Việc bắt cóc thương gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin gây ra sự cố ngoại giao giữa Đức và Việt Nam.
Cảnh sát Berlin đã xác nhận với DW là một công dân Việt Nam tình nghi bị bắt cóc tại thành phố Berlin vào ngày 23 tháng Bảy, nhưng họ từ chối không cung cấp thêm chi tiết.
Trong một tuyên bố gửi cho nhật báo Taz tại Berlin, luật sư của ông Thanh là bà Petra Schlagenhauf cho biết là thân chủ của bà bị bắt cóc bằng vũ lực khoảng 10:40 sáng tại công viên Tiergarten ngay giữa Berlin.
Nhưng báo chí Việt Nam, trích dẫn nguồn từ Bộ Công An, thì đưa tin vào thứ Hai là ông Thanh tự nguyện ra đầu thú tại Hà Nội.
Bộ Ngoại Giao Đức có phản ứng giận dữ với tin này. Bộ đưa ra tuyên bố hôm thứ Tư, “Không còn nghi ngờ gì nữa về việc sứ quán và tình báo Việt Nam dính đến vụ này. Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một vi phạm trắng trợn và chưa từng thấy đối với luật pháp Đức và quốc tế.”
Bộ ngoại giao Đức cho biết thêm là sự việc này có thể tác động tiêu cực nặng nề đến quan hệ giữa Đức và Việt Nam. Điều đầu tiên xảy ra là nhân viên tình báo Việt Nam phải rời Đức trong vòng 48 tiếng.
Chính quyền Đức nhìn nhận là Việt Nam có yêu cầu dẫn độ ông Thanh trong lúc thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hamburg hồi tháng rồi. Đức bây giờ yêu cầu ông Thanh phải trở lại Đức để đơn dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được cứu xét và xử lý theo đúng pháp lý.
Bắt cóc hay áp lực?
Việt Tân, một tổ chức người Việt đấu tranh cho dân chủ bị cấm đoán tại Việt Nam, bày tỏ ngạc nhiên trước hành động trơ tráo của Việt Nam. Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân phát biểu với DW qua email, “Bắt cóc đối kháng là điều mà tình báo Việt Nam có thể làm tại Đông Nam Á. Điều này chưa bao giờ nghe thấy tại Tây phương. Chính quyền Đức cần lên án hành động trơ tráo này một cách mạnh mẽ nhất. Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh diễn ra trong lúc chính quyền cộng sản Việt Nam ra tay đàn áp đối kháng rộng khắp.”
Mặc dầu báo chí Việt Nam không nhắc đến chuyện bắt cóc, Trần Quốc Thuận, cựu dân biểu Quốc Hội, chia sẻ với BBC vào thứ Ba là ông “ngạc nhiên” khi nghe nói ông Thanh trở về lại Việt Nam. Ông nghĩ là ông Thanh bị áp lực trở về lại Việt Nam và thú tội, hơn là bị bắt cóc, mặc dầu ông có thòng thêm “xác suất bị bắt cóc cao hơn”.
Dùng chống tham nhũng như vũ khí chính trị
Ông Thanh là một viên chức chính trị tại Việt Nam nhiều năm trước khi bị tước hết quyền hành vì bị cáo buộc tham nhũng vào tháng Chín 2016. Trong một xứ cộng sảng mà kinh doanh và chính trị gắn liền với nhau, ông Thanh là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của công ty Dầu Khí Việt Nam và giữ những chức vụ cao cấp khác trong các công ty quốc doanh cùng lúc với ghế dân biểu quốc hội.
Theo báo Taz, ông Thanh có thời gian ở Đức đầu thập niên 90 và có lúc xin tỵ nạn, nhưng sau đó tự nguyện hồi hương.
Báo chí Việt Nam đưa tin là ông Thanh bị cáo buộc “tham nhũng” nhưng có nhiều lý do khác tại sao chính quyền truy tìm ông. Trong một cuộc phỏng vấn với một trang blog tiếng Việt tại Berlin, ông cho biết là ông thuộc một phe nhóm của Đảng Cộng Sản Việt Nam trở nên nguy hiểm đối với Tổng Bí Thư Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Thanh cũng qua trang blog này hăm sẽ tiết lộ cơ cấu quyền lực của Đảng.
Đã có nhiều chỉ dấu về tranh chấp quyền lực bên trong đảng CSVN giữa nhóm bảo thủ và nhóm cải cách tư bản thực tiễn từ lâu nay, với nhóm bảo thủ đang ở thế thượng phong. Cũng giống như tại Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng được sử dụng để loại trừ đối phương. Hàng tá viên chức cao cấp của Đảng và chính quyền đã bị bắt giữ trong những tháng vừa qua – với một số bị kết án tử hình.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment