hiệp với cựu PTT Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành uỷ Hà Nội), người được một cây bút độc lập nhận định là “con bài tủ trong chiến lược Hán hoá Việt Nam” của Bắc Kinh: ông ta đã nhiều lần công cán cùng nhân vật đầy tai tiếng này, đặc biệt là trong chuyến công du Cuba rồi sang Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC từ ngày 15 – 20/11/2016 hay chuyến thăm Belarus và Nga cuối tháng Sáu vừa qua, cũng như chưa bao giờ lên tiếng về Formosa Hà Tĩnh, một đại hiểm hoạ về quân sự – kinh tế – môi trường mà “tác giả” của nó chính là Hoàng Trung Hải. Ngoài ra, ông ta cũng có một số nhượng bộ trước Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” tổ chức tại Bắc Kinh từ 11-15/5/2017. Tuy nhiên, các ông chủ Trung Nam Hải vẫn coi chừng đó là chưa đủ đối với một nhân vật đang nóng lòng được tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư, bởi họ lo ngại một khi đã an toạ trên ngôi vị tối cao, ông ta hoàn toàn có thể thay đổi lập trường khi chưa bị đối phương “nắm gáy”, điều mà họ đã làm được đối với Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng.
Vì vậy, vụ bắt cóc nhân vật được cho là đầu mối trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mang “bản sắc Nguyễn Phú Trọng” ngay tại thủ đô của quốc gia đầu tàu Liên minh Châu Âu mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm không hề hay biết là một diễn tiến logic tiếp theo. (Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi Việt Nam ngay trước mũi ông Nguyễn Phú Trọng, dư luận đã râm ran rằng cuộc đào thoát đó được tổ chức với sự “gật đầu” của ông Trần Đại Quang, người tuy đã rời khỏi Bộ Công an nhưng hệ thống chân rết tại cơ quan đầy quyền lực này thì gần như vẫn còn nguyên.)
Kịch bản nào sẽ xảy ra?
Xem ra công chúng bây giờ quan tâm đến số phận của ông Trần Đại Quang còn hơn cả “diễn viên chính” Trịnh Xuân Thanh. Đơn giản, những gì liên quan đến số phận chính trị của nhân vật “dưới một người và trên muôn người” này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình đất nước. Và sau đây là những kịch bản khả dĩ về số phận của ngài Chủ tịch nước trong một vụ việc mà dư luận cả trong nước lẫn quốc tế đang chăm chú dõi theo:
- Trước áp lực của Đức cũng như dư luận quốc tế, đặc biệt là trước viễn cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam vĩnh viễn không được thông qua, cộng với sự chống đối, phản kích của phe nhóm Trần Đại Quang, TBT Nguyễn Phú Trọng chấp nhận lùi bước, và những lời khai của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến ông Trần Đại Quang kể từ sau vụ bắt cóc ngày 23/7 đến nay sẽ bị xoá bỏ. Ông Trần Đại Quang qua đó sẽ “thoát hiểm”, không chỉ ung dung trở lại mà còn tỏ ra “lợi hại hơn xưa”, bởi giờ đây ông ta không còn phải e dè với kẻ thù công khai của mình nữa. Việc ông ta tiếp quản chiếc ghế TBT coi như chỉ còn là vấn đề thủ tục.
- Ông Trần Đại Quang đầu hàng Bắc Kinh và phe phái thân Tàu trong bộ máy để được tiếp tục an vị trên chiếc ghế Chủ tịch nước và thậm chí vẫn còn cơ hội trở thành Tổng Bí thư nếu chấp nhận làm tay sai cho Bắc Kinh.
- Ông Trần Đại Quang bị xử lý trong nội bộ Bộ Chính trị, chấp nhận vai trò một “ông phỗng” và “ngồi chơi xơi nước” trên chiếc ghế Chủ tịch nước để “giữ bình” (tránh đổ vỡ trong hệ thống).
- Ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước.
Chúng ta hãy chờ xem kịch bản nào sẽ xảy ra trong thực tế, bởi lúc này xem ra hãy còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì.
Lê Anh Hùng Blog – VOA
Leave a Comment